Ông Lê Xuân Nghĩa.

Ông Lê Xuân Nghĩa.

Nên có giải pháp để các ngân hàng ngừng "xả" cổ phiếu

(ĐTCK-online) Trong thời điểm TTCK khó khăn hiện nay, UBCK có thể phối hợp với NHNN khuyến khích và yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế giải tỏa chứng khoán cầm cố để ngăn ngừa cơn lũ xả hàng; chính sách tiền tệ cũng có thể có những bước điều chỉnh để hỗ trợ sản xuất khi lạm phát có diễn biến theo chiều hướng tích cực, ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chính sách chiến lược, NHNN, đã chia sẻ với ĐTCK.

DN đang kêu cứu vì lãi suất cho vay của ngân hàng quá cao, tỷ giá VND/USD lại giảm, vậy chủ trương của NHNN đối với vấn đề này ra sao, liệu có sự điều chỉnh nào để hỗ trợ sản xuất trong thời gian tới?

Việt Nam đang thực hiện chính sách đồng nội tệ tăng giá và hiển nhiên dẫn đến 2 tác động: thứ nhất là đầu tư giảm sút do lãi suất tăng; thứ hai là lợi cho nhập khẩu, hại cho xuất khẩu. Đó là cái giá phải trả để chống lạm phát, nếu Chính phủ, NHNN và DN kiên trì chấp nhận giải pháp thắt chặt tiền tệ thì khi giá cả giảm mới có điều kiện giảm lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh lãi suất hàng tháng, hàng quý để hỗ trợ thị trường, NHNN Việt Nam cũng có thể hành động như vậy, song hiện chưa phải lúc.

Thắt chặt tiền tệ sẽ gây khó khăn cho DN, nhưng trong giai đoạn này, họ nên tìm biện pháp khắc phục. Chẳng hạn, lâu nay chi phí năng lượng, nhiên liệu ở DN còn cao, nay cần tiết giảm. Hay so với USD, VND tăng giá nhưng so với rổ tiền tệ gồm 19 đồng tiền khác (trong đó có USD) thì VND mất giá 12%. Vậy, về lý thuyết, chỉ có xuất khẩu sang Mỹ là bị thiệt, còn xuất khẩu sang các thị trường khác thì được lợi. Tuy nhiên, lâu nay họ có thói quen thanh toán bằng USD và ít sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro hối đoái như quyền chọn ngoại tệ... dẫn đến việc bị đối tác ép phải gánh chịu rủi ro về tỷ giá.

 

Vậy, khoảng bao lâu nữa mới có thể hy vọng một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, thưa ông?

Điều này phụ thuộc nhiều vào diễn biến lạm phát. Lạm phát có xu hướng giảm thì lúc đó mới nghĩ đến chuyện giảm lãi suất. Từ nay đến tháng 6, chính sách tiền tệ sẽ tương đối ổn định, để xem tác động đến lạm phát ra sao. Còn chuyện mua tín phiếu bắt buộc, tăng tỷ lệ dự trữ, chắc NHNN chỉ áp dụng đợt này thôi.

Tôi có thể nói rằng, hệ thống ngân hàng đang rất lành mạnh, nợ xấu thấp, tài sản cao, các ngân hàng chưa có lúc nào mạnh như bây giờ, chỉ có điều năng lực quản lý vĩ mô yếu khiến cả thị trường gặp một cú sốc quản lý. Cần nhận thức rằng, lạm phát là vấn đề trung hạn, sẽ phải giải quyết từ từ. Chính phủ cũng đã nhận ra rằng, để kiềm chế lạm phát có thể phải hy sinh tăng trưởng GDP, nhưng cũng không thể hy sinh quá khiến sản xuất điêu đứng.

 

Thị trường đang quan tâm tới việc rút hơn 50.000 tỷ đồng của Kho bạc Nhà nước gửi tại các ngân hàng quốc doanh về NHNN. Biện pháp này sẽ được thực hiện thế nào?

Theo tôi được biết thì đây mới là chủ trương, báo động cho các ngân hàng quốc doanh chuẩn bị, chứ NHNN chưa rút. Việc này khi thực hiện sẽ có tiến độ, tránh gây sốc và phản ứng mạnh trên thị trường.

 

Các ngân hàng cổ phần đang lo lắng về việc NHNN sẽ ban hành chỉ thị khống chế mức tăng trưởng tín dụng năm 2008 là 30%. Theo dự báo của ông, liệu can thiệp hành chính như vậy có được áp dụng để thắt chặt tiền tệ?

Chuyện áp dụng hạn mức tín dụng cứng nhắc, máy móc cho ngân hàng thương mại đã lạc hậu, lỗi thời. Yêu cầu của Chính phủ là NHNN điều hành, thắt chặt tiền tệ làm sao để tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm ngoái xấp xỉ 54% xuống 30% trong năm nay, chứ không phải ra một mệnh lệnh mang tính hành chính. Nếu áp 30% cho từng ngân hàng, sẽ có ngân hàng không đạt được mức tăng trưởng tín dụng như vậy vì thiếu vốn, trong khi có ngân hàng mới thành lập, chuyển đổi mô hình hoạt động, mới tăng vốn có nhu cầu tăng trưởng tín dụng trên 30% thì sao? Hơn nữa, có ngân hàng tỷ lệ an toàn vốn hiện rất cao, lên tới 15 - 20%, không cho ngân hàng đó tăng trưởng tín dụng thì đồng vốn làm sao có hiệu quả? Tôi tin là việc áp tỷ lệ tăng trưởng tín dụng có hạn mức như vậy sẽ không được Chính phủ chấp thuận. Còn việc có ngân hàng thương mại hiểu sai tinh thần của Công văn 319/TTg-KTTH và hành động sai là việc của họ, tôi tin NHNN sẽ không có chỉ thị nào về hạn mức tăng trưởng tín dụng.

 

Thắt chặt tiền tệ đang tác động mạnh đến TTCK và gần đây, nhiều CTCK đứng trước áp lực phải giải tỏa số cổ phiếu cầm cố tại ngân hàng. Theo ông, liệu có giải pháp nào để ngân hàng hỗ trợ TTCK?

Muốn thực hiện điều đó, các nhà hoạch định chính sách cần sâu sát thị trường, nghiên cứu, tính toán và định lượng được chi tiết lượng chứng khoán cần giải tỏa cầm cố là bao nhiêu. Trong trường hợp này, UBCK có thể là đầu mối chuyển tải mong muốn từ thị trường, phối hợp với NHNN để có giải pháp kêu gọi ngân hàng thương mại. Thực sự, theo số liệu thống kê thì số tiền cho vay kinh doanh chứng khoán không lớn, NHNN cũng có thể yêu cầu ngân hàng thương mại thực hiện giải pháp tạm thời là ngừng giải tỏa cổ phiếu cầm cố, hỗ trợ cho các nhà đầu tư dài hạn, đổi lại những ngân hàng đó sẽ được NHNN hỗ trợ. TTCK Hồng Kông từng rơi vào tình huống tương tự và Ngân hàng Trung ương Hồng Kông đã cho vay để ngân hàng ngừng giải chấp cổ phiếu. Điều quan trọng là thị trường diễn biến hàng ngày, trong khi hệ thống chính sách vận hành chậm, từ khi cơ quan quản lý nhận ra, vào cuộc cho đến khi những quyết sách đi vào thực tế cần một khoảng thời gian. Vì thế, rất cần thiết có sự phối hợp nhanh, chặt chẽ, nhưng cũng cần giải pháp để nhà đầu tư cũng phải nỗ lực.

 

Giá cổ phiếu ngân hàng xuống thấp, huy động vốn trên TTCK không còn là chuyện dễ dàng. Theo ông, liệu các ngân hàng có nhất thiết phải tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào năm 2010 như quy định?

Tham vọng tăng vốn thật nhanh sẽ đẩy giá cổ phiếu đi xuống. TTCK là vậy, đâu phải một mình anh có thể quyết định giá cả và số lượng. Nếu anh quyết định số lượng, người mua sẽ quyết định giá cả và ngược lại. Muốn thị trường tích cực hơn, Chính phủ phải có giải pháp khôi phục mạnh mẽ TTCK, hỗ trợ sản xuất, tạo niềm tin cho nhà đầu tư tham gia thị trường.

Yêu cầu ngân hàng thương mại phải tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng (vào năm 2010) được đưa ra ở thời điểm giá chứng khoán đang lên, giờ thị trường suy giảm, không ai ép họ được, đó là quyền tự quyết của mỗi ngân hàng.