Kích cầu ngày càng được nhắc tới nhiều hơn khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đuối sức, khiến nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng 3,72% trong 6 tháng đầu năm 2023- cách rất xa mục tiêu tăng trưởng 6,2% đã được Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 6/1/2023).
Dù tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2023 đã khởi sắc hơn, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, kể từ khi thoát khỏi tình trạng suy thoái năm 2008 do hệ lụy từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chưa bao giờ, kinh tế Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.
Thực tế cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP quý II năm nay là thấp nhất kể từ năm 2011 (ngoại trừ quý II/2020 - thời điểm Việt Nam và cả thế giới phải gồng mình chống Covid-19), trong đó nguyên nhân chính là do sức cầu, bao gồm cầu xuất khẩu, cầu tiêu dùng lẫn cầu đầu tư quá yếu.
Nguyên nhân chính gây ra “căn bệnh suy giảm tăng trưởng” đã được xác định. Vấn đề là phải tìm được thuốc trị.
Dù thương mại thế giới đang suy giảm do các đầu tàu kinh tế thế giới thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát, song Việt Nam không phải không có “cửa sáng” để tăng trưởng xuất khẩu. Đó là 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được thực thi, nhưng doanh nghiệp mới chỉ khai thác được một phần nhỏ lợi ích mà các FTA này đem lại, khiến hàng hóa “Made in Vietnam” không có nhiều lợi thế cạnh tranh về giá do không được hưởng ưu đãi thuế quan.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng qua giảm trên 12%. Đặc biệt, cả 5 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, sử dụng nhiều lao động, là trụ cột của hoạt động xuất khẩu (gồm điện thoại, điện tử, dệt may, giày dép, máy móc - thiết bị) tiếp tục đà lao dốc với kim ngạch xuất khẩu giảm từ 15% đến 18% trong nửa đầu năm nay. Hệ quả là một lượng không nhỏ lao động làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp từ tăng ca chuyển sang làm giờ hành chính, làm cách nhật hoặc mất việc, từ đó nguồn thu nhập thường xuyên bị giảm, dẫn đến sức cầu nội địa suy yếu. Chính vì vậy, nhiều người phải tìm cách “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi tiêu. Điều này khiến cầu tiêu dùng nội địa đã yếu càng thêm yếu.
Vẫn biết kích cầu nội địa rất khó, nhưng không phải không có cách.
Số liệu Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, cân đối thu - chi vẫn kết dư 71.200 tỷ đồng. Như vậy, chỉ cần sử dụng một phần trong số tiền kết dư để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hỗ trợ lãi suất vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách; hỗ trợ lãi suất cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi… thì tất yếu sẽ tác động tích cực tới cầu nội địa.
Bên cạnh đó, với người lao động chưa quá khó khăn về tài chính, nhưng đang phải tằn tiện, muốn khuyến khích đối tượng này “móc hầu bao” thì giải pháp hữu hiệu nhất là nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân từ 11 triệu đồng lên ít nhất 15 - 16 đồng/tháng. Ngoài ra, có thể xem xét nâng mức miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ mức doanh thu 100 triệu đồng/năm, lên 150-160 triệu đồng/năm.
Thực tế còn cho thấy, vốn đầu tư toàn xã hội vẫn yếu do đầu tư của khu vực tư nhân hầu như không tăng so với nửa đầu năm 2022. Muốn khu vực tư nhân tăng tốc đầu tư thì phải đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công trong 6 tháng cuối năm. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó, nhưng không phải không có hướng giải quyết, bởi nhu cầu đầu tư công hiện vô cùng lớn.
Đơn cử, con số hơn 30.000 học sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội bị “bỏ lại phía sau” do không vào được hệ công lập trong năm học 2023-2024 cho thấy nhu cầu đầu tư công của ngành giáo dục Thủ đô là vô cùng lớn. Ở các đô thị khác, dù mức độ căng thẳng không bằng Hà Nội, nhưng nhu cầu đầu tư công của ngành giáo dục là không nhỏ. Tương tự, nhu cầu đầu tư cho dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, ký túc xá sinh viên... cũng vô cùng lớn. Nếu tập trung vốn đầu tư vào những lĩnh vực vừa cấp bách, vừa lâu dài thì có thể giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 và vốn tồn dư từ các năm khác chuyển sang.
Một khi đầu tư công tăng, thị trường nội địa tăng trưởng, xuất khẩu chuyển biến nhờ tận dụng tốt FTA, thì đầu tư tư nhân cũng sẽ tăng. Và khi sức cầu đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước tăng, tất yếu, nền kinh tế cũng sẽ tăng trưởng.