Nền kinh tế đang thực sự phục hồi mạnh mẽ và sẵn sàng để về đích kế hoạch năm 2022. Ảnh: Dũng Minh
Tăng tốc
Một sự hồ hởi nhìn thấy rõ, khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp thường kỳ tháng 9/2022, diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng 10. “Nền kinh tế đã phục hồi rất tích cực”, Thủ tướng nói và luôn bày tỏ sự vui mừng sau khi nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.
TP.HCM và Hà Nội - hai đầu tàu kinh tế của cả nước và cũng là hai địa phương chịu tác động khá nặng nề của Covid-19, là những địa phương đầu tiên báo cáo Chính phủ. “Tôi rất vui mừng khi Hà Nội, TP.HCM tăng trưởng tốt, phục hồi nhanh, các mặt công tác đều tốt”, Thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, quý III/2022, tăng trưởng GRDP của TP.HCM lên tới 30,02%; còn 9 tháng là 9,97%; thu ngân sách 9 tháng được 350.000 tỷ đồng, đạt 90,5% dự toán, thu hút đầu tư nước ngoài thuộc top đầu cả nước.
“Từ kết quả này, chúng tôi nhận ra rằng, ngoài các chính sách, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ đã truyền cảm hứng cho toàn hệ thống, thì sự nỗ lực vượt khó của người dân chính là yếu tố quyết định. Vì thế, tới đây, chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân”, ông Phan Văn Mãi nói.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng vui mừng thông báo, tăng trưởng GRDP của Thành phố trong quý III đạt 15,71%, còn 9 tháng là 9,69%; thu ngân sách đạt trên 244.000 tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài được trên 1 tỷ USD…
“Như vậy là cả hai đầu tàu kinh tế đều gần đạt mức tăng trưởng hai con số, rất tích cực”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Nhưng không chỉ là Hà Nội hay TP.HCM, hàng loạt địa phương khác cũng có tốc độ tăng trưởng GRDP ấn tượng trong 9 tháng đầu năm. Chẳng hạn, Bắc Ninh 9,7%; Hải Dương 10,14%; Quảng Ninh 10,12%; Hải Phòng 12,06%, Cần Thơ 17,57%, Đà Nẵng 16,76%... Khánh Hòa thậm chí tăng trưởng 20,48%, còn Bắc Giang tăng trưởng 23,98%...
Đây là những mức tăng trưởng ấn tượng. Sự phục hồi trong các hoạt động kinh tế - xã hội của các địa phương chính là nguyên nhân cơ bản đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt kết quả tích cực trong quý III và 9 tháng đầu năm. Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đó là tăng trưởng quý III đạt 13,67%, còn 9 tháng là 8,83%.
“Nền kinh tế đã phục hồi tích cực, đồng đều ở cả 3 khu vực”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, điều quan trọng là, tăng trưởng kinh tế cao đi cùng với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.
Hàng loạt con số có thể viện dẫn để chứng minh điều này. Chẳng hạn, Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng chỉ 2,73%; thu ngân sách nhà nước ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%, xuất siêu 6,52 tỷ USD; giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp trong quý III ước tăng 12,12% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn cả năm 2019 là năm trước dịch (tăng 9,38%); tính chung 9 tháng ước tăng 9,63% so với cùng kỳ…
Cùng với đó, thương mại, dịch vụ đang phục hồi nhanh, nhất là sức cầu trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng ước tăng 21%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8%. Du lịch cũng tiếp tục phục hồi tích cực, khách quốc tế 9 tháng đạt gần 1,9 triệu lượt, gấp 16,4 lần cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đạt trên 163.000 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường…
Nền kinh tế đang thực sự phục hồi mạnh mẽ và sẵn sàng để về đích kế hoạch năm 2022. “Việt Nam xếp thứ hai thế giới về phục hồi sau dịch, theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Và về đích
Không nằm ngoài dự đoán, ngay sau khi số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng được công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã điều chỉnh kịch bản kinh tế và các dự báo về khả năng đạt các mục tiêu kế hoạch của năm 2022. Theo đó, con số được đưa ra là tăng trưởng GDP năm nay có khả năng sẽ đạt được 8%. Trong báo cáo Chính phủ, hay trước đó 1 ngày là báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, con số này đều được nhấn mạnh.
“Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm, dự báo tình hình quý IV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8%, cao hơn khoảng 1,5-2 điểm phần trăm so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo đó, có hai kịch bản tăng trưởng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra. Với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8%, thì quý IV cần đạt mức tăng trưởng 5,9%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm, nhưng cao hơn tốc độ tăng của quý IV/2021 (5,22%).
Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8,2%, thì quý IV cần đạt mức tăng trưởng 6,6%, nằm trong khoảng kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,2-6,7%), tương đương mức tăng trưởng bình quân quý IV các năm 2016-2020.
Như vậy, nếu không có những diễn biến bất thường, kinh tế Việt Nam sẽ về đích năm 2022, với 14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt là tăng năng suất lao động. Tình hình là khả quan.
Tuy vậy, một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những thách thức, rủi ro của nền kinh tế trong quý IV, cũng như cả năm 2023, từ áp lực lạm phát từ bên ngoài, đến nguy cơ thị trường xuất khẩu, khách du lịch quốc tế bị thu hẹp. Chưa kể, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
“Nền kinh tế dù đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng 9 tháng đầu năm bình quân 3 năm 2020-2022 chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019 (6,88%)”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đồng tình quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cả Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan… đều đề cập những thách thức, rủi ro của nền kinh tế, khi nguy cơ một số đối tác kinh tế lớn của Việt Nam lâm vào suy giảm kinh tế hiện hữu, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao.
“Hoạt động sản xuất - kinh doanh thực sự vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao, thiếu hụt lao động cục bộ…”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói và cho rằng, thời gian tới, bối cảnh quốc tế có rất nhiều khó khăn, bất lợi, ảnh hưởng mạnh tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, thị trường của doanh nghiệp…
Lường trước khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp để ứng phó với các biến động bất thường chính là điều cần thiết trong lúc này.
“Hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM còn thấp, doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đáng lo hơn là năng lực hấp thụ vốn còn hạn chế. Vốn đầu tư công chỉ là một vấn đề, vốn đầu tư toàn xã hội của TP.HCM hiện chỉ đạt trên 20% GRDP, trong khi mục tiêu của Thành phố là trên 30%. Do vậy, tới đây, Thành phố sẽ tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cũng như triển khai đề án để thu hút vốn đầu tư toàn xã hội”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Có lẽ, đây cũng là một trong những giải pháp được nhiều địa phương trong cả nước đồng thuận khi báo cáo Chính phủ.
Để nền kinh tế “về đích”, đạt tốc độ tăng trưởng cao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là khi sau 9 tháng, con số mới đạt được 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo Bộ trưởng, tiến độ giải ngân tháng 9 có chuyển biến tích cực, đạt trên 40.920 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với mức giải ngân bình quân một tháng trong 8 tháng đầu năm (26.528 tỷ đồng) và điều này cho thấy hoạt động của 6 Tổ công tác của Chính phủ bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng vẫn chưa đạt kỳ vọng.
“Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề, lượng vốn cần giải ngân cao hơn khoảng 80.000 tỷ đồng so với năm 2021 (chưa tính khoản 38.000 tỷ đồng bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 từ nguồn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Chính vì vậy, đòi hỏi hiện nay là các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 124/NQ-CP, coi giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2022; chuẩn bị sớm tất cả các điều kiện để khởi công, thực hiện ngay được các dự án ngay từ đầu năm 2023, không để chậm trễ.
“Cũng cần triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ Chương trình”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.