Đánh giá trên vừa được chia sẻ tại sự kiện gặp gỡ Hoa Kỳ với chủ đề “Chung tay hợp tác tái mở cửa, phục hồi và phát triển khu vực kinh tế phía Nam” vừa được Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) tổ chức ở TP.HCM.
Việt Nam vừa trải qua làn sóng Covid-19 lần thứ 4 với những tác động nặng nề về mọi mặt trong đời sống xã hội, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố khu vực kinh tế phía Nam.
Đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp phía Nam, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ, nhanh chóng, kịp thời chuyển đổi chiến lược “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả Covid-19, tập trung phục hồi phát triển kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cũng xác định việc sớm từng bước mở cửa kinh tế là yêu cầu cấp bách.
Các khách mời tham dự sự kiện gặp gỡ Hoa Kỳ với chủ đề “Chung tay hợp tác tái mở cửa, phục hồi và phát triển khu vực kinh tế phía Nam” vừa được tổ chức (Ảnh: Hồng Phúc). |
Vừa qua, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để ứng phó với dịch bệnh như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi đầu tư,…
Trong 2 tháng qua, các vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đều đã có các cuộc tiếp, toạ đàm với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ, để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp.
Hiện, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đã mở cửa trở lại, với công suất hoạt động từ 60% đến 100%.
“Tôi mong rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương Việt Nam, ủng hộ và trực tiếp tham gia tiến trình phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới”, Thứ trưởng Tô Anh Dũng chia sẻ.
Về phía Hoa Kỳ, bà Marie Damour, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá, cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam vừa qua là rất đáng ghi nhận.
Bởi chỉ 3 tháng trước, số lượng ca nhiễm Covid-19 đã đạt mức đỉnh tại nhiều tỉnh thành khu vực kinh tế phía Nam, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, tỷ lệ được tiêm chủng thấp,...
Các đường phố vốn sôi động đã trở nên vắng lặng với những ngôi nhà với ổ khoá chặt, công nhân phải ngủ lại trong nhà máy (nếu họ còn việc làm).
Song, từ tháng 10 đến nay, cuộc sống tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu đang trở lại bình thường. Người dân dần học cách sống an toàn với vi-rút.
“Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi thấy 3 lý do chính cho sự thay đổi đáng kinh ngạc này”, bà Marie Damour nói và nhấn mạnh đến lý do đầu tiên là Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một chiến dịch tiêm chủng đáng ghi nhận.
Chỉ trong 3 tháng ngắn ngủi, hơn 80 triệu liều vắc-xin đã được tiêm trên cả nước.
Lý do thứ hai là nằm ở sự lãnh đạo, đặc biệt cấp tỉnh khi không ngừng nỗ lực đảm bảo sức khoẻ người dân bên cạnh quá trình tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư.
Và lý do thứ ba và cốt yếu nhất chính là tinh thần của người Việt Nam. Gần 65 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi và 37 triệu người đã tiêm hai mũi.
Bà Marie Damour, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. (Ảnh tư liệu: Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM). |
“Trên khắp mọi miền đất nước, mọi người đã cùng nhau xắn tay áo làm phần việc của mình. Sau một quý III đầy khó khăn, nền kinh tế một lần nữa đang trên đà khởi sắc. Điều này rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, bởi vì hai nền kinh tế của chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Như chúng tôi vẫn thường nói, thành công của bạn chính là thành công của chúng tôi”, bà Marie Damour, đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định.
Vị này cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ mười của Hoa Kỳ trên toàn cầu và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa đối với nền kinh tế Mỹ; từ chất bán dẫn cung cấp năng lượng cho mọi thứ như điện thoại, ô tô đến các tấm pin mặt trời thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch và chiến đấu chống biến đổi khí hậu.
Và các liên kết chuỗi cung ứng không phải là con đường một chiều.
Việt Nam nhập khẩu chip máy tính do Mỹ sản xuất, gỗ cứng, bông và thức ăn chăn nuôi để sản xuất chất bán dẫn, đồ nội thất, quần áo và thủy sản. Điều này hỗ trợ nền kinh tế nội địa của Việt Nam và xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trên toàn thế giới.
Đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ trao đổi bên lề sự kiện gặp gỡ Hoa Kỳ vừa được tổ chức. (Ảnh: Hồng Phúc). |
Khi làm việc cùng nhau để xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu bị tàn phá bởi đại dịch, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam muốn nhấn mạnh một số nỗ lực của Tổng thống Biden - người đã đặt khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trở thành ưu tiên hàng đầu.
Các hành động thường được nhắc đến gần đây như mở rộng giờ hoạt động của cảng để giải quyết các nút thắt ở Bờ Tây Hoa Kỳ, khởi chạy hệ thống cảnh báo sớm để quản lý việc gián đoạn sản xuất chất bán dẫn và thỏa thuận về cơ sở hạ tầng cho lưỡng đảng trị giá 1.000 tỷ USD sẽ củng cố chuỗi cung ứng bằng cách cải thiện các cảng, sân bay, đường sắt và đường bộ của Hoa Kỳ.
Bà Marie Damour muốn nhấn mạnh rằng, các khoản đầu tư của Hoa Kỳ không chỉ giới hạn ở nội địa.
Tại Hội nghị Cấp cao Hoa Kỳ - ASEAN vào tháng trước, Tổng thống Biden đã công bố nguồn tài trợ mới để liên kết cơ chế một cửa ASEAN, một chương trình tạo thuận lợi cho hải quan, với Hệ thống một cửa của Hoa Kỳ.
Sáng kiến này sẽ cải thiện và đơn giản hóa các thủ tục hải quan, giảm sự chậm trễ và thúc đẩy chuỗi cung ứng hiệu quả hơn.
“Tại Việt Nam, không có đối tác nào tốt hơn trong việc thúc đẩy khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng hơn cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ. Các công ty Mỹ đã đầu tư hàng tỷ đô la vào đây, đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng, an toàn và bền vững; chuỗi cung ứng không bị cưỡng bức lao động, hỗ trợ phẩm giá của người lao động và phù hợp với các mục tiêu khí hậu của chúng ta”, bà Marie Damour nhận định.