Nền kinh tế đứng trước cơ hội ngàn vàng

Nền kinh tế đứng trước cơ hội ngàn vàng

Khi những điểm yếu cố hữu được nhìn nhận một cách thẳng thắn, những hành động để thay đổi cũng đã được yêu cầu quyết liệt với quyết tâm chính trị cao cũng là lúc cơ hội để chuyển dịch sang một trang mới của sự phát triển kinh tế bắt đầu mạnh mẽ. Nếu không chủ động nắm bắt cơ hội, hy vọng về sự năng động trở lại của nền kinh tế Việt Nam sẽ lại lùi xa…

Tái cơ cấu các ngành sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh.

Nền kinh tế đứng trước cơ hội ngàn vàng ảnh 1

Ông Cao Viết Sinh,Chuyên gia kinh tế cao cấp

Trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi và kinh tế Việt Nam năm 2013 ít nhiều khởi sắc, đặc biệt là trong quý IV, thì năm 2014, kinh tế Việt Nam có “bước đà” tốt để phục hồi nhẹ. Những tín hiệu liên quan đến sự hồi phục của thị trường chứng khoán, với sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư, cũng là dấu hiệu cho thấy sự sáng sủa hơn của kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề là, Việt Nam có tận dụng được đà phục hồi này hay không?

Theo tôi, công nghiệp và xuất khẩu là hai lĩnh vực sẽ có những chuyển biến tốt trong năm nay. Sức mua của nền kinh tế bước đầu được phục hồi từ năm 2013 cũng sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2014. Vốn đầu tư phát triển năm nay cũng sẽ khá hơn năm trước, vì Chính phủ đã quyết định phát hành thêm vốn trái phiếu chính phủ, trong khi tín dụng từ hệ thống ngân hàng cũng được dự báo sẽ tốt hơn. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng cường xử lý nợ xấu cũng sẽ tác động tích cực tới vốn đầu tư cho nền kinh tế. Đây chính là những yếu tố góp phần để kinh tế Việt Nam hồi phục trong năm 2014.

Tuy nhiên, nếu Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ không được thực hiện quyết liệt, triệt để, việc xử lý nợ xấu không được đẩy mạnh, thì tăng trưởng kinh tế có thể không được như ý, lạm phát cũng sẽ tăng cao hơn và gây sức ép đến nền kinh tế.

Năm 2014, cần thận trọng trong điều hành giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, bởi nếu điều phối không tốt, sẽ gây áp lực đến mục tiêu kiểm soát 7% của cả năm. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thể chế kinh tế thị trường, để tạo đà cho hai năm 2014 - 2015, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để nền kinh tế Việt Nam có được sức bật mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, tránh nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Câu trả lời là, bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, phải thực hiện các giải pháp dài hạn, phải quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các ngành sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh cho từng ngành và cho toàn nền kinh tế.

Chúng ta đang nhắc rất nhiều đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Nhưng chỉ ổn định vĩ mô thôi chưa đủ, mà phải ổn định cả sản xuất và tăng trưởng. Đó chính là những kế sách lâu dài để Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh và bền vững trong tương lai.

Để giai đoạn 5 năm sau, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7-7,5%, phải tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân đầu tư cho sản xuất - kinh doanh, huy động mọi nguồn lực trong xã hội vào đầu tư phát triển.

Như tôi vừa nói, những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhờ vào khu vực FDI, nhưng về lâu dài, phải nhờ ở khu vực tư nhân trong nước. Một khi hệ thống doanh nghiệp phát triển, chúng ta sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng tiềm năng sau năm 2016.

Tôi đang nghĩ về tiếng ca rộn ràng.

Nền kinh tế đứng trước cơ hội ngàn vàng ảnh 2

Ông Võ Trí Thành,Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Năm nay, nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn loay hoay trong câu chuyện phục hồi, gồng mình trước vô vàn rủi ro tiềm ẩn, thậm chí có thể phát sinh lớn hơn như nợ công châu Âu, ở Mỹ vẫn chưa xong, trong khi rủi ro mới tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ… gia tăng.

Việt Nam vẫn đang dang dở trong quá trình ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng, với những tồn tại mang tính cơ cấu, nền tảng của nền kinh tế.

Nhưng chính trong lúc này, tôi lại muốn nói nhiều về cơ hội, thậm chí là cơ hội lớn khi mà so với năm 2007 - thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng với vô vàn cơ hội và thách thức. Nếu chúng ta bỏ qua cơ hội này, thì sẽ không bao giờ có lại được.

Cuối năm 2007, tôi đã viết một bài về kinh tế Việt Nam với câu hỏi trên tít: “Tiềm năng bật dậy hay sự bùng phát nhất thời?”. Tôi nhớ tôi đã trả lời câu hỏi này ngay trong bài viết đó là sự bùng phát nhất thời. Nhiều người đã không đồng tình với nhận định này của tôi.

Cũng phải, khi đó cả nền kinh tế Việt Nam đang say men tăng trưởng, hứng khởi với việc gia nhập WTO. Nhưng tôi lại nhìn thấy thách thức khi sự chuẩn bị về thể chế của Việt Nam còn cách xa với yêu cầu của hội nhập. Điều này thể hiện rất rõ khi nhìn vào việc quản trị dòng vốn ồ ạt chảy vào năm 2007, nhìn vào tư tưởng về sự phát triển và tăng trưởng...

Còn năm 2014, cơ hội đến từ thực tế chúng ta đã nhận ra cái yếu kém và quan trọng hơn là nhận ra ta phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, thiết thực, phải tăng trưởng dựa trên hiệu quả hơn là về mặt nguồn lực, hài hòa hơn về xã hội, thiên nhiên.

Thứ hai, cơ hội, hay là cơ may khi những điều chúng ta muốn thay đổi về tổng thể phù hợp với cách nhìn, cách nghĩ của thời đại, của thế giới, của các hiệp định thương mại tự do với EU, TPP… đang được bàn thảo để đi đến ký kết trong năm 2014.

Trong cuộc chơi với những tiêu chuẩn, đối tác lớn nhất, đẳng cấp nhất, thì những thay đổi của Việt Nam sẽ phải tuân thủ theo những chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, đây là thời điểm Việt Nam trong giai đoạn dân số vàng, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu, có nhiều người đào tạo cơ bản hơn, bài bản hơn.

Tuy nhiên, giai đoạn dân số vàng chỉ kéo dài 7-10 năm. Thách thức trong năm này cũng rất lớn khi nguồn lực hạn chế, đòi hỏi của xã hội về những kết quả của quá trình tái cơ cấu rất cao, buộc cách thức tương tác giữa Nhà nước với người dân, giữa nhà hoạch định chính sách với thị trường cần phải đàng hoàng hơn, minh bạch hơn và có khả năng giải trình cao hơn.

Chúng ta còn muốn gì hơn nữa nếu như không nhanh tay chớp lấy cơ hội ngàn năm này. Hơn thế, nguồn lực đầu tư tư nhân mà nền kinh tế đang ẩn trong các hình thức khác, chỉ cần có niềm tin để bùng phát… Tôi đang nghĩ về không chỉ tia sáng cuối đường hầm trong cuối năm 2014 - đầu năm 2015, mà cả những tiếng ca rộn ràng…

Tôi muốn nói đến tư duy chịu trả giá để làm thật trong năm nay.

Nền kinh tế đứng trước cơ hội ngàn vàng ảnh 3

Ông Trần Đình Thiên,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tôi tự tin khi nói về những điểm yếu của nền kinh tế, vì tôi tin, khi đã nhận ra điểm yếu là sẽ có thuốc để chữa được. Việc nhận thức rõ điểm yếu và biết cách xử lý chính là cơ sở để nói về sự lạc quan trong năm 2014.

Như vậy, điểm sáng của nền kinh tế năm 2014 mà tôi cảm nhận được chính là điểm sáng về chất lượng, chứ không phải là điểm sáng về số lượng.

Đầu tiên phải nói là câu chuyện về giá cả thị trường đã được đặt ra một cách quyết liệt trong năm nay. Cần phải xác định rõ, hệ thống giá có ý nghĩa quyết định trong phân bổ nguồn lực - mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế. Trong vài năm vừa rồi, chúng ta nói nhiều về tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhưng không nói đến mấu chốt về giá cả.

Năm nay, sẽ có chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu nền kinh tế khi hệ thống giá cả được chuyển sang vận hành theo giá thị trường một cách đầy đủ. Doanh nghiệp nhà nước không còn cơ hội tìm được thặng dư từ những khoảng chênh lệch, từ đó, đầu tư ngoài ngành sẽ dần được chấm dứt.

Trên nền tảng này, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, quản trị doanh nghiệp nhà nước ở tầm vi mô cũng như quản trị phân phối nguồn lực ở tầm vĩ mô mới có giải pháp dứt điểm. Tôi tin rằng, quá trình tái cơ cấu ì ạch mấy năm nay sẽ có bước tiến mạnh, mọi việc sẽ thay đổi nhanh.

Tất nhiên, không thể kỳ vọng mọi thay đổi có thể thực hiện trong ngày một ngày hai, nhất là khi cấu trúc thị trường méo mó, đòi hỏi chi phí để chỉnh sửa và những rào cản từ các lợi ích cũ thay đổi do bài toán thị trường.

Điều quan trọng là chúng ta đã xác định làm ngay và nếu chậm trễ, giá phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều.

Chính vì vậy, năm 2014 vẫn phải nói đến tư duy chịu trả giá để làm thật, để củng cố được nền tảng của tăng trưởng. Khi đó, thị trường sẽ hỗ trợ tăng trưởng tốt hơn,  nguồn lực đầu tư tư nhân sẽ trở lại mạnh mẽ thay vì Nhà nước phải bỏ tiền ra lo tăng trưởng. Bài toán kinh tế không mới nhưng không dễ thực hiện.

Nhiều dấu hiệu khả quan dù thị trường tiền tệ còn nhiều thách thức.

Ông Bùi Kiến Thành,Chuyên gia kinh tế

Tôi cho rằng, năm 2014, kinh tế có nhiều dấu hiệu khả quan hơn. Tuy nhiên, lĩnh vực tiền tệ vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, nhất là nợ xấu, lãi suất và sở hữu chéo.

Thứ nhất, về nợ xấu, năm 2013, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua một khối lượng lớn nợ xấu và sẽ tiếp tục mua nợ xấu trong năm 2014. Tuy nhiên, nhiệm vụ nặng nề của VAMC trong năm 2014 là làm sao để xử lý số nợ xấu đã mua này. Nợ xấu mà VAMC mua phần lớn là bất động sản, có cái có thể bán ngay, có những cái phải đầu tư mất 5-7 năm. Làm sao để biến nợ xấu thành nợ tốt, biến nợ thành tiền thì VAMC chưa làm được và chưa có tiền để làm được.

Thứ hai, về lãi suất, nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế mở, doanh nghiệp nội phải cạnh tranh về vốn, giá từ hai phía. Một là, cạnh tranh với doanh nghiệp ngoài nước, vốn chỉ chịu lãi suất 1 - 2% như tại Nhật Bản, Hàn Quốc Hai là, cạnh tranh với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, cũng có vốn ưu đãi từ công ty mẹ với lãi suất chỉ 1 - 2%, trong khi doanh nghiệp nội được ưu ái lắm cũng là lãi suất 10%.

Chúng ta không đổ lỗi hoàn toàn cho lãi suất, nhưng lãi suất là một trong những yếu tố làm điêu đứng doanh nghiệp. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp muốn mặt bằng lãi suất 6% ổn định trong dài hạn, Ngân hàng Nhà nước với vai trò là Ngân hàng Trung ương, có thể sử dụng quyền năng của mình để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý.

Thứ ba, vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng hiện nay rất phức tạp. Sở hữu chéo khiến tính chất ảo trong hoạt động ngân hàng tăng lên, ngân hàng không thể kiểm soát được chính dòng tiền của mình đang vào sân trước hay sân sau. Đây là cội nguồn của nợ xấu. Vì vậy, NHNN với chức năng là Ngân hàng Trung ương cần làm rõ cá nhân, tổ chức nào mua  cổ phần tại nhiều ngân hàng vượt quá giới hạn đầu tư góp vốn 5%, 15%. Sở hữu chéo gây ra thiệt hại như thế nào thì quy rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, tổ chức để rồi có sự thỏa thuận, khắc phục hậu quả.