Nền tảng hợp tác vững chắc
409 dự án với tổng vốn lên tới 4,1 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư tại Lào… là những con số đầy ấn tượng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã báo cáo với hai nhà lãnh đạo đứng đầu Chính phủ Việt Nam và Lào tại Kỳ họp lần thứ 41, Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào vừa diễn ra tại Hà Nội.
Những dự án đã hoàn thành và tiếp tục được vận hành, khai thác tốt như Thủy điện Xecaman 1, Khách sạn Mường Thanh - Viêng Chăn, Unitel (của Tập đoàn Viettel), Khu đô thị Nong Tha của Tập đoàn Hà Đô hay các dự án của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai…
Không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, mà quan hệ thương mại Việt - Lào cũng có thể xem là điểm sáng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2018, kim ngạch thương mại hai nước đạt 923 triệu USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 537 triệu USD, tăng 13%; xuất khẩu của Lào sang Việt Nam đạt 386 triệu USD, tăng 15,9%. Với kết quả này, hai nước đã hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại được đề ra tại Kỳ họp lần thứ 40.
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Bá Hùng, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về đầu tư và là đối tác thương mại lớn của Lào. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã góp phần thúc đẩy kinh tế Lào phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Tất nhiên, hợp tác kinh tế chỉ là một phần trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Hai bên đang đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối về giao thông - vận tải trong khuôn khổ hợp tác song phương cũng như tiểu vùng; tiếp tục tổng kết, nghiên cứu nhân rộng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” của cặp cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) - Densavanh (Lào) sang các cặp cửa khẩu quốc tế khác giữa hai nước…
Hiếm có nước nào trên thế giới mà việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai đảng, hai nhà nước lại được tiến hành thường xuyên như giữa Việt Nam với Lào.
Việt Nam cũng là đối tác lớn của Lào trong lĩnh vực viện trợ không hoàn lại, với số vốn viện trợ không hoàn lại trong năm 2018 là 735 tỷ đồng, trong đó, riêng kinh phí phân bổ cho đào tạo là 270 tỷ đồng. 12 dự án đã hoàn thành trong năm 2018, đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đề ra, có thể bàn giao đưa vào sử dụng.
“Các dự án chuyển tiếp sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam dành cho Lào về cơ bản đạt tiến độ đề ra, trong đó, các dự án đã được phê duyệt đều triển khai nhanh, một số dự án vượt tiến độ đề ra”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Các lĩnh vực hợp tác chính trị, ngoại giao, quốc phòng - an ninh cũng được hai bên duy trì hợp tác chặt chẽ, phối hợp hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế.
Kênh thống nhất chỉ đạo thúc đẩy triển khai các thỏa thuận cấp cao
Đây là lần thứ 3 liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng CHDCND Lào Thonloun Sisoulith đồng chủ trì Kỳ họp thường niên của Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào.
Sự kiện tiếp tục khẳng định ưu tiên đối ngoại của cả hai nước là không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tạo một kênh thống nhất chỉ đạo thúc đẩy triển khai các thỏa thuận cấp cao, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đánh giá, hiếm có nước nào trên thế giới mà việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai đảng, hai nhà nước lại được tiến hành thường xuyên như giữa Việt Nam với Lào.
Tại Kỳ họp lần thứ 41, Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào vừa diễn ra, hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Cụ thể, Chính phủ Lào sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án lớn, trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; thúc đẩy Dự án Sân bay Nọng Khảng (tỉnh Hủa Phăn), phấn đấu hoàn thành trong năm 2019.
Hai bên sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương, với mức tăng ổn định từ 10% trở lên so với năm 2018.
Ngoài ra, hai bên sẽ tập trung thực hiện tốt các tuyên bố chung và các thỏa thuận cấp nhà nước, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh…
Có thể khẳng định, những cam kết đó đã và đang mở rộng hơn nữa cơ hội cho dòng vốn đầu tư từ Việt Nam chảy mạnh sang Lào và mở rộng giao thương giữa hai nước.