Nhìn từ bối cảnh thế giới, theo ông, có những yếu tố nào hỗ trợ cho việc hạ lãi suất của Việt Nam hiện nay?
Trên bình diện thị trường thế giới, tôi cho rằng, mấu chốt nhất là sức mạnh của USD có thể tiếp tục bị suy giảm.
Thứ nhất, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25%/năm trong phiên họp vào đầu tháng 5, lên mức 5,0 - 5,25%/năm và rất có thể đây sẽ là lần tăng lãi suất cuối cùng của Ngân hàng Trung ương Mỹ trước khi duy trì đi ngang và có thể tiến tới cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Có nhiều yếu tố củng cố cho nhận định này như lạm phát tại Mỹ nhìn chung vẫn đang trên đà giảm nhiệt, thị trường lao động mặc dù vẫn còn vững vàng, song nhiều tín hiệu cho thấy khả năng đảo chiều trong thời gian tới.
Bên cạnh đó là nguy cơ tiềm ẩn về khả năng phá sản lan rộng của hệ thống ngân hàng (gần đây đã thêm các trường hợp khó khăn như Ngân hàng PacWest, Western Alliance). Đồng thời, lãi suất cơ bản của Fed đã bắt kịp đề xuất của mô hình Taylor (phản ứng của ngân hàng trung ương trước cục diện kinh tế thay đổi là tỷ lệ lạm phát và độ lệch sản lượng).
Thứ hai, cuộc chiến tranh Nga - Ukraina kéo dài và chưa biết đến khi nào kết thúc khiến kinh tế Mỹ và châu Âu đối mặt với khả năng suy thoái. Đây cũng là yếu tố đưa đến xu hướng USD-Index giảm giá xuống dưới 100 điểm, thậm chí là 96 điểm. VND neo vào USD nên cũng mất giá theo, nhưng Việt Nam sẽ hưởng lợi về xuất khẩu.
Lạm phát của Việt Nam chủ yếu do các tác động từ bên ngoài, đặc biệt là nhập khẩu nên bối cảnh này sẽ khiến áp lực lạm phát không còn lớn, theo đó, hỗ trợ đà giảm lãi suất trong nước.
Còn yếu tố trong nước thì sao, thưa ông?
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4 tăng 11,5% so với cùng kỳ, bằng với mức tăng trưởng của tháng trước. Tuy nhiên, tôi cho rằng, tăng trưởng của ngành dịch vụ có thể giảm tốc trong vài tháng tới do những thách thức đang xuất hiện, bao gồm ngành sản xuất thu hẹp, thị trường bất động sản ảm đạm và lãi suất cho vay tiêu dùng neo cao.
Lạm phát của Việt Nam chủ yếu do các tác động từ bên ngoài, đặc biệt là nhập khẩu nên bối cảnh này sẽ khiến áp lực lạm phát không còn lớn, theo đó, hỗ trợ đà giảm lãi suất trong nước.
Chúng ta cũng chứng kiến xuất khẩu Việt Nam trong tháng 4/2023 có mức giảm mạnh nhất trong 3 tháng qua, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng quan trọng hơn, xuất khẩu có thể sẽ còn gặp khó khăn cho đến ít nhất là hết quý II, bởi triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, kéo theo đó là lượng đơn đặt hàng mới trong ngành sản xuất của Việt Nam sụt giảm.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam giảm xuống 46,7 điểm trong tháng 4 từ mức 47,7 điểm của tháng trước. Dữ liệu này cho thấy PMI đã giảm lần thứ 5 trong 6 tháng qua và PMI tháng 4 phản ánh mức giảm mạnh nhất của hoạt động sản xuất kể từ đầu năm 2023. Tình trạng sụt giảm đơn hàng có thể kéo dài thêm vài tháng nữa. Trong khi đó, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cần thời gian để phục hồi hoàn toàn khi thị trường phục hồi ngay cả khi đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại.
Song song với đó, giá trị nhập khẩu tiếp tục giảm trong tháng 4/2023, phản ánh nhu cầu đối với nhập khẩu nguyên vật liệu, tư liệu sản xuất và sản phẩm trung gian suy giảm trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới của ngành sản xuất giảm. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chi tiêu nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 4/2023 đã giảm 20,2% so với cùng kỳ xuống còn khoảng 25,2 tỷ USD (giảm 10,7% so với tháng trước). Đây là mức giảm mạnh hơn so với mức giảm 16,9% so với cùng kỳ trong tháng trước.
Đáng chú ý, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài suy yếu. Tổng cục Thống kê cho biết, vốn Nhà nước thực hiện (đầu tư công) trong tháng 4/2023 tăng 16,4% so với cùng kỳ lên 39.300 tỷ đồng (so với tăng18,6% so với cùng kỳ trong tháng 3/2023). 4 tháng năm 2023, vốn Nhà nước thực hiện tăng 17,9% so với cùng kỳ, lên 131.200 tỷ đồng, cao hơn tốc độ tăng 10,8% so với cùng kỳ 2022.
Tuy nhiên, vốn đầu tư công thực hiện 4 tháng năm 2023 mới đạt khoảng 19% kế hoạch cả năm 2023. Điều này có nghĩa, nếu không khẩn trương, sẽ còn rất xa mới hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023.
Trong 4 tháng năm 2023, vốn FDI thực hiện giảm 1,2% so với cùng kỳ xuống 5,9 tỷ USD, đồng thời vốn FDI đăng ký cũng giảm 17,9% so với cùng kỳ xuống 8,9 tỷ USD. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 9/5/2023, tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 12,24 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,69% so với cuối năm 2022, tăng 9,56% so với cùng kỳ năm 2022.
Với những dữ liệu như trên, tôi nhấn mạnh rằng, đây là cơ hội để giảm lãi suất và mức giảm từ nay đến cuối năm 2023, nên mạnh dạn ít nhất là 2%, bù lại phần lãi suất tăng của năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp phàn nàn đang trong vòng xoáy khó khăn vì lãi vay ngân hàng quá cao. Với dự kiến hạ lãi suất ít nhất từ nay đến cuối năm như ông nhận định là 2%, chắc hẳn các doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn?
Cho dù có hạ lãi suất nữa, doanh nghiệp chưa thể ra khỏi vòng xoáy khó khăn bởi điều doanh nghiệp bí bách hiện nay là không vay mới được, do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề trọng yếu là nợ xấu. Hay nói theo một cách khác, phần lớn những khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp không phải do ngân hàng, mà là do các tập đoàn bất động sản gây ra.
Lấy một ví dụ, các tập đoàn bất động sản nợ nhà thầu xây dựng lên tới 120.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc các nhà thầu xây dựng lại nợ nhiều doanh nghiệp liên quan. Nhà thầu xây dựng cũng như các doanh nghiệp liên quan cơ bản đều vay vốn ở ngân hàng và vô hình trung đã tạo nên một khối lượng nợ xấu tại ngân hàng. Theo tính toán của tôi, lĩnh vực xây dựng chiếm tới 10% GDP của Việt Nam và chúng ta đang rơi vào tình trạng nợ dâng lên đồng đều. Đây mới là lý do chính khiến các doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn vay mới tại ngân hàng và để giải quyết vấn đề này lại không thể một sớm một chiều.
Do đó, việc ngân hàng cho giãn, hoãn không chuyển nhóm nợ là một trong những biện pháp rất quan trọng, nhưng cần rất chọn lọc. Nghĩa là, phải chọn ra những ngành nghề nào ngân hàng có thể hỗ trợ hay chọn ra những khu vực có cơ hội để phát triển. Đặc biệt, phải chọn ra những doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt, những khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời, việc khoanh nợ không cho chuyển nhóm để cho vay mới sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đầu tư công được đẩy mạnh hơn, ngành xây dựng, sản xuất, bán lẻ sẽ được phục hồi, giúp thị trường ấm nóng trở lại, giảm áp lực lên câu chuyện lãi suất. Ông có nhận định gì?
Chúng ta cần thẳng thắn, việc dựa vào thị trường bên ngoài bây giờ là rất khó trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại thực sự đã có những nội lực nhất định, chứ không như trước kia. Tôi cho rằng, cần đẩy mạnh đầu tư công thúc đẩy tiêu dùng nội địa tăng trở lại. Đặc biệt, đã có những yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công của năm nay để hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023.
Thứ nhất, tăng trưởng GDP khá trong giai đoạn 2016-2022 và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, nợ công của Việt Nam đã giảm nhanh chóng từ 51% cuối năm 2016 xuống 40% vào cuối năm 2022 (ước tính của IMF), thấp hơn nhiều so với trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP. Nợ công thấp tạo dư địa cho việc mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thứ hai, lạm phát đã hạ nhiệt trong vài tháng vừa qua. Khi áp lực lạm phát giảm bớt, Chính phủ có thể cân nhắc nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thứ ba, Thủ tướng đã chỉ đạo ngành Giao thông - Vận tải hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công 3 tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuật và 2 đường vành đai gồm vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM. Các dự án này cần khởi công trước 30/6/2023. Nếu đẩy nhanh thi công các dự án cơ sở hạ tầng ở tất cả các địa phương sẽ tạo ra nguồn lực và cơ hội mới để phát triển đô thị hóa, khu công nghiệp và dịch vụ mới, cũng đồng thời là cơ hội phục hồi thị trường bất động sản.