Nên hướng dòng tín dụng đến sức cầu

Nên hướng dòng tín dụng đến sức cầu

(ĐTCK) Triển khai tín dụng cho người tiêu dùng có nhu cầu ở thực, ngân hàng hạn chế rủi ro khi khoản vay được phân tán, thay vì quá tập trung rót vốn cho chủ đầu tư.

Nguồn vốn tín dụng vào bất động sản hiện nay phần lớn chỉ ở phân khúc dành cho cá nhân vay mua nhà, còn đối với chủ đầu tư vẫn không dễ nhận được vốn từ nhà băng.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ngân hàng hạn chế rót vốn cho chủ đầu tư dự án. Đặc thù của thị trường bất động sản Việt Nam là đa số chủ đầu tư dựa vào nguồn tín dụng vay mượn từ ngân hàng, vì năng lực hạn chế.

Do đó, việc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đưa ra cảnh báo kiểm soát chặt dòng tín dụng vào bất động sản và ngăn chặn tình trạng “bong bóng” tái diễn là hoàn toàn chính xác và cần thiết.

Nên hướng dòng tín dụng đến sức cầu ảnh 1

TS. Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế - tài chính

Để thị trường bất động sản ấm dần lên và phát triển bền vững, tránh tình trạng “bong bóng” tín dụng ở lĩnh vực này, các chủ đầu tư dự án, ngân hàng phải hướng đến phân khúc khách hàng có nhu cầu nhà ở đầu tiên. Bởi chính họ là những người mong muốn sở hữu nhà và trả nợ từ nguồn thu nhập tiền lương hàng tháng.

Trên thực tế, các ngân hàng cũng đã đẩy mạnh tín dụng ở phân khúc này, song tiềm năng tăng trưởng đối với cho vay mua nhà còn rất lớn. Nhu cầu về nhà ở của khách hàng tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…) còn rất nhiều. Triển khai tín dụng ở phân khúc này, ngân hàng hạn chế rủi ro khi khoản vay được phân tán, thay vì tập trung rót vốn cho chủ đầu tư, rủi ro sẽ gia tăng.

Ngoài ra, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, quan trọng nhất là các dự án phải minh bạch thông tin và người mua nhà nên nhờ tư vấn kỹ hợp đồng. Đây là cách tốt nhất để bảo đảm quyền lợi khách hàng, bởi đó là nhu cầu về nhà ở chính đáng và trả nợ bằng tiền lương.

Mặt khác, để thu hút được khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà, mặt bằng lãi vay cần ổn định. Có thể thấy, nhu cầu tín dụng nhà ở của khách hàng gia tăng trong 2 - 3 năm nay khi mặt bằng lãi suất giảm dần từ việc đẩy mạnh cho vay mua nhà của các ngân hàng. Các chính sách ưu đãi lãi suất được đưa ra, song điều khách hàng cá nhân cần trong quá trình vay vốn mua nhà để ở là chính sách lãi suất cho vay ưu đãi ổn định trong thời gian 2 - 3 năm thì mới tính toán được kế hoạch trả nợ vay, thay vì chỉ ưu đãi trong thời gian ngắn, sau đó tăng mạnh lên.

Lãi suất vay vốn luôn là mối bận tâm hàng đầu đối với khách hàng. Trước đây, gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng Chính phủ đưa ra đã giúp nhiều người có cơ hội mua nhà, nhưng chỉ trả lãi vay thấp trong thời gian 15 năm. Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng khi nguồn cung về nhà đất đang vô cùng dồi dào và cầu nhà ở lớn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay hiện vẫn còn là rào cản lớn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan