Ảnh minh họa. (Nguồn: World Finance).

Ảnh minh họa. (Nguồn: World Finance).

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh trong quý 3

Dù đã có phần giảm tốc so với quý trước do hoạt động thương mại giảm sút, nền kinh tế số một thế giới vẫn tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong quý 3/2018.

Báo cáo công bố ngày 26/10 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý vừa qua tăng mạnh ở mức 3,5% sau mức tăng ấn tượng 4,2% của quý trước đó. Đây là hai quý liên tiếp, GDP của Mỹ tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ giữa năm 2014. 

Trong quý 3/2018, chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm 70% hoạt động kinh tế Mỹ, đã tăng 4%, cao hơn so với mức 3,8% của quý trước và là mức cao nhất kể từ cuối năm 2014. 

Theo Bộ Thương mại Mỹ, xuất khẩu đậu tương của nước này đã giảm mạnh do hậu quả của việc Mỹ và Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại lẫn nhau. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong quý đã giảm 3,5%, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2016, trong khi nhập khẩu lại tăng 9,1%, mức tăng cao nhất kể từ cuối năm 2017, chủ yếu nhờ sức mua ôtô và hàng tiêu dùng tăng mạnh. 

Các doanh nghiệp cũng đầu tư ít hơn vào xây dựng nhà máy và văn phòng so với trước đây, giảm 7,9%, mức giảm lớn nhất trong gần 3 năm qua. Ngoài ra, các giao dịch địa ốc tại Mỹ cũng giảm khoảng 4% so với quý trước và là mức giảm mạnh nhất trong hơn một năm qua. 

Trong khi đó, một số nhà kinh tế lo ngại rằng thị trường chứng khoán tại Mỹ suy giảm gần đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo về khả năng kinh tế Mỹ giảm tốc trong những tháng tới. 

Theo các nhà kinh tế, kinh tế Mỹ năm 2018 dự báo sẽ đạt tăng trưởng 3%, mức tăng trưởng hằng năm cao nhất trong 13 năm qua. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể sẽ giảm xuống mức 2,4% trong năm nay và 2% năm 2020 do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Trước đó, ngày 25/10, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida đã phác họa tình hình tươi sáng của nền kinh tế Mỹ. Theo ông, nền kinh tế Mỹ đang trong năm tăng trưởng kinh tế thứ 10 liên tiếp, đánh dấu giai đoạn tăng trưởng liên tục dài thứ hai trong lịch sử. Thị trường lao động tiếp tục khởi sắc với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7%, mức thấp kỷ lục gần 50 năm. 

Ngoài ra, sau một thời gian dài tăng trưởng “ì ạch”, tiền lương đã đi lên đáng kể phù hợp với tăng trưởng sản xuất. Với một thị trường lao động khoẻ mạnh và tỷ lệ lạm phát gần chạm ngưỡng 2%, nền kinh tế Mỹ đang tiến gần tới đáp ứng mục tiêu kép về lạm phát và việc làm mà Fed đã đề ra. 

Phó Chủ tịch Clarida cho rằng nếu tình hình tươi sáng này tiếp diễn, thì một sự điều chỉnh lãi suất liên bang từ tốn là hợp lý, song vẫn nhấn mạnh chính sách tiền tệ phải được điều chỉnh phù hợp với thực tế của nền kinh tế. Điều này nhằm đảm bảo việc tăng lãi suất không diễn ra quá nhanh làm kìm hãm tăng trưởng quá mức cần thiết, hoặc quá chậm khiến nền kinh tế phát triển quá nóng, kéo theo nguy cơ lạm phát, giá cả tăng cao.

Từ đầu năm đến nay, Fed đã 3 lần tăng lãi suất và báo hiệu sẽ tăng thêm một lần nữa trong năm nay cũng như dự báo 3 lần tăng lãi suất vào năm 2019.

Tin bài liên quan