Nén “đau thương” để nuôi mộng start-up

Nén “đau thương” để nuôi mộng start-up

0:00 / 0:00
0:00
Trải qua quá trình mông lung, vô định, bất an, sợ đủ thứ, start-up sẽ biết nén “đau thương” để đưa công ty lên tầm cao mới.

Mai Ngọc Anh, start-up Unbox, khá “hot” với set Hộp quà Tết xưa, vừa mới trả hết món nợ vay ngân hàng 2 năm trước để khởi nghiệp. “Đúng là không đùa với cơm - áo - gạo - tiền được”, Ngọc Anh nói.

Ngọc Anh chia sẻ, nếu đi làm cho các start-up của người khác thì vui, nhất là start-up có điều kiện. Chưa cần biết “start” (khởi đầu) có “up” (đi lên) không, chỉ cần có tiền sống thời gian đầu, không phải lo ngày mai ăn gì. Khi đó, mình được thử sức sáng tạo thoải mái, đúng thì “ấm” vào thân trước và công ty cũng được lợi, còn sai thì sẽ có công ty trả tiền cho cái sai đó.

Nhưng start-up bằng tiền của mình thì khác. Lực ít, nên thấy tiền ra liên tục, trong khi tiền về chậm là bắt đầu run. Bao nhiêu quy trình, khuôn khổ... đọc trong sách và được học đều bỏ hết, chỉ quan tâm một điều duy nhất, là làm thế nào bán được hàng, để tháng sau có tiền tiếp tục “nuôi” công ty và có tiền trả nợ.

“Lúc này không có ai đỡ hộ hết. Có muốn đẩy trách nhiệm cho người khác cũng chịu, vì có ai khác đâu? Cảm giác ngồi một mình trong phòng, nhìn vô định, đầu trống rỗng, không biết tiền còn đủ nuôi công ty đến bao giờ luôn khó tả. Mông lung, vô định, bất an, sợ đủ thứ. Nhưng rồi sau tất cả, vẫn cứ ‘cày’ hùng hục, rồi những cảm giác đó lại lặp lại, như vòng tròn của cuộc đời”, Ngọc Anh nhớ lại.

Rồi, khi qua được giai đoạn “sống hay chết” ấy, start-up sẽ bước sang giai đoạn mới: phát triển công ty tốt hơn hay chết?

Với nhà sáng lập Unbox, đây là giai đoạn “đau thương” nhất của cả công ty và những người có liên quan. Muốn công ty phát triển lên một tầm cao hơn, thì mỗi người trong công ty cũng phải phát triển theo. Ai không theo kịp guồng quay đó, sẽ bị “bay” ra ngoài.

Giai đoạn này, start-up sẽ phải tăng quy mô lên nhiều lần. Theo đó, quy trình phải thay đổi, tư duy phải thay đổi. Sự thay đổi này không thể chỉ ở một vài người, mà cần hầu hết mọi người, đặc biệt là cấp quản lý và cao hơn.

Nhà khởi nghiệp này cho rằng, start-up có thể không phải “cuộc chơi” dành cho tất cả. Start-up không nhất thiết phải làm gì đó “hoàng tráng”, chỉ cần làm những điều mà mình làm tốt, giúp ích cho một nhóm nào đó, tạo ra giá trị cho một cộng đồng nào đó, dù nhỏ. Vì, tạo ra giá trị sẽ giúp mình cảm thấy có ích, được ghi nhận, có thêm động lực để tiếp tục tạo ra giá trị.

Để tạo ra giá trị, thì start-up cần biết rõ mình làm tốt lĩnh vực gì để tập trung, chứ không khởi nghiệp theo phong trào, thấy người khác làm gì hay cũng làm theo.

Cuối cùng, với Ngọc Anh, hành trình khởi nghiệp chỉ cần sự ghi nhận của chính bản thân mình là đủ, những thứ khác, như sự nổi tiếng, kỳ vọng..., nếu đạt được cũng tốt, song đôi khi chỉ là món “trang sức”.

Tin bài liên quan