Vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài có xu hướng tăng, lượng kiều hối được duy trì

Vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài có xu hướng tăng, lượng kiều hối được duy trì

Nền tảng vĩ mô tốt, tác động của tỷ giá nhỏ

(ĐTCK) Hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nên VND cũng không nằm ngoài vòng xoáy và chịu ảnh hưởng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Tuy nhiên, mức độ tác động của đợt tăng lãi suất USD lần này được các lãnh đạo ngân hàng nhận định sẽ không mạnh.

Trong phiên họp ngày 13 - 14/12 của Ủy ban Thị trường mở thuộc Fed (FOMC) đã quyết định thông qua việc tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%/năm, lên mức 0,5 - 0,75%/năm. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai của Fed trong một thập kỷ qua. Bên cạnh quyết định này, Fed đưa ra một số nhận định và định hướng quan trọng về chính sách tiền tệ Mỹ trong các năm tới.

Ngoài dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong 3 năm tới, Fed nâng dự báo tăng trưởng GDP Mỹ năm 2016 từ 1,8% lên 1,9%, năm 2017 từ 2% lên 2,1%, năm 2019 từ 1,8% lên 1,9% và giữ nguyên mức 2% cho năm 2018, tốc độ tăng trưởng trung bình trong dài hạn là 1,8%/năm

Đồng thời, nâng dự báo lạm phát năm 2016 từ 1,3% lên 1,5% và giữ nguyên triển vọng dài hạn ở mức 2%.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, ngay sau kết quả của cuộc họp FOMC được công bố, USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh. Chỉ số US Dollar Index tăng 1,5%, lên mức 102,5 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2003 đến nay.

Các đồng tiền trong khu vực châu Á mở cửa phiên sáng 15/12 đồng loạt giảm giá so với USD như CNY giảm 0,43%, KRW giảm 1,65%. Giá vàng thế giới đóng cửa phiên 14/12 ở mức 1.144 USD/ounce, giảm 14 USD/ounce so với phiên trước đó - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2016 đến nay.

Ảnh hưởng đối với thị trường trong nước

Đối với thị trường ngoại hối trong nước, theo nghiên cứu của BIDV, USD tăng giá trên thị trường quốc tế đã kéo theo sự đi lên của tỷ giá USD/VND, bao gồm tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng và tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do.

Vấn đề của thị trường ngoại hối trong năm 2017 không phải là giữ ổn định như thế nào, mà chiến lược của Chính phủ trong chính sách tỷ giá như thế nào để hài hòa xu thế của nền kinh tế thế giới cũng như phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam.

- Lãnh đạo một ngân hàng có vốn nhà nước.

Theo đó, kết quả phiên họp của FOMC đã tạo ra tác động gián tiếp đối với thị trường ngoại hối liên ngân hàng thông qua một số khía cạnh: USD tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế và sự mất giá của đồng nội tệ các quốc gia khác, bao gồm các đồng tiền trong rổ ngoại tệ mà NHNN đang theo dõi để điều hành cơ chế tỷ giá trung tâm (EUR, JPY, CNY, THB…), kéo theo sự đi lên của tỷ giá trung tâm và tạo áp lực tâm lý đối với thị trường liên ngân hàng.

Một điểm đáng chú ý là giá vàng thế giới giảm mạnh trong khi giá vàng trong nước chỉ điều chỉnh giảm nhẹ 150.000 đồng/lượng, dẫn đến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục nới rộng lên 4,2 triệu đồng/lượng và theo đó, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng thêm 30 - 50 điểm, xuất phát từ nhu cầu ngoại tệ để nhập lậu vàng.

Đồng thời, tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên mức 22.300 - 22.360 đồng/USD, cao hơn tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng 450 - 500 điểm, khiến một phần dòng ngoại tệ có xu hướng dịch chuyển từ thị trường liên ngân hàng ra thị trường tự do và làm sụt giảm nguồn cung trên thị trường liên ngân hàng.

Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, sau khi Fed tăng lãi suất, thị trường ngoại hối liên ngân hàng có những căng thẳng nhất định. Tuy nhiên, NHNN đã nhanh chóng bán ra khoảng 700 triệu USD, ổn định lại tình hình.

Lãnh đạo các ngân hàng nói gì?

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) nhận định, Fed điều chỉnh lãi suất và kỳ vọng lãi suất sẽ tăng 3 lần trong năm 2017 báo hiệu một lượng tiền đầu tư ở Đông Nam Á hay ở những thị trường mới nổi có thể sẽ được rút ra và quay lại Mỹ. Điều này sẽ tác động đến nhiều quốc gia, như Malaysia vừa trải qua những ngày khá hỗn loạn khi đồng Ringgit mất giá khoảng 15%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1997.

Theo ông Trung, Fed tăng lãi suất giúp giá trị USD tăng so với tất cả các loại tiền tệ khác và kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với kinh tế thế giới nên VND cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ tác động của đợt tăng lãi suất USD lần này đối với thị trường ngoại hối Việt Nam không mạnh do điều kiện vĩ mô hiện tại khá tốt. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là nguồn vốn mạnh ở Việt Nam nhằm hưởng những lợi thế thương mại, nhất là đón đầu cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Nền tảng vĩ mô tốt, tác động của tỷ giá nhỏ ảnh 1

Thanh khoản USD vẫn khan hiếm do quý IV đến chu kỳ thanh toán của nhiều công ty nước ngoài

Trong khi đó, dư nợ ngoại tệ hiện nay của các doanh nghiệp đang rất thấp do lãi suất thấp, chêch lệch lãi suất USD và VND không lớn, đặc biệt là chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ nên đa số doanh nghiệp vay bằng VND.

Một lãnh đạo Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) nhận định: “Thanh khoản VND đã bớt căng thẳng, chủ yếu do NHNN hỗ trợ qua kênh thị trường mở, nhưng thanh khoản USD vẫn khan hiếm do quý IV đến chu kỳ thanh toán của nhiều công ty nước ngoài. Tuy nhiên, NHNN đã niêm yết giá bán chính thức bằng giá trần trừ 50 điểm làm ổn định tâm lý muốn đẩy giá của thị trường. Vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vẫn có xu hướng tăng, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong 11 tháng đầu năm 2016 là 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015 và lượng kiều hối được duy trì, sẽ hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại hối”.

Theo đánh giá của giám đốc tiền tệ một ngân hàng thương mại, diễn biến thị trường ngoại hối trong thời gian tới sẽ phụ thuộc lớn vào động thái của NHNN do tỷ giá hiện tại đã chạm vào ngưỡng tâm lý và thanh khoản trên thị trường sụt giảm. NHNN nên tập trung giải quyết 2 vấn đề: bổ sung nguồn cung ngoại tệ tạm thời cho thị trường để nhanh chóng ổn định tâm lý thị trường; bổ sung nguồn cung vàng cho thị trường, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

“Diến biến các thị trường khác như tiền tệ liên ngân hàng VND và trái phiếu Chính phủ sẽ liên kết chặt chẽ với thị trường ngoại hối. Nếu thị trường ngoại hối tiếp tục căng thẳng thì lãi suất VND liên ngân hàng sẽ tiếp tục neo quanh mức 5% - lãi suất trên thị trường mở đối với phần lớn các kỳ hạn và lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm sẽ phổ biến trong khoảng 5,5 - 5,7%/năm. Nếu thị trường ngoại hối hạ nhiệt hơn thì lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng cũng như lãi suất trái phiếu Chính phủ có thể ổn định, thậm chí giảm nhẹ”, vị giám đốc trên nhận định.

“Trong ngắn hạn, việc Fed tăng lãi suất chưa tác động nhiều đến thị trường ngoại hối, nhưng với chính sách mới của Tổng thống Mỹ như cắt giảm thuế để thu hút các nhà đầu tư quay ngược trở lại Mỹ sẽ đẩy lạm phát tăng. Xác suất Fed tăng lãi suất ngày càng cao làm cho USD mạnh hơn. Do đó, áp lực cho các đồng nội tệ, đặc biệt ở các thị trường mới mới trỗi dậy và cơ bản thị trường ngoại hối Việt Nam sẽ chịu áp lực hơn trong năm 2017, vì giá trị USD tăng lên chứ không phải VND mất giá”, ông Lê Quang Trung nói.

Lãnh đạo một ngân hàng có vốn nhà nước nêu quan điểm: “Vấn đề của thị trường ngoại hối trong năm 2017 không phải là giữ ổn định như thế nào, mà chiến lược của Chính phủ trong chính sách tỷ giá như thế nào để hài hòa xu thế của nền kinh tế thế giới cũng như phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam”.          

Tin bài liên quan