Đó là quan điểm của ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritime Bank (MSBS).
Được biết, một trong những kiến nghị của MSBS tại Hội nghị “Vai trò của TTCK đối với nền kinh tế” mới đây là nâng tỷ lệ cho vay chứng khoán ký quỹ (margin) tối đa đối với một mã chứng khoán lên 60 -70%, đồng thời nâng room cổ phiếu niêm yết được phép margin nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường. Đâu là cơ sở cho đề xuất này, thưa ông?
Đề xuất của chúng tôi xuất phát từ sự phát triển và trưởng thành về thông lệ quản trị rủi ro của các CTCK đối với hoạt động margin trong những năm qua. Có thể nói, hầu hết CTCK đã tự động hóa quy trình quản lý cho vay margin, hạn chế sự can thiệp của con người. Nhận thức về quản trị rủi ro của lãnh đạo các CTCK cũng đã có nhiều thay đổi.
Điều này rất khác với những năm trước (2006 - 2011) khi cho vay đòn bẩy tài chính bùng nổ nhưng chủ yếu quản lý bằng tay và các quyết định giải chấp đôi khi không được thực hiện tức thời, do có sự can thiệp từ phía các lãnh đạo.
Đầu năm 2013, UBCK đã điều chỉnh tăng tỷ lệ cho vay tối đa trên một mã chứng khoán từ 40% lên mức 50%. Thực tế cho thấy, hoạt động quản trị rủi ro của các CTCK được thực hiện khá bài bản, tỷ lệ phát sinh nợ xấu thấp và đó là cơ sở để chúng tôi cho rằng, đã đến lúc UBCK cân nhắc nới thêm tỷ lệ giải ngân tối đa lên mức 60 - 70%, cũng như xem xét nới room cho vay từ mức 5% lên 10% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết, nhằm tạo điều kiện tăng thanh khoản thị trường.
Các đề xuất trên nhằm tăng cường cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm hơn cho các CTCK, mà không hàm ý một sự dễ dãi hơn trong quản lý cho vay margin. Các CTCK sẽ phải tự phân tích và ra quyết định mức cho vay, room cho vay đối với từng mã trong một không gian thoáng hơn và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tôi cho rằng, sẽ không có hiện tượng cạnh tranh nhau bằng tỷ lệ cho vay cao hay room cao, bởi đó là cách “nhanh nhất” để tự hủy CTCK.
Hiện các cổ phiếu mới chào sàn không được phép cho vay margin. Theo ông, quy định này có cần thay đổi?
Theo quy định, sau 6 tháng giao dịch, các cổ phiếu mới chào sàn mới được phép cho vay margin. Điều này ảnh hưởng đến giao dịch của khách hàng cũng như thanh khoản của cổ phiếu đó. Chúng tôi cho rằng, đây là một quy định khá chặt và đề xuất nên bỏ quy định này hoặc giảm thời gian đưa vào danh mục ký quỹ đối với những cổ phiếu mới niêm yết từ 6 tháng xuống còn 2 tháng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước là một trong những nguyên nhân hạn chế dòng tiền vào TTCK, làm giảm tính thanh khoản của thị trường. Quan điểm của ông ra sao?
Có thể nói, Thông tư 36 là một định hướng đúng nhằm xây dựng một thị trường vốn bền vững, bớt phụ thuộc hơn vào thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, diễn biến TTCK 6 tháng qua đã bị ảnh hưởng khá mạnh bởi thông tư này, đứng về cả góc độ dòng tiền cũng như ảnh hưởng tâm lý.
Trong khi kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực và kết quả kinh doanh của các DN cải thiện thì điểm số, đặc biệt là thanh khoản thị trường, lại giảm mạnh.
Thông thường, quý I là thời điểm sôi động nhất của TTCK. Nếu như năm 2014, chúng ta đã chứng kiến có những phiên giao dịch thanh khoản thị trường đạt trên 5.000 tỷ đồng, thì quý I năm nay, chỉ dao động quanh mức 2.000 tỷ đồng/phiên. Có lẽ, các cơ quan chức năng nên có đánh giá tổng kết thông tư này sau một thời gian thực hiện và có một số điều chỉnh hợp lý, đặc biệt về lộ trình thực hiện.
Việc nới tỷ lệ cho vay margin có thể kích thích dòng tiền nóng vào thị trường, nhưng để cải thiện thanh khoản một cách bền vững, cần có thêm những giải pháp khác, thưa ông?
Ngoài những vấn đề mang tính kỹ thuật để kích thích giao dịch của NĐT (tăng thanh khoản trên thị trường thứ cấp), tôi cho rằng, chúng ta cần phát triển các NĐT chuyên nghiệp. Chủ thể tham gia trên TTCK Việt Nam chiếm tỷ trọng chủ yếu là các NĐT cá nhân (khoảng 90%), trong khi số lượng NĐT tổ chức còn rất hạn chế.
Trong vài năm qua, các quỹ đầu tư trong nước, chủ yếu là các quỹ đóng bị hết hạn hoạt động và đã tiến hành giải thế hoặc một số ít chuyển sang mô hình quỹ mở.
Tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) của các công ty quản lý quỹ trong nước chỉ khoảng vài ngàn tỷ đồng. Mặc dù Việt Nam đã cho phép triển khai mô hình quỹ mở và quỹ ETF nội, song việc thu hút các NĐT cá nhân bỏ vốn vào các quỹ là rất khó khăn, một phần do thói quen tự giao dịch, cần có thời gian để thay đổi.
Với tỷ trọng quá lớn các NĐT cá nhân làm cho thị trường biến động mạnh, trồi sụt bất thường, đặc biệt khi có các thông tin gây nhiễu (do tâm lý đám đông), làm giảm tính bền vững của thị trường.
Để phát triển các NĐT tổ chức trong nước, chúng tôi đề xuất các cơ quan chức năng xem xét các giải pháp khuyến khích như miễn thuế bán đối với các sản phẩm chứng chỉ quỹ, cũng như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty quản lý quỹ.
Đồng thời, về mặt vĩ mô, Chính phủ cần có ngân sách để thực hiện các chương trình giáo dục, truyền thông, khuyến khích sự cần thiết của việc chuyên nghiệp hóa nghiệp vụ đầu tư thông qua việc mua các chứng chỉ quỹ. Việc này cần thực hiện bài bản và kiên trì mới có thể kỳ vọng hiệu quả trong dài hạn.