Nền kinh tế toàn cầu chậm lại tiếp tục gây áp lực suy giảm đối với giá hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại dưới sức nặng của chính sách thắt chặt tiền tệ, nhiều hàng hóa sẽ giảm giá trong quý này.
Nền kinh tế toàn cầu chậm lại tiếp tục gây áp lực suy giảm đối với giá hàng hóa

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm 2022, giá khí đốt tự nhiên đã dẫn đầu mức tăng của các hàng hóa được giao dịch tích cực trên thị trường tương lai do nguồn cung của Mỹ thắt chặt và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Tuy nhiên, các mặt hàng công nghiệp như quặng sắt và thép đã không thu hút được nhiều sự quan tâm khi đối mặt với sự phá hủy nhu cầu.

Tính đến ngày 4/10, chỉ số hàng hóa S&P GSCI đã tăng hơn 14% trong năm nay trong khi chỉ số phụ S&P GSCI về lĩnh vực năng lượng tăng gần 27%. Nhưng chỉ số phụ của S&P GSCI về lĩnh vực kim loại công nghiệp lại giảm 16%.

Matthew Sherwood, chuyên gia phân tích hàng đầu tại châu Âu và hàng đầu tại Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết: “Các động lực chính về giá cho hầu hết các động thái trong năm nay trên toàn thế giới hàng hóa, đều bắt nguồn từ căng thẳng ở Ukraine. Đã có sự gián đoạn nguồn cung trực tiếp đối với dầu và ngũ cốc, trong khi khí đốt tự nhiên có liên quan trực tiếp đến việc Nga cắt nguồn cung cấp cho châu Âu”.

Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đạt mức kỷ lục và có "tác động phụ" đối với giá khí đốt tự nhiên của Mỹ khi nhu cầu của châu Âu đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ tăng cao.

Vào ngày 4/10, hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên của Mỹ ở mức 6,837 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh, tăng 83% trong năm nay ngay cả sau khi mất gần 26% trong tháng 9. Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên TTF của Hà Lan ở mức 161,95 euro (160,3 USD) mỗi megawatt giờ, tăng 149% so với cuối năm ngoái.

EIU dự kiến ​​giá khí đốt sẽ duy trì bằng hoặc gần với mức hiện tại, khi châu Âu bước vào mùa Đông. Tình trạng khan hiếm hàng vẫn có thể xảy ra và châu Âu sẽ khó “đáp ứng được nhu cầu”.

Đối với dầu mỏ, thị trường đang thắt chặt nhưng thị trường tài chính “ngày càng lo lắng về những cuộc suy thoái đang rình rập ở châu Âu, Mỹ và sự suy thoái toàn cầu nói chung hơn”, chuyên gia phân tích Matthew Sherwood cho biết.

Vào ngày 4/10, giá dầu thô Brent đạt 91,80 USD/thùng, tăng 18% trong năm nay, trong khi dầu thô WTI ở mức 86,52 USD, tăng 15% trong năm nay.

Brian Frank, Giám đốc tài sản và Giám đốc điều hành tại Frank Capital cho biết, dầu và khí đốt có khả năng “vẫn biến động theo chiều hướng tăng giá” trong quý IV khi mối lo ngại về nguồn cung xuất hiện trở lại và mùa Đông lạnh giá làm cạn kiệt nguồn cung của châu Âu.

Trong khi đó, các mặt hàng công nghiệp bao gồm cả kim loại cơ bản, đã chứng kiến ​​giá giảm trong năm nay.

Chuyên gia phân tích Matthew Sherwood cho biết, sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu hậu Covid đã hỗ trợ giá kim loại cơ bản trong nửa đầu năm nay. Kim loại cơ bản hiện đang giảm giá, với thị trường châu Âu và Bắc Mỹ bước vào “ít nhất là suy thoái kỹ thuật và tồi tệ hơn đối với trường hợp các trung tâm công nghiệp của châu Âu”.

Giá thép và quặng sắt đã giảm trong năm nay. Giá quặng sắt IODEX của S&P Global Platts ở mức thấp nhất trong 10 tháng là 95 USD/tấn vào ngày 2/9.

Ronald Cecil, nhà phân tích chính về kim loại và khai thác tại S&P Global Commodity Insights cho biết: “Sự bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc tiếp tục làm mất niềm tin vào nền kinh tế của nước này”.

“Các mặt hàng công nghiệp đang có dấu hiệu rõ ràng về sự phá hủy nhu cầu. Giá cả và nhu cầu có thể tiếp tục suy yếu trong quý này do lãi suất cao làm cắt giảm và giới hạn nhu cầu chi tiêu tăng trưởng, nhưng điều đó có thể mang lại cơ hội, vì nhiều mặt hàng này cũng bị hạn chế nguồn cung khi kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng”, Brian Frank, Giám đốc tài sản và Giám đốc điều hành tại Frank Capital cho biết.

Chuyên gia phân tích Matthew Sherwood kỳ vọng hầu hết các mặt hàng sẽ giảm giá trong quý này.

“Với việc châu Âu đang rơi vào suy thoái và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại đáng kể dưới sức nặng của thắt chặt tiền tệ, áp lực chủ yếu sẽ dẫn tới xu hướng giảm giá”, ông cho biết.

Tin bài liên quan