Cổ phần hóa còn chậm
Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đề xuất, về lâu dài cần thống nhất trách nhiệm và đầu mối giám sát về một cơ quan chuyên trách quản lý DNNN của Chính phủ (hiện nay có 5 cơ quan cùng tham gia quản lý, giám sát). Nghiên cứu thành lập một cơ quan ngang bộ để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, là đầu mối thống nhất quản lý các DNNN và vốn đầu tư Nhà nước vào DN.
Theo Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Đảng bộ khối có 32 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng, trong đó có 28 DN thuộc đối tượng cần xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015. Đến nay 28 đơn vị này đã hoàn thành xây dựng đề án, trong đó có 24 DN đã được phê duyệt, còn 4 đơn vị đã trình đề án, đang tiếp thu, hoàn thiện và chờ phê duyệt là:Tập đoàn VNPT, Vietcombank, BIDV và Vietinbank.
Theo đề án, tất cả 24 đơn vị được tổ chức theo mô hình công ty mẹ- công ty con, trong đó có 15 DN công ty mẹ giữ 100% vốn điều lệ, có 9 công ty mẹ cần tiến hành cổ phần hóa (CPH). Đến nay có 3 công ty mẹ đã CPH là Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP. Các công ty mẹ sẽ CPH trong năm 2014 là Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Năm 2015 cần CPH 4 công ty mẹ còn lại là Tổng công Hàng Hải Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam.
Theo đánh giá của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, một số đơn vị triẻn khai tái cơ cấu còn chậm như: Tổng công ty lương thực Miền Bắc được phê duyệt Đề án tái cơ cấu từ ngày 14/12/2012 nhưng đến 17/5/2013 Ban thường vụ Đảng ủy Tồng công ty mới ban hành Kết luận chỉ đạo việc tổ chức thực hiện; Tổng công đường sắt Việt Nam được phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngày 21/1/2013, nhưng đến 17/6/2013 Hội đồng thành viên mới có quyết định phê duyệt danh sách CPH năm 2013… Tiến độ thực hiện tái cơ cấu, đăc biệt là CPH, sắp xếp lại DN còn chậm, kết quả rất hạn chế.
Về thoái vốn đối với các khoản đầu tư chéo giữa các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đề nghị: cho phép các đơn vị này được mua lại, chuyển nhượng số vốn đang góp theo giá trị sổ sách hoặc tự thỏa thuận, chứ không phải đấu giá qua sàn chứng khoán, nhằm rút ngắn thời gian thoái vốn. Đối với một số khoản đầu tư ở nước ngoài, đề nghị được thoái vốn cho đơn vị chịu trách nhiệm chính của các dự án này, hoặc đơn vị Chính phủ chỉ định.
“Dứt khoát phải thúc đẩy đổi mới DNNN”
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu tại Hội nghị, để đảm bảo yêu cầu của Đảng. Có những giai đoạn tranh luận rất gay gắt nên hay không nên duy trì DNNN. Sở dĩ như vậy là bởi DNNN hiện nắm giữ nhiều vốn, tài sản, nhưng hiệu quả phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một số lĩnh vực hoạt động chưa hiệu quả, cá biệt có những nơi vi phạm pháp luật đã phải xử lý nghiêm, tác động không tích cực đến vai trò của DNNN.
“Đảng khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. DNNN là nòng cốt của kinh tế nhà nước, là công cụ hỗ trợ để nhà nước điều tiết nền kinh tế. Trong bối cảnh nhiều ý kiến DNNN cần thu hẹp, phải khẳng định lại quan điểm này. Muốn thực hiện được nhiệm vụ này, đòi hỏi phải thúc đẩy đổi mới, sắp xếp DNNN, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động...”, ông Ninh nói, đồng thời nhấn mạnh, đổi mới DNNN theo hướng phải hoạt động tuân theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng như các thành phần kinh tế khác. DNNN phải được quản lý chặt chẽ, minh bạch. Cũng cần chú trọng đổi mới về quản trị DNNN.
Ngoài ra, việc đổi mới DNNN, theo ông Ninh đang được thực hiện theo hướng xác định rõ hơn phạm vi hoạt động của DNNN sao cho hợp lý. DNNN chỉ giữ ở những khâu, công đoạn và địa bàn quan trọng và then chốt. Nên nhớ DNNN chỉ tham gia ở các khâu, chứ không phải cả hệ thống. Ví dụ trong lĩnh vực điện, thì chỉ giữ lại khâu phân phối, còn nhiều khâu, công đoạn khác sẽ cổ phần hóa… Các DNNN mà nhà nước nắm giữ 100% vốn sẽ thu hẹp dần.