Rủi ro vẫn chực chờ
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực, với tăng trưởng GDP quý III là 7,4%, còn 9 tháng là 6,82%, song góc nhìn về nền kinh tế không phải hoàn toàn màu hồng. Các cảnh báo về những rủi ro chực chờ của nền kinh tế trong quý cuối năm, thậm chí kéo dài sang quý đầu năm 2025 vẫn đang tiếp tục được đưa ra.
Khi thẩm tra báo cáo kinh tế của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh những khó khăn, thách thức đến từ môi trường kinh tế thế giới, cũng như những hạn chế nội tại mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Yêu cầu của Ủy ban Kinh tế là cần đánh giá “sâu sắc và kỹ hơn” một số vấn đề, để có thể nhìn nhận đầy đủ, khách quan, toàn diện hơn về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024.
Nổi bật trong số đó là tổng cầu phục hồi yếu, với cầu tiêu dùng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm, tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện.
Trên thực tế, những điều đó cũng đã được chỉ ra. Hôm Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương và họp phiên thường kỳ tháng 9/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu tới 5 vấn đề mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.
“Các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cần quyết liệt hơn nữa để cải thiện, tháo gỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, về phía cầu, thì tốc độ phục hồi đầu tư còn chậm, nguồn lực đầu tư của khu vực nhà nước chưa được thúc đẩy, kích hoạt một cách hiệu quả, 9 tháng chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 15,9%).
Câu chuyện đầu tư của cả khu vực nhà nước và tư nhân còn thấp trong thời gian gần đây đã được các chuyên gia nhắc tới rất nhiều. Ở một nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư nhiều như Việt Nam, chuyện đầu tư thấp sẽ ảnh hưởng không chỉ tới tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn cả trong việc tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển giai đoạn sau.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng bày tỏ sự lo lắng về đầu tư tư nhân sau 9 tháng chỉ tăng 7,1%, thấp hơn giai đoạn trước dịch (giai đoạn này tăng 17,3%). “Nguyên nhân vấn đề này là gì? Do thể thế hay do gì, cần phải tháo gỡ”, ông Nguyễn Khắc Định nói.
Ở một nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư nhiều như Việt Nam, chuyện đầu tư thấp sẽ ảnh hưởng không chỉ tới tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn cả trong việc tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển giai đoạn sau.
Những khó khăn khác được ông Định nhắc đến còn là giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch, địa phương giải ngân chậm hơn Trung ương, cũng như những khó khăn của khu vực doanh nghiệp. “Trong 9 tháng, doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng 9,7% so với cùng kỳ, nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại tăng 21,5%, cao nhất trong 7 năm”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây cũng là một trong những nội dung cần chú ý. Hơn nữa, đó còn là chuyện xuất khẩu tới đây sẽ khó khăn hơn, sức mua trong nước còn tăng thấp và ngay cả khu vực dịch vụ, thì mục tiêu thu hút 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay còn nhiều khó khăn. Số liệu thống kê cho thấy, 9 tháng, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới đạt 12,7 triệu lượt, còn cách tới 5,3 triệu lượt khách mới đạt mục tiêu đề ra.
Tương tự, sản xuất công nghiệp cũng chưa phải hoàn toàn “xuôi chèo, mát mái”, dù đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng và trở lại là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong 9 tháng qua. Số liệu thống kê cho thấy, vẫn còn 3 địa phương có Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) giảm. Việc Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam giảm từ 52,4 xuống 47,3 điểm trong tháng 9 cho thấy, sức khỏe ngành sản xuất yếu đi ở mức đáng kể nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Đó là điều đáng chú ý.
Tăng tốc để về đích
Khá nhiều yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý cuối cùng của năm, thậm chí là kéo dài sang cả quý đầu năm 2025. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều yếu tố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa trong quý IV/2024, để cả năm có thể vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2024, với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt 7,6-8% để đưa tăng trưởng cả năm đạt 7% và cao hơn, đã chỉ ra 6 yếu tố quan trọng. Trong đó, có xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế, sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc, do sớm khắc phục hậu quả bão số 3; đầu tư của khu vực nhà nước được thúc đẩy mạnh mẽ hơn; các điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu giữ vững tốc độ tăng tích cực…
“9 tháng, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 17,3 tỷ USD. Gần 500.000 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế, một con số rất có ý nghĩa”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.
Sự đóng góp tích cực của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao trong quý III và 9 tháng qua.
Một ví dụ có thể cho thấy những đóng góp của khu vực này cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Đó là tỉnh Bắc Giang đạt mức tăng trưởng GRDP tới 13,89% trong 9 tháng qua, cao nhất cả nước, và cũng cao hơn mức tăng trưởng 12,25% của cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Gấu, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang hồ hởi cho biết, trong 9 tháng, khu vực công nghiệp và xây dựng của Bắc Giang tăng khoảng 18%. Đây chính là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (đóng góp 12,92 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP). Và đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng của khu vực này chính là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với sản phẩm chính là linh kiện điện tử.
Do vậy, giải pháp đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập cũng là đẩy nhanh thu hút đầu tư các dự án lớn, trong các lĩnh vực công nghiệp tiên phong, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án đầu tư nhanh chóng được triển khai, góp phần tăng năng lực cho nền kinh tế.
Liên quan các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng đã chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cũng như tăng cường kích cầu tiêu dùng. Lý do là, thị trường trong nước sẽ là động lực ngày càng quan trọng, cần quan tâm hơn, thúc đẩy và khai thác hiệu quả hơn nữa để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tăng cường khả năng chống chịu với các thách thức từ bên ngoài.
Ngay sau Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng đã ban hành hai công điện về thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh cuối năm 2024 và những tháng tiếp theo. Thực thi nghiêm túc và hiệu quả những giải pháp này, nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng tốc để về đích.