Nền kinh tế Myanmar ra sao dưới thời bà Suu Kyi?

Nền kinh tế Myanmar ra sao dưới thời bà Suu Kyi?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những biến động chính trị tại Myanmar khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo dân cử thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh nền kinh tế tại quốc gia Đông Nam Á này khá ảm đạm những năm qua.

Bà Aung San Suu Kyi (75 tuổi), người lãnh đạo Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) lên nắm quyền Tổng thống Myanmar sau cuộc bầu cử năm 2015 và vừa tiếp tục thắng cử trong cuộc bầu cử ngày 8/11/2020.

Nền kinh tế Myanmar đang trong tình thế kém tích cực, nhất là khi đại dịch Covid-19 gây thêm ảnh hưởng xấu. Số lượng các ca nhiễm bệnh mới tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 9 tới tháng 11/2020, đạt đỉnh 2.158 ca/ngày vào giữa tháng 10 và hiện vẫn duy trì quanh ngưỡng 1.000 ca mới/ngày.

Số lượng ca nhiễm Covid-19 mới tại Myanmar

Số lượng ca nhiễm Covid-19 mới tại Myanmar

Chính quyền Myanmar gần đây đã nới lỏng các lệnh giãn cách xã hội để mở cửa lại nền kinh tế. Đáng chú ý, các lĩnh vực bao gồm dệt may và du lịch – vốn là các ngành đóng góp chính cho nền kinh tế Myanmar chịu tổn thất nặng nề nhất.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, tăng trưởng GDP năm 2020 của Myanmar chỉ vào khoảng 0,5%.

Trong phát ngôn gần đây trên sóng truyền hình, bà Suu Kyi cho biết: “Người dân Myanmar đã phải vật lộn với nhiều khó khăn trong quãng thời gian vừa qua. Chính phủ sẽ xem xét việc có thể giúp đỡ người dân như thế nào và cần làm gì để gia tăng sự hỗ trợ”.

Trong khi đó, ông Thaung Tun, Bộ trưởng Văn phòng chính phủ cho biết, chính phủ Myanmar sẽ sớm thông báo các chính sách hỗ trợ kinh tế, gọi đó là Kế hoạch Cải tổ và khôi phục kinh tế Myanmar, với trọng tâm thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thêm việc làm.

Kể từ khi điều hành quốc gia từ năm 2015, chính phủ của bà Suu Kyi tập trung vào việc đàm phán ôn hoà với các nhóm sắc tộc, cùng các cộng đồng kinh tế địa phương với luận điểm: chính phủ sẽ không đặt các cải cách kinh tế lên trên những ưu tiên của cộng đồng.

Trong 2 năm qua, chính phủ của Đảng NLD thực hiện một số biện pháp cải tổ nền kinh tế, như tự ho hoá thị trường bảo hiểm và cấp giấy phép cho các nhà băng nước ngoài. Dù vậy, giới chuyên gia không đánh giá cao hiệu quả của quá trình cải tổ và nền kinh tế Myanmar chưa có sự khởi sắc.

Phản ứng trước quan điểm cho rằng, hoạt động đầu tư nước ngoài tại Myanmar duy trì tình trạng ảm đạm, ông Thaung Tun cho biết: “Lần đầu tiên trong thời gian dài, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 1 năm vượt qua mức 5 tỷ USD”.

Các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài được chấp thuận qua các năm

Các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài được chấp thuận qua các năm

Cụ thể, Uỷ ban Đầu tư Myanmar đã chấp thuận 5,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2020, tăng 33% so với năm trước đó. Trong số này, dự án đáng chú ý nhất là tập đoàn Aeon Nhật Bản xây dựng trung tâm thương mại tại Myanmar và kế hoạch xây dựng một nhà máy khí đốt của VPower Group.

Dù vậy, những con số kể trên không lấy làm ấn tượng. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đều lên tiếng chỉ trích chính quyền Myanmar về khả năng điều hành nền kinh tế, khi liên tục đưa ra các chính sách và quyết định kinh tế rối rắm.

Ví dụ điển hình nhất gần đây là quyết định của Bộ trưởng Bộ thương mại Myanmar khi trao quyền nhập khẩu ô tô đặc biệt cho một số quan chức. Quyết định này sau đó đã bị tạm dừng trước làn sóng phản đối.

Antoine Jeanson, người đứng đầu Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Myanmar cho biết, ước tính có khoảng 11.000 loại giấy phép được ban hành với riêng ngành ô tô, trong khi mỗi năm chỉ có khoảng 30.000 xe ô tô mới được bán tại Myanmar.

“Tình trạng cực kỳ thiếu minh bạch gây nhiều bất lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, trong khi lẽ ra đây là đối tượng cần được hỗ trợ”, Antoine Jeanson cho biết.

Ngành năng lượng cũng là lĩnh vực gây nhiều tranh cãi, với nhiều lùm xùm xung quanh việc đấu giá, ưu ái một số doanh nghiệp nhất định, bất chấp sự phản đối của chính quyền nhiều quốc gia và các hiệp hội doanh nghiệp.

Tăng trưởng GDP Myanmar qua các năm

Tăng trưởng GDP Myanmar qua các năm

Cải tổ mới nhất mà chính quyền Myanmar thực hiện là việc công bố kế hoạch thiết lập khu kinh tế đặc biệt (SEZ) với cảng nước sâu tại bang Mon, nằm trên chặng hành trình kết nối Yangon và Bangkok. Tuy nhiên, việc thiết lập các đặc khu kinh tế của Myanmar được đánh giá là diễn ra chậm, gây nhiều tranh cãi khi gắn liền với chiến lược “Một vành đai, một con đường” và “Con đường tơ lụa” trên biển của Trung Quốc.

Nhìn chung, trong thời gian 5 năm Đảng NLD nắm quyền, nền kinh tế Myanmar không có sự khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng GDP ở mức khả quan, nhưng đang chậm lại. Đồng nội tệ kyat giảm giá so với USD bởi thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai, trong khi lạm phát vẫn là vấn đề.

Tin bài liên quan