TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Đợt 2, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV theo phương thức họp tập trung đã bắt đầu sáng nay, ngày 8/6/2020. Là chuyên gia kinh tế vĩ mô, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ông chờ đợi gì từ đợt họp này?
Đây là kỳ họp quan trọng, vì cả thế giới vẫn đang quay cuồng với đại dịch, đang phải lên kế hoạch kịch bản kinh tế cho năm nay và những năm tới. Kinh tế Việt Nam cũng như vậy.
Tôi đang đặc biệt chờ đợi Quốc hội bàn đến những vấn đề lớn của nền kinh tế, những thay đổi chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tương ứng với các kịch bản kinh tế mà Chính phủ đã trình. Nội dung này đặc biệt quan trọng, cần phải được bàn thảo kỹ càng trong đợt họp này, để Chính phủ có dư địa cho điều hành kinh tế 6 tháng cuối năm và năm tới.
Vì với mỗi kịch bản, với mỗi chỉ tiêu tăng trưởng, thì sẽ phải có những chỉ tiêu tương ứng về thu, chi ngân sách. Năm nay, chi ngân sách sẽ lớn, cho chống dịch, cho các khoản hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, thì việc bù đắp khoản thiếu hụt sẽ được xử lý thế nào…
Phát biểu mở đầu ngày họp đầu tiên của đợt 2 này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói: Sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung, trong đó có nhiều chính sách lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020 và phát triển trong thời gian tới…
Phải thẳng thắn, lúc này, nền kinh tế đang chờ đợi Quốc hội ban hành định hướng lớn, quyết sách căn bản mang tính thay đổi của nền kinh tế…
Tác động của dịch bệnh tới các nền kinh tế rất lớn, quy mô rộng. Nhiều nước đã hành động nhanh và quyết liệt, với các gói hỗ trợ khổng lồ, được thực hiện rất nhanh.
Chính phủ cũng đã đưa ra những giải pháp, gói hỗ trợ qua Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ,giải pháp cấp bách tháo gở khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch covid19; Nghị quyết Số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gở khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid19…
Định hướng chính sách theo tôi là phù hợp, theo hướng hỗ trợ và tạo điều kiện tiếp tục tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; giảm khó khăn thanh khoản; giảm lãi suất và chi phí khác; giảm gánh nặng thuế phí, tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh; tăng cầu nội địa…
Tuy vậy, đại bộ phận đang chờ đợi sửa đổi các văn bản, quy định và đặc biệt là một nhóm giải pháp phải trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua.
Nhưng, lúc này, các động lực của nền kinh tế như khu vực doanh nghiệp tư nhân đang rất yếu, nên rất cần phải có quyết tâm chính trị để thúc đẩy động lực duy nhất của nền kinh tế là đầu tư công.
Để thúc đẩy đầu tư công, bên cạnh yêu cầu Chính phủ phải lo được khoản ngân sách đã phân bổ cho các dự án đầu tư trong kế hoạch, thì cần có những thay đổi cần thiết về thể chế, nhất là yêu cầu sửa đổi luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Theo tôi, các đại biểu Quốc hội cần phải yêu cầu sự có mặt các mô hình kinh doanh mới, xu hướng phát triển mới mang hơi hướng của 4.0, trong bối cảnh bình thường mới cần phải có mặt trong các dự thảo luật đang được đại biểu Quốc hội xem xét, thông qua.
Trong lúc các chuỗi giá trị, các dòng đầu tư đang dịch chuyển mạnh trên phạm vi toàn cầu, rất cần thể chế, chính sách linh hoạt, theo kịp sự phát triển.
Có thể thấy, doanh nghiệp sẽ còn phải đợi để nhận được các giải pháp hỗ trợ cụ thể? Ngay cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, như giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô, cũng phải đợi các bộ, ngành trình các dự thảo văn bản sửa đổi?
Cá nhân tôi cho rằng, trong bối cảnh Covid-19, có thể thấy quy trình ra quyết định trên lĩnh vực kinh tế - xã hội là khá chậm.
Đặc biệt, việc các cơ quan có thẩm quyền, các nhánh quyền lực còn ý kiến khác nhau khiến việc ra quyết định càng khó khăn hơn.
Đặc biệt, có lẽ cũng cần phải xem xét thẩm quyền của các cơ quan có thẩm quyền, gồm cả Quốc hội, Chính phủ để đảm bảo sự linh hoạt, tốc độc trong việc quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội.
Theo tôi, các đại biểu Quốc hội cũng cần phải bàn thảo về các vấn đề trên, bên cạnh các nội dung đã có trong Chương trình nghị sự.
Một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Chính phủ trình Quốc hội:
- Quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 đến hết ngày 31/12/2020.
- Miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020.
- Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
- Giao Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi tổng số vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định.
- Ban hành Nghị quyết về việc chuyển đổi hình thức đầu tư đối với một số dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công.
- Cho phép áp dụng một số quy định tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng có hiệu lực kể từ ngày thông qua Luật:
+ Miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng;
+ Bãi bỏ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng và phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.
Nguồn: Nghị quyết 84/2020/NQ-CP