Khó khăn là động lực để thay đổi?
“Tại sao lúc khó khăn lại bàn về tái cơ cấu kinh tế, thay đổi? Có phải khó khăn là động lực để làm việc này không?”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Group thẳng thắn đặt ngược vấn đề.
Là nhà đầu tư đa ngành, ông Tín có thể cảm nhận trực tiếp những tác động bất lợi từ dịch bệch tới các khoản đầu tư của mình. Nếu tuần trước, khi thị trường Trung Quốc gặp khó, ông vẫn nhìn thấy nhu cầu nông sản tăng cao ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông, thì tuần này, Hàn Quốc đã trở thành điểm nóng mới của dịch Covid - 19. Trong lúc này, có lẽ, thị trường nội địa vẫn tốt là tin tốt nhất cho ông Tín cũng như nhiều doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thời gian tới, Trung Quốc không còn là thị trường nông sản lớn nhất với các doanh nghiệp Việt Nam, dù bài học về phân tán rủi ro là nhãn tiền.
“Không có cách nào để chắc chắn là có thể dự phòng hoặc tính toán hết được mọi rủi ro. Đã kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp nào cũng muốn chủ động mọi mặt, nhưng không phải muốn là được. Ngay cả những tên tuổi lớn trên thế giới cũng không hoàn toàn làm được. Quan điểm của tôi là đã chấp nhận kinh doanh, thì cũng phải chấp nhận có rủi ro”, ông Tín thẳng thắn.
Và bài toán mà ông Tín muốn đặt ra để bàn lúc này vẫn là đòi hỏi phải cạnh tranh được bằng năng lực, bằng công nghệ..., để chủ động ứng phó với Covid - 19 hay bất cứ dòng virus độc hại nào khác có thể sẽ xảy ra ở bất cứ thị trường nào.
Con đường đi của Unifarm, một thành viên của U&I Group có thể phản ánh khá rõ nét góc nhìn của ông Tín về đòi hỏi này.
Năm 2017, Unifarm bất ngờ trở thành một hiện tượng khi chính thức trở thành đối tác độc quyền của Tập đoàn Dole - một trong những nhà sản xuất và tiêu thụ trái cây, rau quả tươi lớn nhất thế giới. Song đây lại là một đích trong kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của ông Tín hơn 10 năm trước.
Khi Unifarm được thành lập vào năm 2009, các khoản đầu tư để nghiên cứu, lựa chọn các dòng sản phẩm cũng như công nghệ ứng dụng, cách thức đầu tư được coi là những khoản học phí rất lớn mà ông Tín và cộng sự sẵn sàng bỏ ra. Chỉ riêng nhà kính, chi phí hệ thống điều khiển hoạt động tưới tiêu, bón phân tự động, điều khiển khí hậu trong nhà kính... phục vụ trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ của Israel đạt Tiêu chuẩn Global Gap đã ngốn 7 tỷ đồng/ha (thời giá năm 2010)...
Nhưng đổi lại, Unifarm đã đủ năng lực để bắt tay được với các thương hiệu hàng đầu thế giới, từ đó có được cả công nghệ, thị trường và thương hiệu...
Áp lực tái cơ cấu đúng nghĩa
Đứng ở góc độ rộng hơn là nền kinh tế, ông Mai Hữu Tín tin rằng, tái cơ cấu theo nghĩa tạo môi trường cạnh tranh, thủ tục cạnh tranh, mức thuế cạnh tranh... nên là nỗ lực liên tục, thường xuyên của Chính phủ, chứ không chỉ đặt ra trong lúc khó khăn.
“Tôi tin vào các quy luật của kinh tế thị trường. Mọi biện pháp hành chính can thiệp vào thị trường ngược quy luật, ngay khi có vẻ có lợi trước mắt, không nên là cách ứng xử khi có khó khăn”, ông Tín khuyến nghị.
Không cùng ngồi thảo luận, nhưng TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dường như đồng quan điểm khi ông muốn nhắc lại nguyên lý cơ bản của kinh tế. Đó là nền tảng cần phải vững vàng để ứng phó với mọi rủi ro, bất định.
“Nền kinh tế Việt Nam mấy năm qua giữ được mức tăng trưởng, ổn định khá tốt, nhưng phải thừa nhận là nền tảng cho tăng trưởng và phát triển giai đoạn tới vẫn yếu. Đây là lúc chúng ta nhìn thẳng vào tình thế, để thấy cần tái cơ cấu theo đúng nghĩa của từ này, theo yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế”, ông Thiên bày tỏ quan điểm.
Những báo cáo mới đây liên quan đến các vấn đề cơ cấu và thể chế, đặc biệt là 3 nội dung tái cơ cấu và 3 đột phá chiến lược, đều có chung nhận định là chưa được giải quyết căn bản, tiếp tục tồn đọng. Mặc dù khu vực doanh nghiệp tư nhân đã có những thay đổi, nhưng theo ông Thiên, vẫn chỉ có một số doanh nghiệp lớn đủ sức định hình cuộc chơi mới, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công chưa giải được bài toàn phân bổ nguồn lực hiệu quả...
Đây là lý do khiến giới chuyên gia kinh tế chưa thực sự muốn nói nhiều về cơ hội của doanh nghiệp, của nền kinh tế mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Thậm chí, nguy cơ biến cơ hội thành thách thức là rất lớn một khi các dòng vốn đầu tư và các dòng thương mại quốc tế “ập vào” Việt Nam trong điều kiện dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ Trung Quốc đang diễn ra và có khả năng còn tăng tốc bởi dịch Covid - 19.
“Tôi luôn lo lắng cách chỉnh sửa, cơi nới hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách của ta hiện nay. Thử hình dung, một hệ thống đang phức tạp, chồng chéo và xung đột, lại thường xuyên được “chỉnh sửa”, “cơi nới” sẽ rất dễ tạo ra các “bẫy sập” trên con đường vận động theo hướng thị trường của các nguồn lực. Dòng tiền càng lớn, càng vận động nhanh, càng có nguy cơ rơi vào “bẫy sập”. Rủi ro này tập trung cao độ ở các đô thị lớn - các trung tâm tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Thiên phân tích.
Phải nói thêm, hệ quả của cách tái cấu trúc theo kiểu cơi nới này khiến doanh nghiệp không sẵn sàng chọn cách chơi mới theo nghĩa tìm kiếm năng lực thực sự để tham gia cuộc chơi dài hạn.