Mong đợi của nhà đầu tư
Để giảm thiểu rủi ro khi đối mặt với tình huống công ty chứng khoán mất khả năng hoàn trả tài sản đã nhận quản lý hoặc giải thể, phá sản..., từ nhiều năm nay, nhà đầu tư đã đề xuất Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mở ra cơ chế cho hình thành Quỹ bảo vệ nhà đầu tư như thông lệ quốc tế. Đại diện cho tiếng nói của nhà đầu tư, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) không dưới một lần kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về vấn đề này, nhưng suốt thời gian dài không được đáp ứng.
Mãi cho đến bản dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi được Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến các thành viên thị trường mới đây, mong đợi trên của nhà đầu tư mới phần nào được đáp ứng, khi tại dự thảo này đã thiết kế một điều quy định về Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đây là một trong những nội dung mới tại dự thảo. Theo đó, Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán hình thành từ sự đóng góp của các công ty chứng khoán là thành viên của sở giao dịch chứng khoán, để hoàn trả một phần cho nhà đầu tư trong trường hợp công ty chứng khoán phá sản, mất khả năng hoàn trả tài sản của nhà đầu tư đã nhận quản lý.
Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán do sở giao dịch chứng khoán quản lý, phải được tách bạch với tài sản của sở. Hình thức đóng góp, mức đóng góp, phương thức hoàn trả, phương thức quản lý quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính...
Ý kiến từ nhà đầu tư cho rằng, đành rằng dự thảo Luật chỉ định ra các nguyên tắc chung, trên cơ sở đó Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết, nhưng quy định như dự thảo là còn chung chung, dẫn đến khó khả thi. Thay vào đó, dự thảo cần quy định cụ thể công ty chứng khoán mất khả năng hoàn trả tài sản của nhà đầu tư là như thế nào; các nghĩa vụ của công ty chứng khoán là gì, nếu không tuân thủ các nghĩa vụ này thì sẽ bị xử lý ra sao để đảm bảo tính khả thi của quỹ.
Công ty chứng khoán mong Ban soạn thảo… cân nhắc
Trong khi ý kiến từ nhà đầu tư nóng lòng muốn Quỹ bảo vệ nhà đầu tư sớm hình thành, thì vẫn còn nhiều ý kiến chưa hoàn toàn đồng thuận.
Đại diện cho quyền và lợi ích của các hội viên là các công ty chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) đề xuất, cần nghiên cứu kỹ quy định về Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán, vì đã có quy định về Quỹ hỗ trợ thanh toán và Quỹ bù trừ với mục tiêu đảm bảo khả năng thanh toán.
“Việc xác định công ty chứng khoán mất khả năng hoàn trả chưa được quy định đầy đủ và chi tiết. Việc sử dụng tài sản của khách hàng là chiếm dụng tài sản trái phép và cần được xử lý theo đúng bản chất của nó.
Cá nhân và tổ chức nào sử dụng trái phép sẽ phải hoàn trả, chứ không nên dùng quỹ chung của các thành viên để thực hiện nghĩa vụ của một cá thể có hành vi trái pháp luật. Mặt khác, tài sản của nhà đầu tư chứng khoán gồm tiền và chứng khoán, tiền được quản lý tách bạch tại ngân hàng, còn chứng khoán được quản lý độc lập bởi Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD).
Vì vậy, trong trường hợp nhất thiết phải có quỹ này thì cần xem xét vai trò đóng góp của các chủ thể có ảnh hưởng là ngân hàng và VSD…”, ông Kỳ đề xuất.
Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, không nên lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán, mà nên chăng tích hợp chức năng hoạt động của quỹ này vào Quỹ hỗ trợ thanh toán, để tránh việc lập nhiều quỹ dẫn đến trùng lặp, khó quản lý…
Từ góc nhìn của một đối tượng chịu tác động nếu Quỹ bảo vệ nhà đầu tư ra đời, Công ty Chứng khoán Vietcombank đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc xây dựng quỹ này theo hướng có nhiều lựa chọn cho các công ty chứng khoán để thực hiện bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư như: Trích lập quỹ dự phòng bảo vệ nhà đầu tư, hoặc quỹ dự phòng rủi ro nghiệp vụ hoặc mua bảo hiểm nghề nghiệp…, thay cho định hướng duy nhất bằng việc đóng góp vào Quỹ bảo vệ nhà đầu tư…