Trên nền tảng đó, các mục tiêu phát triển cho năm mới, GDP tăng 6,8%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 33 - 34% GDP, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 7%... có thể nhìn nhận là rất khả thi.
Trong khi đó, với TTCK Việt Nam, năm 2019 là năm có nhiều diễn biến trái ngược và bất thường.
Lần đầu tiên thanh khoản trên thị trường cổ phiếu sụt giảm mạnh (29%), trong khi dòng tiền bị hút vào kênh trái phiếu doanh nghiệp với con số rất lớn (240.000 tỷ đồng).
Dòng vốn ngoại xác lập xu hướng mới, “săn mua” một số doanh nghiệp lớn hoặc chảy vào cổ phiếu theo các quỹ thụ động (ETFs), thay vì đầu tư dàn trải vào các cổ phiếu niêm yết trên sàn.
Khép lại một năm, các thị trường lớn thế giới đều tăng trưởng tốt, nhưng TTCK Việt Nam vẫn không qua nổi mốc 1.000 điểm, cổ phiếu một số nhóm ngành suy giảm mạnh, rơi về mặt bằng giá thấp, bất chấp nhiều động thái cứu giá như mua cổ phiếu quỹ, cổ đông lớn đăng ký mua vào...
Trên thị trường bất động sản, sự trầm lắng cũng là gam màu chủ đạo của năm 2019, do nhiều dự án, nhiều kế hoạch kinh doanh chưa triển khai được, dòng tiền đầu tư cũng vì thế không có nhiều cơ hội và bị chững lại.
Ngược lại, với thị trường tiền tệ, năm 2019 chứng khiến nhiều dấu ấn thành công, khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được duy trì ở mức 12,1%, thấp nhất kể từ năm 2014, lãi suất giảm dần và đặc biệt, dù dư nợ toàn hệ thống thấp, nhưng tăng trưởng của nền kinh tế vẫn cao, cho thấy tăng trưởng tín dụng đã bền vững, đi vào thực chất hơn.
Dù còn chút sáng tối đan xen, nhưng đầu tàu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế là cộng đồng doanh nghiệp đã cho thấy nhiều tín hiệu để đất nước tự tin hơn khi bước sang một năm mới đầy ý nghĩa.
Chia sẻ tại Hội nghị “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - hội nhập, hiệu quả, bền vững”, cuối tháng 12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét, mức độ linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam đã có bước tiến lớn.
Chỉ số mức độ năng động trong kinh doanh là 1 trong 3 trụ cột có sự tiến bộ lớn nhất, năm 2019 tăng 12 bậc về thứ hạng so với năm 2018; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2018 và tăng 17 bậc so với năm 2016, lên vị trí 42 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia.
Theo Bộ trưởng, một số doanh nghiệp lớn đã mạnh dạn khởi động, bắt tay vào đầu tư khoa học công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo như Vingroup, Viettel, CMC... và điểm đáng tự hào là đã có thương hiệu Việt được lọt vào bảng vàng công nghệ thông tin thế giới như FPT.
Cùng với đó là hàng loạt tên tuổi doanh nghiệp Việt Nam đã vươn xa và khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế.
Lực lượng lượng doanh nghiệp thành danh sẽ đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào các mạng lưới sản xuất trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm 2020 sẽ tiếp thêm hy vọng về sự thế chỗ cho tài nguyên thiên nhiên bằng nguồn lực sáng tạo trong động lực tăng trưởng, về sự lớn mạnh và trưởng thành hơn của cộng đồng doanh nghiệp Việt để mặt trời thêm tỏa sáng trên nền kinh tế Việt Nam.