Ông Nguyễn Băng Tâm

Ông Nguyễn Băng Tâm

Nên dừng truy thu thuế doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) “Câu lạc bộ các công ty niêm yết sẽ tập hợp ý kiến trong số hơn 150 DN niêm yết, để kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế dừng truy thu thuế DN niêm yết liên quan đến chính sách ưu đãi thuế cho DN cổ phần hóa và niêm yết lần đầu trên TTCK…”, ông Nguyễn Băng Tâm, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ, trao đổi với ĐTCK.
Ngoài nhiều DN niêm yết bất ngờ bị truy thu thuế thu nhập DN (TNDN) trong năm 2013 do điều chỉnh chính sách thuế khuyến khích các DN niêm yết lần đầu trên TTCK, nhiều DN đang trong diện bị thanh, kiểm tra thuế và có nguy cơ bị truy thu thuế hàng trăm tỷ đồng. Điều này khiến nhiều DN, cổ đông bức xúc. Ông nhìn nhận gì về hiện trạng này?

Trong năm 2013 và cả hiện tại, các DN niêm yết đối mặt với nhiều khó khăn, do chi phí đầu vào vẫn tăng cao, hàng tồn kho lớn, sức cầu của thị trường yếu... Do khó khăn trong huy động vốn qua TTCK, cũng như bị truy thu thuế TNDN, nên không ít DN có ý định rời sàn. Ban thường trực Câu lạc bộ các công ty niêm yết khuyến cáo DN nên cẩn trọng, để tránh gây thiệt hại cho chính mình và cổ đông.

Liên quan đến chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích DN lên niêm yết lần đầu trên TTCK giai đoạn 2004 - 2006, quan điểm của Câu lạc bộ là việc điều chỉnh chính sách dẫn đến nhiều DN niêm yết bị truy thu thuế như đã và đang diễn ra là không ổn. Lý do, đã là chính sách thuế khuyến khích DN, thì trước sau nên nhất quán, để tránh tác động tiêu cực đến DN. Hơn nữa, năm 2013 cũng như năm nay, rất nhiều DN niêm yết đối mặt với khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nên việc truy thu thuế làm tăng sức ép, khiến DN đã khó lại càng khó hơn.

Đáng lý ra, trong bối cảnh cổ phần hóa gắn với niêm yết trên TTCK đang trầm lắng, thay vì truy thu thuế, điều mà Bộ Tài chính nên làm là kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tái áp dụng chính sách ưu đãi thuế, để khuyến khích DN đẩy nhanh cổ phần hóa và niêm yết trên TTCK. Qua đó mang lại lợi ích lớn hơn về dài hạn, kể cả cho thu ngân sách.

Câu lạc bộ có kiến nghị, đề xuất gì lên Bộ Tài chính, Tổng cục thuế để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các hội viên, thưa ông?

Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo cổ phần hóa gắn với niêm yết trên TTCK, cũng như thực tế các DN niêm yết đang đối mặt với nhiều khó khăn, qua ý kiến của các DN niêm yết, Ban thường trực Câu lạc bộ đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế dừng truy thu thuế các DN niêm yết. Đây là cách nhằm góp phần phát triển TTCK như mong đợi của Chính phủ, qua đó thúc đẩy cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, nhất là lấy lại niềm tin cho DN, cổ đông, cũng như thị trường.

Ngoài dừng truy thu thuế, các thành viên Câu lạc bộ còn mong muốn, ít nhất là trong năm 2014, Bộ Tài chính, cũng như các cơ quan liên quan không nên có những chính sách làm phát sinh thêm nghĩa vụ thuế, để giảm gánh nặng cho DN trong bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn như hiện tại. Thậm chí, để tiếp sức cho TTCK, nhất là thúc đẩy hệ thống quỹ mở, quỹ ETF… phát triển, Bộ Tài chính cần sớm kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Quốc hội thực hiện các chính sách ưu đãi thuế, thay vì đang làm ngược lại là tăng thuế đối với lĩnh vực chứng khoán như hiện tại.

Bao giờ Câu lạc bộ các công ty niêm yết sẽ gửi kiến nghị dừng truy thu thuế TNDN đối với các DN niêm yết lên Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, thưa ông?

Đại diện cho quyền lợi của hơn 150 hội viên là các DN niêm yết trên TTCK Việt Nam, Ban thường trực Câu lạc bộ đang tập hợp ý kiến của các thành viên, để sớm gửi kiến nghị dừng truy thu thuế đối với các DN niêm yết lên Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.

Thực ra, ngay khi Tổng cục Thuế và cục thuế một số địa phương tiến hành truy thu thuế các DN niêm yết trong năm 2013, Ban thường trực Câu lạc bộ đã có ý định gửi kiến nghị dừng truy thu thuế lên Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, để có được nhiều ý kiến hơn, đến nay, Câu lạc bộ đang tập hợp thêm ý kiến của các hội viên trước khi gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính và Tổng  cục Thuế.

Câu lạc bộ các công ty niêm yết cũng mong muốn, các hiệp hội khác cũng hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán như Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam, cùng gửi kiến nghị tương tự tới Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.

Tin bài liên quan