Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.
Thưa Thứ trưởng, chúng ta vừa kết thúc quý đầu tiên của năm 2022, với tình hình kinh tế - xã hội được đánh giá là khá tích cực, cá nhân ông nghĩ sao về mức tăng trưởng 5,03%?
Ba tháng qua, tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến rất phức tạp, điển hình là cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, là khủng hoảng năng lượng và “cơn lốc” lạm phát ở nhiều nền kinh tế trên toàn cầu… Những yếu tố này đã ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế - xã hội Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, vượt qua tất cả, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 5,03%. Cá nhân tôi cho rằng, đây là mức tăng trưởng tích cực, nó cao hơn tốc độ tăng trưởng của quý I các năm 2020 và 2021. Điều đó cho thấy, nền kinh tế đang hồi phục theo chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19” của Chính phủ.
Không chỉ là tăng trưởng GDP, kinh tế vĩ mô cũng ổn định, lạm phát đang được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại, đặc biệt khu vực dịch vụ đã tăng tới 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021.
Xuất nhập khẩu cũng hồi phục mạnh mẽ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu ngân sách… tích cực; hoạt động sản xuất - kinh doanh được mở rộng, tình hình doanh nghiệp rất tích cực, khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường trong tháng Ba cao gấp 3 lần doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Những tín hiệu này đã tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đề ra, tạo kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà phục hồi trong quý II và cả năm 2022.
Có nghĩa rằng, ông có niềm tin vào xu hướng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế trong năm nay?
Tốc độ tăng trưởng của quý I thực tế thường không đại diện được cho cả năm, bởi đây là thời điểm chúng ta có những kỳ nghỉ Tết kéo dài. Tuy nhiên, xu thế là khả quan. Dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát và đây là nền tảng để chúng ta triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng Ba, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật…, tạo điều kiện phục hồi nhanh trong quý II và cả năm 2022.
Tuy vậy, tôi cho rằng, chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khi dịch bệnh còn phức tạp cả ở trong và ngoài nước, căng thẳng địa - chính trị toàn cầu cũng chưa tìm được hướng giải quyết.
Số ca nhiễm Covid-19 còn cao có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách “bình thường mới” và tiến trình phục hồi nền kinh tế. Còn nếu căng thẳng Nga - Ukraine vẫn tiếp tục, thì sẽ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam.
Có thể, các tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư của nước ta không lớn, nhưng về tổng thể, nền kinh tế lại có thể chịu nhiều ảnh hưởng gián tiếp, tiềm ẩn rủi ro về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, qua đó ảnh hưởng đến đà phục hồi của doanh nghiệp, của nền kinh tế, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ.
Chưa kể, thực tế là hiện nay, sản xuất - kinh doanh cũng còn nhiều khó khăn; thương mại, dịch vụ tuy có dấu hiệu phục hồi, nhưng đà phục hồi còn yếu; ngay cả giải ngân vốn đầu tư công cũng còn đang chậm…
Ông vừa nhắc đến chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm. Đây thực sự là một vấn đề, bởi trong gói 350.000 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, có 1/3 được dành cho đầu tư hạ tầng. Nếu ngay cả giải ngân vốn đầu tư công theo chương trình hàng năm còn chậm, thì chúng ta liệu có thể kỳ vọng vào việc giải ngân phần vốn của Chương trình?
Có nhiều lý do khiến sau 3 tháng, chúng ta mới giải ngân được khoảng 11,88% kế hoạch được giao. Có chuyện một số dự án khởi công mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng.
Cũng có nguyên nhân từ việc giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng cao, nên một số dự án thi công cầm chừng để chờ giảm giá… Nhưng tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do trách nhiệm của các chủ đầu tư, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tuy nhiên, hiện nay, các bộ, cơ quan, địa phương đều đã đẩy nhanh tiến độ phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao. Đến nay, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 đạt 90% vốn kế hoạch được giao.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một loạt giải pháp, như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng…
Và đặc biệt, sẽ rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Các năm trước, việc rà soát phải cuối quý III mới tiến hành, nhưng năm nay, sẽ thực hiện ngay từ sau quý I.
Còn về ngân khoản của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đợt này, Quốc hội đã cho phép thực hiện một cơ chế mang tính linh hoạt kết hợp hài hoà giữa Chương trình với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, trước mắt - trong khi các dự án của Chương trình Phục hồi chưa chuẩn bị xong, thì ngân khoản 113.000 tỷ đồng đó sẽ được chi ngay cho các dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.
Sau này, với các dự án đã được tiêu trước năm 2022 - 2023, phần vốn dư sẽ được để đắp sang giải ngân cho các dự án của Chương trình. Với cơ chế như vậy, chúng ta sẽ khắc phục được chuyện “có tiền mà không tiêu được”.
Nhưng có vẻ như việc thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, bởi gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục ra Công điện để đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ cấp bách của Chương trình, thưa ông?
Đúng là có một số chính sách được xây dựng còn chậm, có thể tác động đến hiệu quả thực hiện của Chương trình. Chính vì vậy, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương tập trung hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ được giao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của bộ, cơ quan, địa phương trong năm 2022.
Với riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, chúng tôi cũng đang xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình trong năm 2022-2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi hiệu quả và bền vững, chúng ta phải tập trung, ưu tiên toàn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình Phòng chống dịch Covid-19; cũng như triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Ngoài việc triển khai hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, người dân, người lao động, cũng cần tập trung rà soát, tháo gỡ các vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất - kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Làm được như vậy, tôi tin là nền kinh tế sẽ từng bước vượt qua khó khăn để phục hồi hiệu quả và bền vững trong 2 năm 2022-2023, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.