“Nên làm bạn với mặn vì nó sẽ là cơ hội làm giàu“

“Nên làm bạn với mặn vì nó sẽ là cơ hội làm giàu“

Biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, kéo giảm GDP quý I/2016 của nước ta.
Thông điệp này được nêu tại tọa đàm “Kinh tế Việt Nam quý I/2016 và tác động của biến đổi khí hậu” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức.

Biến đổi khí hậu kéo giảm tăng trưởng GDP

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân kéo giảm GDP của nước ta trong quý I/2016 có phần do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu mang lại. Biểu hiện là biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hệ lụy đối với tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực, như: Ngập mặn nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh lân cận Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh đang ở mức báo động, mức độ xâm nhập mặn tính đến tháng 2/2016 đã tăng cao so với cùng kỳ 2015, mặn xâm nhập sâu thêm từ 10 - 20km.

Ước tính, biến đổi khí hậu gây thiệt hại hơn 160.000ha lúa, khoảng 1.000 tỷ đồng; lúa bị giảm năng suất vụ xuân là 94.000ha, khoảng 300 tỷ đồng; lúa bị giảm năng suất vụ hè thu 400.000ha, khoảng 500 tỷ đồng; 155.000 hộ dân (800.000 người) thiếu nước sinh hoạt, khoảng 200 tỷ đồng. Thiệt hại về nuôi trồng thủy sản khoảng 300 tỷ đồng. Ước tính, tổng thiệt hại khoảng 2.300 tỷ đồng. Chưa kể, khoảng 400.000ha vụ lúa hè - thu sẽ không được xuống lúa (gieo mạ) đúng thời hạn.

Dự tính, khi nước biển dâng, có 10 tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ.

Theo PGS.TS Đinh Đức Trường, Phó Trưởng khoa Môi trường và Đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tính từ năm 1993 đến nay, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến GDP là 1,8-1,9%. Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn, đến năm 2050, con số thiệt hại sẽ lên tới khoảng 8% GDP.

"Tư duy mặn là kẻ thù không còn phù hợp"

Để ứng phó và giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu, PGS.TS Đinh Đức Trường đề nghị, Nhà nước cần có sự thay đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu. Cơ cấu này cần được giải quyết từ cấp độ vi mô, ở cấp cơ sở, địa phương.

"GS.TS Ngô Thắng Lợi khuyến nghị: ngành nông nghiệp là ngành có chức năng tạo tăng trưởng “kép” nên trong dài hạn vẫn phải tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.   "

Hơn nữa, cùng với việc xây dựng những kịch bản của biến đổi khí hậu và cách ứng phó, các cơ quan phụ trách phải phân tích được lợi ích, hiệu quả của từng kịch bản để tìm ra kịch bản tối ưu nhất. Sau khi thực hiện thành công, Nhà nước cần có sự chuyển giao hoàn toàn công nghệ cho người dân để tạo sự chủ động ứng phó rộng rãi.

Còn GS.TS Ngô Thắng Lợi khuyến nghị: Đối với ngành nông nghiệp, do đây là ngành có chức năng tạo tăng trưởng “kép” (tăng trưởng cho chính ngành nông nghiệp, tạo điều kiện tăng trưởng công nghiệp chế biến và thương mại hàng hóa nông sản) nên trong dài hạn vẫn phải tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Còn trong ngắn hạn, theo ông Lợi, trước mắt đối mặt với những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp bởi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng hơn, những giải pháp tái cấu trúc ngành nông nghiệp cần gắn liền với giải quyết các khó khăn đối với ngành này do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

Cụ thể, cần nhấn mạnh chuyển đổi cây trồng ít sử dụng nước là biện pháp tối ưu trong công tác chống hạn. Tuy nhiên, để giải quyết sản phẩm đầu ra khi nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng chịu hạn thì cần sự vào cuộc của địa phương và doanh nghiệp.

Theo đó, ông Lợi lưu ý giải pháp cụ thể là: Rà soát lại quy hoạch sản xuất, phân định rõ vùng sản xuất, trong đó vùng có nước áp dụng giảm chi phí sản xuất; vùng hạn nặng chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Đồng thời kiện toàn hệ thống thủy lợi, điều tiết nước nhằm sử dụng tưới nước tiết kiệm để chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất… Phát triển chăn nuôi gia súc chịu hạn, trồng cỏ, thu gom rơm rạ, tận dụng phế phẩm để chế biến thức ăn chăn nuôi.

Đối với tình trạng đất nhiễm mặn, ông Lợi khuyến nghị, cần quán triệt quan điểm: Nên làm bạn với mặn vì nó sẽ là cơ hội làm giàu, tư duy mặn là kẻ thù không còn phù hợp. Có nghĩa là, tại vùng ven biển nhiễm mặn, cần có giải pháp mạnh cho việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây con có giá trị, chuyển từ chuyên trồng lúa sang mô hình canh tác bền vững như quy trình lúa – tôm, tức là trồng vụ lúa khi mùa mưa bắt đầu, đến khi mưa hết thì lúa cũng thu hoạch xong. Tiếp đó, nông dân cho nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, cá….

Tin bài liên quan