Cần cơ chế đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp
Theo chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, chiều nay (24/5), Quốc hội xem xét Tờ trình của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022.
Trước đó, Chính phủ đã đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%, áp dụng từ lúc ban hành nghị quyết (dự kiến ngày 1/7/2023) đến hết 31/12/2023 và có mở rộng áp dụng đối với tất cả nhóm ngành nghề chịu thuế VAT, bao gồm cả ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, viễn thông, công nghệ thông tin..., những nhóm chưa được giảm trong năm 2022 theo Nghị quyết 43.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên nhóm đối tượng đã áp dụng trong năm 2022, sau đó Chính phủ đã điều chỉnh tờ trình như Nghị quyết 43.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán bên hành lang Quốc hội sáng 24/5, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nêu quan điểm, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp sản xuất, đang gặp rất nhiều khó khăn về cả thị trường lẫn nguồn vốn, có thể nói là trong 20 năm qua chưa bao giờ khó khăn như hiện nay.
"Về thị trường thì sức cầu tại các thị trường xuất khẩu chính giảm, ai cũng biết là trong hoàn cảnh này phải tập trung vào thị trường nội địa nhưng không thể ngay lập tức chuyển chiến lược kinh doanh từ xuất khẩu sang bán nội địa. Về nguồn vốn thì hầu hết doanh nghiệp đang thiếu vốn, lãi suất ngân hàng vẫn trên 10%/năm là vẫn cao.
Với bất động sản là đối tượng không được giảm 2% VAT, có thể dùng biện pháp kỹ thuật để tháo gỡ tín dụng cho phân khúc trung bình, từ đó kéo theo xi măng, sắt thép.. và nhiều ngành nghề liên quan khác được "cứu". Nói chung, có thể điều tiết phù hợp trong từng phân khúc, từng lĩnh vực.
ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)
Trong bối cảnh này, giảm thuế VAT làm giảm giá hàng bán, kích thích tiêu dùng, kích thích tổng cầu, từ đó kích thích sản xuất tại chỗ và giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đây là một chính sách tài khoá rất tốt", ông An nhận định.
Về nguồn vốn, vị đại biểu cho rằng, doanh nghiệp có hai nguồn thị trường là trong nước và xuất khẩu, còn nguồn vốn thì hầu như chỉ có một nguồn chính là tín dụng.
Ghi nhận thời gian qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo rốt ráo để giảm lãi suất, nới room tín dụng; tuy nhiên lãi suất hiện nay vẫn cao, room tín dụng nới vẫn còn e dè; ông An kỳ vọng thời gian tới, chính sách tín dụng sẽ được nới lỏng hơn nữa.
Vị đại biểu cũng nói thêm, trước đây trong đại dịch chúng ta có những nghị quyết, những biện pháp "chưa có tiền lệ", giờ đây để gỡ khó cho doanh nghiệp cũng cần những giải pháp như vậy.
"Hơn bao giờ hết, cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này. Doanh nghiệp nào quy mô lớn, lao động nhiều thì đừng đòi hỏi không có nợ xấu mới cho vay. Phải cứu họ trước đã. Chúng ta có quỹ vắc-xin để chống dịch thì cũng nên có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp như quỹ vắc-xin", ông An đề nghị.
Đề xuất giảm thuế VAT xuống 3 - 5%
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, thay vì chỉ giảm thuế VAT xuống 8% thì nên cân nhắc giảm xuống mức 3-5%.
Ông Vân nói rằng, hiện nay nền kinh tế đã tiệm cận suy thoái, nếu tiếp tục gia tăng hoặc đơn giản chỉ giữ nguyên việc thu thuế VAT sẽ tỉ lệ nghịch với những khó khăn mà doanh nghiệp và người dân đang gặp phải.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) trả lời báo Đầu tư Chứng khoán ở hành lang Quốc hội. |
"Hiện thị trường rất cần những chính sách kích cầu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nếu doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng lên thì thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng, thu nhập cá nhân cũng tăng lên, từ đó cũng thu được thêm thuế cho ngân sách Nhà nước", vị đại biểu nhấn mạnh
Chấp nhận "điều hành giật cục" để hỗ trợ doanh nghiệp
Ủng hộ quan điểm giảm thuế VAT có chọn lọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm nói rằng, không nên giảm thuế ở mức đồng đều với tất cả các mặt hàng mà cần có sự cân nhắc để định hướng tiêu dùng, để nền kinh tế phát triển lành mạnh, xã hội lành mạnh.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) - Ảnh: M.Minh |
Đại biểu phân tích, trong các mặt hàng chịu thuế 10%, Nghị quyết 43 đã cân nhắc một số lĩnh vực dù trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và thu được lợi nhuận lớn hơn trước như: chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, các dịch vụ vật tư y tế, thuốc men hay buôn bán hàng hoá online, các dịch vụ công nghệ...
"Về lý thuyết, các lĩnh vực không bị ảnh hưởng thì không cần hỗ trợ", ông Lâm nói.
Nhưng đó là giai đoạn năm 2022, hiện nay thì chứng khoán, bất động sản... đã khó khăn hơn trước. Trong khi đó, báo cáo của ngân hàng cho thấy các ngân hàng vẫn hoạt động tốt. Cũng có băn khoăn nhưng vì không có đánh giá tác động nên cũng khó hỗ trợ đồng đều như đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
"Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 43 đã đánh giá tác động thì cứ thế áp dụng trước đã cho kịp thời. Chính sách mà chỉ áp dụng 6 tháng thì đúng là giật cục, nhưng có kéo dài hay không lại phải đánh giá tác động tiếp. Nói chung, hoàn cảnh này phải chấp nhận "điều hành giật cục" để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Lâm nêu quan điểm.