Thưa ông, vẫn tiếp tục có tranh luận xung quanh quy định liên quan đến mức thuế 10% đối với dịch vụ xe công nghệ của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Grab Việt Nam tiếp tục thể hiện sự không đồng tình. Họ cho rằng, không thể chịu hoàn toàn nghĩa vụ nộp thuế với tư cách là người nộp thuế cho toàn bộ doanh thu, bao gồm cả phần doanh thu của đối tác tài xế. Quan điểm của ông về vụ việc này thế nào?
Grab Việt Nam không đồng tình là có lý. Nguyên tắc quan trọng nhất của thuế VAT là được khấu trừ đầu vào, nên khi không khấu trừ được thì người chịu thuế bị ảnh hưởng rất lớn.
Với mô hình taxi công nghệ, cụ thể là Grab Việt Nam, chi phí vận hành không nhiều, nhưng vấn đề là họ không thể khấu trừ các khoản chi phí mà lái xe - gọi là các đối tác phải bỏ ra, như xăng xe, khấu hao xe cộ…
Nên nếu thu VAT trên tổng doanh thu của Grab Việt Nam, với mức 10% là bất hợp lý và quá cao. Có thể coi đây như thuế doanh thu, không phải thuế VAT.
Tại sao lại như vậy?
Tôi cho rằng, đang có sự không theo kịp mô hình kinh doanh mới. Vì đang có quy định coi taxi công nghệ như taxi truyền thống, nên mới áp điều kiện kinh doanh của các mô hình này như nhau, và giờ là cách tính thuế VAT như nhau.
Trong trường hợp của taxi truyền thống, doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi khấu trừ được các khoản khấu xe cộ, chi phí cho người lao động (lương, thưởng, quần áo, xăng xe…) đến các chi phí văn phòng…, nên mức thuế VAT phải nộp dù cùng mức thuế suất 10% nhưng khoản thực nộp sẽ thấp hơn taxi công nghệ.
Trong trường hợp này, phương án cho taxi công nghệ thế nào là thoả đáng?
Trong việc tính thuế VAT, đã có trường hợp đặc biệt dành cho một số dịch vụ, sản phẩm đặc biệt. Ví dụ vàng, dịch vụ ngân hàng, hộ kinh doanh… Đây là những trường hợp khi tính theo cách bình thường sẽ rất bất hợp lý.
Với taxi công nghệ, tôi cho rằng, nên đối xử như vậy. Có hai phương án có thể nghiên cứu, áp dụng.
Một là, áp đặt mức khấu trừ. Ví dụ, mức khấu trừ với thuế thu nhập cá nhân khi có người phụ thuộc. Trường hợp này vì không thể tính toán được mức cụ thể nên đưa ra mức khấu trừ cố định.
Hai là, quy định mức thu phải nộp, như với trường hợp hộ kinh doanh. Ví dụ, thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm không thu, trên 100 triệu đồng thì 2-3% trên tổng doanh thu. Tương tự như với cách tính thuế thu nhập khi bán nhà, cứ thu 2% bất kể người bán lãi hay lỗ.
Cho đến giờ chỉ Grab lên tiếng phản đối về quy định này?
Vì Grab đã điều chỉnh giá ngay sau khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 5/12/2020, nên các lái xe bị ảnh hưởng ngay.
Với các công ty khác, họ cũng là đối tương chịu ảnh hưởng. Nhưng có thể do chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, có thể họ chấp nhận lỗ để giành thị phần.
Ông nghĩ thế nào khi Grab tăng giá như vậy?
Tôi nghĩ là tăng đúng, vì họ tính để lợi ích của họ vẫn đảm bảo, vì thuế tăng, họ phải tăng giá để bù vào chi phí. Đương nhiên, lợi ích của người lái xe bị ảnh hưởng.
Tôi muốn nói rõ, trong mô hình của Grab, lái xe không phài là người lao động như trong mô hình taxi truyền thống, nên doanh nghiệp Grab không thể khấu trừ các chi phí từ người lái xe, từ xe của người lái xe…