Hiện ACB áp dụng lãi suất thấp nhất cho khách hàng doanh nghiệp từ 4 - 6%/năm

Hiện ACB áp dụng lãi suất thấp nhất cho khách hàng doanh nghiệp từ 4 - 6%/năm

Nền lãi suất vay vẫn duy trì mức thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ngân hàng bắt đầu tăng trở lại, với khoảng 0,3 - 0,5%/năm và dự báo sẽ tăng lên khoảng 1%/năm từ cuối năm nay, song lãi vay chưa thể tăng theo.

Lãi suất huy động rục rịch tăng

Không dưới chục ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi trở lại, kể cả những ngân hàng tư nhân Top đầu như ACB, Techcombank, VIB, VPBank... Lãi suất tăng thêm dao động trong khoảng 0,2 - 0,5%/năm, song làn sóng tăng lãi suất tiền gửi đang được ngân hàng đẩy mạnh. Nguyên nhân kéo lãi suất đi lên là lượng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng chậm lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến ngày 25/3/2024, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận mức tăng gần 1,2%.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố lượng tiền gửi của cá nhân, doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng tháng 1/2024 sụt giảm mạnh. Lãi suất thấp (hiện chỉ từ 1,6 - 5%/năm) là nguyên nhân khiến lượng tiền vào ngân hàng sụt giảm. Theo đó, trong tháng 1/2024, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng giảm 165.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương ứng mức giảm 2,41%, còn 6.676.000 tỷ đồng. Đồng thời, lượng tiền gửi vào ngân hàng của các cá nhân sụt giảm 34.000 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 0,53%, còn 6.498.000 tỷ đồng. Như vậy, lượng tiền gửi của người dân, doanh nghiệp trong tháng 1 giảm gần 200.000 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, lượng tiền gửi cá nhân vào ngân hàng tăng cao, còn tổ chức kinh tế giảm mạnh.

Các chuyên gia Công ty Chứng khoán MBS dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ nhích thêm 0,5 - 0,7%/năm, quay về mức 5,1 - 5,3%/năm trong nửa sau năm 2024. Sau thời gian dài liên tục “dò đáy”, lãi suất huy động tiền gửi tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả các ngân hàng lớn đã đảo chiều nhích tăng. Lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã tăng trở lại, thậm chí có nơi tăng lãi suất tới gần 1%/năm so với trước đó.

BIDV vừa tăng lãi suất ở mức 0,2%/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Đây là lần đầu tiên trong suốt hơn 1 năm qua, ngân hàng này điều chỉnh lãi suất đi lên. Lãi suất huy động trực tuyến tại BIDV kỳ hạn từ 1 - 3 tháng lên mức từ 2 - 2,3%/năm, kỳ hạn 6 - 11 tháng lên 3,3%/năm. Các kỳ hạn còn lại giữ nguyên mức cũ, lãi suất cao nhất tại BIDV là 4,8%/năm. Trước đó, VietinBank cũng tăng nhẹ 0,2%/năm lãi suất đối với khách hàng gửi tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng và tăng 0,4%/năm đối với khoản tiền gửi có giá trị trên 1 tỷ đồng, áp dụng cho kỳ hạn dưới 11 tháng…

Lãnh đạo một số ngân hàng cũng dự báo rằng, lãi suất huy động từ nay đến cuối năm có thể nhích tăng nhưng không nhiều, thậm chí chỉ đi ngang so với quý đầu năm.

Quả thực, mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện giảm khá sâu, khó có thể giảm thêm và được dự báo dần tăng trở lại và tăng mạnh vào cuối quý II/2024 khi tín dụng cải thiện rõ nét. Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế.

Nhìn vào các dữ liệu cũng cho thấy, tín dụng vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý đầu năm và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm, sau đó tăng dần trong các quý còn lại của năm, nên ngân hàng chuẩn bị tốt thanh khoản để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng lên từ quý II. UOB cho rằng, lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng từ 0,5 - 1%/năm trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.

Lãi suất cho vay vẫn được duy trì

Mặt bằng lãi suất cho vay thấp sẽ duy trì ít nhất từ nay đến cuối năm 2024 nhằm kích cầu tín dụng.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB

MBS dự báo, cầu tín dụng sẽ tăng mạnh từ giữa năm 2024 khi thông thường, các hoạt động sản xuất và đầu tư tăng tốc trong những tháng cuối năm. Thực tế cho thấy, tín dụng đã tăng trưởng từ tháng 3, sau khi đi lùi trong 2 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, MBS cũng cho rằng, lãi suất đầu ra vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các ngân hàng thương mại liên tục triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Hiện nay, lãi suất cho vay của một số gói tín dụng ưu đãi chỉ từ 2,5 - 3%/năm với khoản vay ngắn và 5 - 6%/năm cho vay trung - dài hạn, thấp hơn so với chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng thương mại. Chẳng hạn, Agribank đang áp dụng lãi vay 3%/năm với kỳ hạn 3 tháng cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay thông thường áp dụng cho khoản vay ngắn hạn của Agribank hiện nay là 5%/năm và cho vay trung, dài hạn là 6%/năm; lãi suất cho vay thẻ tín dụng cao nhất là 13%/năm... Hay BVBank hiện áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh, mua nhà, mua xe chỉ từ 5%/năm; Sacombank áp lãi suất từ 3%/năm cho nhu cầu vay của cá nhân và tổ chức đầu tư vào sản xuất - kinh doanh ngắn hạn...

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, về lý thuyết, việc tăng lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng lên, làm tăng chi phí vốn cho các doanh nghiệp, tăng áp lực tài chính cho người vay. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, diễn biến thực tế hiện nay có thể không như vậy, khi sức cầu tín dụng còn yếu, chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước là yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng, nhất là doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Song cũng không thể duy trì lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng mà vừa ổn định tỷ giá. Lãi suất thấp thì tỷ giá phải tăng và ngược lại. Do đó, ông Huân cho rằng, trong tình hình hiện tại, lãi suất sẽ tăng từ từ và là xu hướng chung trong năm nay để kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá.

Trong khi đó, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay thấp sẽ duy trì ít nhất từ nay đến cuối năm 2024 nhằm kích cầu tăng trưởng tín dụng. ACB đưa ra mức lãi suất thấp cho khách hàng doanh nghiệp từ 4 - 6%/năm. Đối với khách hàng cá nhân, ACB cho vay lãi suất dao động trong khoảng 6 - 8%/năm.

Chia sẻ về định hướng điều hành lãi suất, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, điều hành lãi suất đòi hỏi phải hợp lý, bởi có liên quan tới chính sách tỷ giá. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là hạ lãi suất nhưng phải phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát. Ngân hàng Nhà nước khẳng định chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, dù tăng hay giảm, mà duy trì lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm thêm lãi suất cho vay.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, khả năng trong nửa sau của năm 2024, hoạt động cho vay trở nên sôi động hơn khi các thành phần kinh tế vay vốn nhiều hơn phục vụ sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Khi đó, lãi suất cho vay có thể tăng trở lại, cùng nhịp tăng với lãi suất huy động. Còn tại thời điểm này, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục neo thấp lãi suất huy động và cho vay.

Tin bài liên quan