Để thu hút đầu tư, Việt Nam cần tập trung đầu tư và hỗ trợ các yếu tố về hạ tầng, chất lượng nhân lực, chất lượng logistics...
Có nên hỗ trợ bằng tiền?
Khá nhiều ý kiến của các chuyên gia được đưa ra tại Hội thảo “Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây về phản ứng chính sách của Việt Nam và hầu như tất cả đều đồng tình với việc cần phải nghiên cứu để đưa ra các biện pháp hỗ trợ khác, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
Bà Annett Perschmann-Taubert, Phó tổng giám đốc phụ trách Tư vấn thuế của PwC, như Báo Đầu tư đã thông tin, đã nhắc đến việc Việt Nam nên thiết kế các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các mục tiêu đầu tư, như hỗ trợ đầu tư vào một số thiết bị, tài sản, nghiên cứu và phát triển, đầu tư vào con người… Những hỗ trợ này sau đó sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho việc đầu tư cho dù công ty đang ở trong tình trạng lãi hay lỗ.
Theo bà Annett, các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, thậm chí cả các quốc gia châu Âu hoặc Mỹ, trước việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, đều đã không chỉ cung cấp ưu đãi thuế để thu hút FDI, mà còn cung cấp hỗ trợ dưới hình thức cấp tiền mặt.
Đồng quan điểm, bà Hương Vũ, Tổng giám đốc EY Consulting Việt Nam còn bày tỏ mong muốn rằng, Việt Nam có thể “mở lòng”, nghiên cứu phương pháp hỗ trợ bằng tiền. “Rất nhiều biện pháp đã được đề xuất, như tăng chi phí khấu hao, hỗ trợ đào tạo nhân lực…, nhưng dưới tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, những phương án này có thể sẽ không hiệu quả”, bà Hương Vũ nói.
Theo bà Hương Vũ, trên thế giới, nhiều nước cũng đã áp dụng biện pháp này và đạt được một số hiệu quả nhất định. “EY sẵn sàng chia sẻ, đồng hành để Việt Nam khi áp dụng biện pháp hỗ trợ bằng tiền sẽ không vi phạm các quy định của WTO”, bà Hương Vũ nói.
Trên thực tế, 35 năm thu hút FDI, Việt Nam vẫn chỉ sử dụng các biện pháp ưu đãi thuế như là một trong những giải pháp quan trọng để đón được nguồn lực quý giá từ bên ngoài. Thậm chí, đầu năm nay, các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt cũng đã được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, mà điều này là không thể trì hoãn, sẽ khiến các ưu đãi về thuế trở nên kém hiệu lực, nhất là với các dự án quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia.
“Mất” ưu đãi thuế, khi mức thuế suất tối thiểu toàn cầu dự kiến áp dụng là 15%, theo các chuyên gia, sẽ khiến Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tế, theo thông tin từ ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong tổng số hơn 386.000 dự án FDI, Việt Nam chỉ đang tập trung ưu đãi thuế cho khoảng 3% dự án đang hoạt động.
Còn theo thông tin từ GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, 35 năm qua, mới chỉ Intel nhận được sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này không hoàn toàn bằng tiền, mà thông qua sự hỗ trợ cho kinh phí đầu tư đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Hỗ trợ trực tiếp bằng tài chính, tiền mặt là câu chuyện không đơn giản ở Việt Nam, song các biện pháp phi thuế, theo các chuyên gia, là cần thiết và quan trọng.
Cần các biện pháp hỗ trợ phi thuế
TS. Đào Hoàng Tuấn, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Chính sách phát triển, là người đã nhấn mạnh rất nhiều về các biện pháp phi thuế, một khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng dự kiến từ cuối năm 2023.
Ông Tuấn cũng là người không mấy lo ngại về những ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu đối với các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Thậm chí, theo ông Tuấn, thuế tối thiểu toàn cầu còn làm giảm động cơ của các doanh nghiệp này trong việc dịch chuyển sản xuất sang một quốc gia khác.
“Nếu không có thỏa thuận này, sau khi hết thời gian ưu đãi, các doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng dịch chuyển sang một quốc gia khác, với mức thuế suất ưu đãi hơn”, ông Tuấn nói và cho rằng, một khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, nhiều nước cũng không thể sử dụng công cụ thuế để thu hút FDI nữa, bởi họ cũng chịu tác động của thỏa thuận này.
“Khi các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, không thể sử dụng công cụ thuế, thì các yếu tố khác trong thu hút đầu tư sẽ trở nên quan trọng hơn đối với doanh nghiệp FDI”, ông Tuấn nói. Ông cũng nhắc đến những lợi thế mà Việt Nam đang “dẫn điểm” trước các “đối thủ” khác, như chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định và có nhiều tiềm năng phát triển, khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn nhờ vào các hiệp định thương mại tự do đã ký kết…
Tuy nhiên, để thu hút đầu tư, theo ông Tuấn, Việt Nam cần tập trung đầu tư và hỗ trợ các yếu tố về hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, chi phí và chất lượng logistics, chi phí R&D, xây nhà ở cho công nhân…
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, đó chính là gói tổng thể không chỉ về thuế, có thể giúp Việt Nam vận hành hiệu quả hơn trong thu hút FDI.
Mặc dù đồng ý với các biện pháp phi thuế để hỗ trợ các nhà đầu tư, bao gồm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, xây dựng nhà ở công nhân…, song ông Nguyễn Nội, nguyên Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng lưu ý rằng, mỗi doanh nghiệp sẽ có mức ưu đãi, hỗ trợ khác nhau và phải làm sao để “không nhiều hơn” giá trị mà họ “sẽ bị thiệt” nếu áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 15%.
Trong Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, mục tiêu mà Việt Nam hướng đến là thu hút được nhiều hơn nữa các tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500. Hiện tại, chỉ có hơn 100 tập đoàn nằm trong danh sách này có đầu tư tại Việt Nam, trong khi mục tiêu đặt ra là tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc danh sách Fortune 500.