Thưa ông, những điểm nào trong Dự án Luật Thuế TNDN được DN cho là không hợp lý?
Thuế suất và xác định thu nhập chịu thuế là 2 quy định quan trọng nhất của mọi sắc thuế. Cả 2 quy định quan trọng này đều được DN cho là chưa phù hợp với thực tế.
Chắc DN muốn hạ thuế suất xuống dưới 25% (mức thuế suất dự kiến)?
Vấn đề này chúng tôi nhận được 2 luồng quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc giảm thuế suất thuế TNDN từ 28% xuống 25% không chỉ phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay, mà còn phù hợp với mức thuế suất chung của các nước trong khu vực. Ngược lại, cũng có ý kiến đề nghị giảm xuống còn 22 - 23%, thậm chí có quan điểm cho rằng, để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, cạnh tranh thu hút vốn đầu nước ngoài với các nước trong khu vực thì nên để mức thuế suất 20%. Để cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xu hướng giảm thuế TNDN đang được nhiều nước thực hiện. Nếu thuế TNDN của Việt Nam là 25%, trong khi nhiều điều kiện cạnh tranh khác của Việt Nam không bằng các nước trong khu vực thì trong thời gian không xa, Việt Nam lại phải sửa đổi lại thuế TNDN.
Trên quan điểm cá nhân, theo ông, mức thuế suất bao nhiêu là hợp lý?
Mức thuế suất 25% là hợp lý, bởi quy định mức thuế suất bao nhiêu không chỉ tác động đến DN, đến môi trường kinh doanh, mà còn tác động đến số thu ngân sách. Bình quân, mỗi năm thuế TNDN khoảng 30.000 tỷ đồng (với mức thuế suất 28%), Dự án Luật thuế TNDN giảm thuế suất xuống 25% cùng với việc cho DN được lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ tối đa bằng 10% thu nhập trước thuế thì nguồn thu sẽ giảm, nếu hạ xuống 20 - 21%, cộng với việc nguồn thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu giảm do thực hiện cam kết trong WTO, Nhà nước khó có nguồn lực để đầu tư cải tạo, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng (1 trong 3 trở ngại lớn nhất trong thu hút đầu tư) thì môi trường kinh doanh sẽ giảm, chứ không hẳn đã tốt lên.
Thế còn việc xác định thu nhập chịu thuế?
DN đặc biệt quan tâm cách xác định thu nhập chịu thuế, hay nói cách khác là trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh tạo ra hàng hóa, dịch vụ, DN rất quan tâm đến những khoản chi nào họ được loại trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. DN mong muốn, các khoản chi phí được trừ phải được cụ thể hóa, minh bạch để có cơ sở xác định hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và tránh được tiêu cực có thể xảy ra với cơ quan quản lý thuế trong khi xác định thu nhập chịu thuế.
Dự án Luật có đáp ứng được mong mỏi này của DN không, thưa ông?
Theo tôi, Dự án Luật Thuế TNDN chỉ quy định các khoản không được trừ, các khoản chi phí không quy định thì DN đương nhiên được tính là chi phí hợp lý đã đáp ứng được yêu cầu đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Thế nhưng, một số DN và chuyên gia tài chính lại cho rằng, quy định như trong Dự án Luật chưa thực sự khoa học và muốn Luật phải lượng hóa cụ thể tất cả các khoản chi phí được trừ và không được trừ. Bởi chỉ có quy định cụ thể DN mới có cơ sở để tính toán chính xác giá thành hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện sản xuất - kinh doanh.
Một mong mỏi khác của DN là Dự án Luật Thuế TNDN bãi bỏ mức khống chế chi cho quảng cáo, tiếp thị, nhưng họ đã thất vọng?
Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có quan điểm cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh vô cùng quan trọng đối với DN, thậm chí nó quyết định tới sự thành bại của một sản phẩm, sự tồn tại của cả DN nên việc khống chế mức chi cho quảng cáo là không phù hợp với thực tế. Ngược lại, nhiều quan điểm cho rằng, cuộc "đấu tranh" trong việc giành giật thị trường giữa DN lớn với DN nhỏ, giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, giữa DN có thương hiệu và DN mới thành lập cùng kinh doanh một số sản phẩm, dịch vụ đang diễn ra khốc liệt, nếu không khống chế thì những DN có tiềm lực tài chính mạnh sẽ chiếm lĩnh, thôn tính DN mới thành lập, DN nhỏ và vừa.
Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Đúng là mức khống chế như trong Dự án Luật không phù hợp với thực tế, nhưng bãi bỏ hoàn toàn mức khống chế cũng chưa thể thực hiện ngay. Vì vậy, nên nới lỏng mức khống chế lên 15% hoặc 20%, cũng có thể là 25% tổng chi phí hợp lý, hợp lệ. Tôi cho rằng, nếu nới lỏng tỷ lệ khống chế, vừa không ảnh hưởng đến việc quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm của DN, đồng thời bảo vệ được DN nhỏ và vừa, DN mới thành lập. Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ nghiên cứu cẩn trọng vấn đề này trước khi đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội một mức khống chế tỷ lệ chi cho quảng cáo, tiếp thị hợp lý.