Ảnh: AP

Ảnh: AP

Nền kinh tế Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ trong quý II

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với dự kiến trong quý II, phục hồi sau sự suy thoái vào đầu năm nhờ mức tiêu dùng tăng mạnh, ủng hộ cho khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã dự báo rằng sự phục hồi kinh tế vững chắc sẽ giúp lạm phát tiến tới mục tiêu 2% một cách bền vững và hỗ trợ cho việc tăng thêm lãi suất trong nỗ lực tiếp tục thoát khỏi nhiều năm kích thích tiền tệ lớn.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 0,8% so với quý trước trong quý II, theo sau mức giảm 0,6% trong quý I. Trên cơ sở năm, tăng trưởng GDP ghi nhận 3,1% trong quý II, nhanh hơn so với dự báo là 2,1%.

"Kết quả nhìn chung chỉ đơn giản là tích cực, với các dấu hiệu cho thấy tiêu dùng tư nhân tăng lên nhờ tăng trưởng tiền lương thực tế… Điều này ủng hộ quan điểm của BOJ và báo hiệu tốt cho các đợt tăng lãi suất tiếp theo, mặc dù ngân hàng trung ương sẽ vẫn thận trọng vì đợt tăng lãi suất gần đây nhất đã khiến đồng yên tăng mạnh", Kazutaka Maeda, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda cho biết.

"Về cơ bản, chúng tôi kỳ vọng tiêu dùng sẽ tiếp tục phục hồi", Kengo Tanahashi, nhà kinh tế tại Nomura Securities cho biết.

Lượng khách du lịch đổ về cũng giúp thúc đẩy doanh số bán lẻ tại Nhật Bản. Fast Retailing - chủ sở hữu thương hiệu quần áo Uniqlo - đã nhấn mạnh sức mạnh của thị trường trong nước trong báo cáo kết quả kinh doanh gần đây nhất, khi được thúc đẩy bởi sự gia tăng doanh số bán hàng miễn thuế.

Theo chính phủ, chi tiêu của khách du lịch dự kiến ​​sẽ đạt 8.000 tỷ yên (54,74 tỷ USD) trong năm nay, và du lịch sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng trong nền kinh tế vốn đã bị cản trở bởi tình trạng dân số già hóa từ lâu.

BOJ đã tăng lãi suất vào tháng trước và đưa ra kế hoạch chi tiết để giảm dần việc mua trái phiếu khổng lồ của mình trong một động thái nữa hướng tới việc loại bỏ dần các biện pháp kích thích tiền tệ khổng lồ.

Nhật Bản là một ngoại lệ trên toàn cầu trong việc tăng lãi suất vì hầu hết các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc đang chuyển sang xu hướng đó.

Marcel Thieliant, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Capital Economics cho biết, mức tăng tiêu dùng đầu tiên trong hơn một năm "sẽ khuyến khích BOJ tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay".

Tin bài liên quan