Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư... quý II và 6 tháng đầu năm khá sáng sủa, đúng như dự báo của Tổng cục Thống kê vào cuối quý I năm nay, thưa bà?
Kết quả tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm đạt 6,93% và 6,42%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng (cận trên) trong Nghị quyết 01/NQ-CP (6-6,2%). Đây là dấu hiệu tích cực cho hành trình khôi phục và phát triển kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2024.
Ngày 18/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP đạt cận trên Quốc hội giao, tức là GDP tăng trưởng 6,5%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cả năm 2024, thì 6 tháng cuối năm phải đạt 6,57%. Đây là mục tiêu tiềm ẩn nhiều thách thức và khó khăn, nhưng cũng có những yếu tố tích cực để đạt được.
Theo bà, nền kinh tế đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn gì?
Tôi nghĩ, nền kinh tế đang phải đối diện với 4 khó khăn, thách thức.
Một là, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro. Kinh tế toàn cầu phục hồi yếu, còn nhiều rủi ro và bất ổn. Hoạt động thương mại quốc tế và tổng cầu thế giới còn yếu; lạm phát vẫn ở mức cao. Xung đột chính trị có dấu hiệu trầm trọng và khó đoán định... Nội lực của nền kinh tế nội địa chưa mạnh, ảnh hưởng nhiều tới khả năng thích ứng và tự chữa khi có những cú sốc kinh tế.
Hai là, hoạt động xuất khẩu cạnh tranh khốc liệt do xung đột địa chính trị vẫn căng thẳng, đe dọa sự phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng.
Ba là, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như những hạn chế của môi trường kinh doanh chưa được khắc phục ngay, khó khăn về vốn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi thị trường đầu ra khó khăn…
Bốn là, đầu tư nước ngoài vẫn còn một số trở ngại khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam.
Thế còn những yếu tố tích cực thì sao, thưa bà?
Bên cạnh 4 nhóm khó khăn nêu trên, tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có 4 nhóm yếu tố được xác định đóng góp tích cực vào tăng trưởng những tháng cuối năm.
Thứ nhất, việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động áp dụng từ ngày 1/7 sẽ giúp người dân tăng các khoản chi tiêu, tạo dư địa tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Thứ hai, các chính sách giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, gia hạn thời hạn nộp thuế… sẽ kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh.
Thứ ba, sự hồi phục của ngành công nghiệp là nhân tố quan trọng, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng, mà còn thúc đẩy gia tăng xuất nhập khẩu năm 2024. Những nỗ lực của các doanh nghiệp công nghiệp, sự “ấm dần” của thị trường quốc tế sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp từng bước khôi phục và phát triển trong năm 2024.
Thứ tư, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tác động lan tỏa đến các ngành xây dựng, giao thông - vận tải, vật liệu xây dựng… từ đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Chính vì vậy, Nghị quyết 93/NQ-CP (ngày 18/6/2024) đã đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP đạt cận trên Quốc hội giao, tức là GDP tăng trưởng 6,5%. Bà nghĩ sao về mục tiêu này?
Từ nhận diện thuận lợi và khó khăn nêu trên, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm cần đảm bảo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị, xã hội và cân đối các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát.
Với phương châm chỉ đạo “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, bản lĩnh, chủ động, nêu cao tinh thần quyết tâm, cùng với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đưa ra tại Nghị quyết 93, tôi tin rằng, với sự chung tay, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, thì mục tiêu tăng trưởng cận trên (6,5%) có cơ sở để đạt được.
Dư địa tìm ra động lực tăng trưởng mới không nhiều, vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải “làm mới động lực tăng trưởng cũ”. Quan điểm của bà thế nào về đề xuất này?
Việt Nam có rất nhiều động lực tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa khai thác hết và có lẽ không bao giờ khai thác hết vì bối cảnh thay đổi, tình hình trong và ngoài nước thay đổi thì động lực truyền thống cũ đã được làm mới.
Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, về đầu tư, tiếp tục tạo thuận lợi thu hút, giải ngân đầu tư xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường vận động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vốn ODA thế hệ mới, tài chính xanh thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế đối với hạ tầng chiến lược.
Về xuất khẩu, cần củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết và thúc đẩy ký kết các FTA mới; thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh các chính sách, quy định của các nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa...
Về tiêu dùng, đẩy mạnh thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, các chương trình bình ổn thị trường, xúc tiến nông sản...; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; kịp thời điều tra, xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định.