Cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn so với các kênh khác.

Cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn so với các kênh khác.

Nền tảng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hệ thống công nghệ giao dịch trục trặc, nhưng nền tảng thị trường vẫn tích cực, hỗ trợ cho kỳ vọng chỉ số VN-Index sớm vượt qua mức 1.200 điểm.

Lãi suất vẫn duy trì mặt bằng thấp

Xét về những yếu tố hỗ trợ cho kỳ vọng duy trì xu hướng tích cực của thị trường, yếu tố đầu tiên phải kể đến là mặt bằng lãi suất. So với thời điểm đầu năm 2020, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm khoảng 2%/năm so với cuối năm 2020, qua đó, đưa mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiệm cận vùng thấp nhất trong lịch sử.

Lãi suất giảm khiến tiết kiệm - kênh giữ tiền thay thế, trở nên kém hấp dẫn hơn, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch sang kênh chứng khoán (bao gồm cả trái phiếu và cổ phiếu) nhằm tìm kiếm tỷ suất sinh lợi cao hơn.

Xu hướng tăng mạnh số tài khoản khoản mở mới và nộp tiền tại các công ty chứng khoán lớn nhỏ hay số dư tiền gửi của nhà đầu tư gia tăng trên báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán đã cho thấy rõ điều này.

Theo một số liệu thống kê, số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán đến thời điểm 31/12/2020 vào khoảng 60.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với đầu năm 2020 và đây là con số kỷ lục trong lịch sử. Trong đó, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. Dòng tiền vào thị trường tăng, sức cầu tăng trong khi lượng cung tăng chậm hơn sẽ kích thích giá cổ phiếu đi lên.

Lãi suất huy động giảm dẫn đến lãi suất cho vay của khối công ty chứng khoán giảm. Thống kê mặt bằng lãi suất đại trà theo giới thiệu của nhiều công ty chứng khoán lớn hiện đã giảm xuống mức quanh 12%/năm, từ mức quanh 14% đầu năm 2020. Đối với các khách hàng mở mới nhận được nhiều ưu đãi hơn với các chương trình lãi suất margin chỉ từ 9%/năm, thậm chí có công ty áp dụng lãi suất chỉ từ 6%/năm.

Theo cập nhật từ lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dư nợ margin toàn thị trường tới ngày 31/12/2020 đã đạt gần 81.000 tỷ đồng, tăng 59% so với cuối năm 2019. Trong Top 10 công ty chứng khoán đạt thị phần lớn nhất của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã giải ngân xấp xỉ 56.330 tỷ đồng cho vay, tăng 64% so với đầu năm. Dư nợ cho vay ký quỹ được đánh giá đã tiếp tục gia tăng cùng mức tăng của điểm số và mặt bằng giá cổ phiếu trong 2 tháng đầu năm.

Dưới góc nhìn đầu tư, lãi suất giảm sẽ làm giảm chi phí chiết khấu trong các mô hình định giá, từ đó làm tăng giá mục tiêu khiến chênh lệch thị giá, giá mục tiêu trở lên hấp dẫn hơn trên cùng mức lợi nhuận.

Doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng

Lực đẩy thứ hai đối với chỉ số chính từ góc độ doanh nghiệp niêm yết. Cập nhật kết quả kinh doanh của 907 doanh nghiệp đang niêm yết (chiếm 92% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường) của Fiintrade đến 8/2/2021 cho thấy, lợi nhuận kế toán nhóm ngành tài chính tiếp tục tăng trưởng trong quý IV cũng như cả năm 2020. Trong khi lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của khối phi tài chính đã tăng trở lại và cao hơn mặt bằng cùng kỳ năm trước.

Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong năm 2020 như FPT (tăng 12,8%), HPG (tăng 78%), CTG (tăng 44,7%), TCB (tăng 23%), ACB (tăng 27,8%)…

Bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong năm qua như FPT (tăng 12,8%), HPG (tăng 78%), CTG (tăng 44,7%), TCB (tăng 23%), ACB (tăng 27,8%)… Kết quả này mang đến kỳ vọng về những kế hoạch chia cổ tức hấp dẫn vào mùa đại hội cổ đông đang đến gần.

Trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn của dịch bệnh như đẩy mạnh đầu tư công, miễn giảm các chi phí, thuế, khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cùng xu hướng tăng của giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trong nước và thế giới, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực vật liệu xây dựng, hạ tầng, bất động sản, logictics… được dự báo sẽ tiếp tục có một năm kinh doanh khả quan.

Trong kế hoạch 2021, hàng loạt doanh nghiệp lớn đã công bố các con số mục tiêu kinh doanh tăng trưởng như CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 13,64% và 37,68% so với kế hoạch 2020.

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đề ra mục tiêu doanh thu thuần tăng 20%; lợi nhuận sau thuế tăng 30%, tương đương mức cao nhất từng đạt cách đây 5 năm. Nhiều ngân hàng như MBB, MSB, VCB, CTG lên kế hoạch lợi nhuận tăng 10 - 30% trong năm 2021.

Ngay cả với những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 như hàng không (HVN, VJC), bán lẻ (PNJ), kết quả kinh doanh năm 2021 cũng được dự báo khả quan hơn, phục hồi trên nền tảng thấp của năm 2020, đặc biệt là so với quý II/2020 - cao điểm cả nước giãn cách xã hội.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thuộc các khối ngành sản xuất như cao su, mía đường, dầu khí, nông sản đang kỳ vọng hưởng lợi từ xu hướng tăng mạnh mẽ của các loại giá cả hàng hóa thời gian qua.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất giảm sẽ giúp tiết kiệm các chi phí lãi vay, dòng tiền trả nợ từ đó đạt được mức lợi nhuận cao hơn trên cùng điều kiện kinh doanh như năm trước.

VN-Index đang có những diễn biến khá tương đồng với giai đoạn vượt đỉnh lịch sử vào năm 2018.

VN-Index đang có những diễn biến khá tương đồng với giai đoạn vượt đỉnh lịch sử vào năm 2018.

Trong khi đó, sự quan tâm của các cơ quan chức năng đối với thị truờng chứng khoán với những cải cách cả về cơ sở pháp lý từ sau khi Luật Chứng khoán mới có hiệu lực và một loạt thông tư, nghị định mới được ban hành hướng đến nâng cao chất lượng thị trường nhằm sớm đạt mục tiêu được nâng hạng dù không tác động ngày lập tức nhưng được đánh giá sẽ thấm dần và trở thành “mỏ neo” kỳ vọng cho nhà đầu tư.

Tất nhiên, thị trường chứng khoán vẫn đang có những “lực kéo”. Đó là áp lực bán ròng của khối ngoại khi chỉ tính riêng trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) khối ngoại đã có tháng bán ròng thứ 5 liên tiếp với tổng giá trị hơn 15.600 tỷ đồng, tập trung vào nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tuy vậy, thực tế trong suốt 5 tháng bán ròng vừa qua, VN-Index vẫn duy trì xu hướng tăng điểm mạnh mẽ nhờ sức cầu tốt từ khối nội.

Có lẽ ít giai đoạn nào, thị trường chứng khoán (cụ thể là cổ phiếu) lại nổi lên thành kênh hấp dẫn dòng tiền hơn hẳn nhiều kênh đầu tư khác như hiện nay, khi mà lãi suất gửi tiết kiệm giảm mạnh, giá vàng chững lại sau khi leo dốc trong năm 2020, thị trường bất động sản trầm lắng hơn, tỷ giá ngoại tệ ổn định…

Trong khi đó, các đồng tiền số như Bitcoin liên tục tăng sốc, giảm sâu nhưng là kênh đầu tư chưa được pháp luật Việt Nam cho phép.

Tuy vậy, với mặt bằng giá mới, việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư cũng đang trở nên khó khăn hơn.

Tin bài liên quan