"Nên bỏ án tử hình với tội tham ô”

"Nên bỏ án tử hình với tội tham ô”

(ĐTCK) Mặc dù cho rằng mình đang đi ngược chiều với dư luận khi đưa ra luận điểm này, nhưng ở góc độ pháp luật, TS. LS. Trịnh Văn Quyết, Tổng Giám đốc Công ty Luật SMiC, vẫn cho rằng, Quốc hội xem xét bỏ hình phạt tử hình trong các tội phạm có liên quan đến kinh tế.

Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Bộ luật Hình sự hiện hành của nước ta vẫn còn quy định 22 tội danh có hình phạt cao nhất là tử hình. Xin ông chia sẻ nhìn nhận của mình về hình phạt tử hình nói chung và quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự hiện nay?

Tử hình là tước đi tính mạng, tước bỏ quyền được sống của người bị kết án – quyền con người thiêng liêng nhất. Nói như vậy để thấy, đây là hình phạt rất đặc biệt và do vậy, chỉ được phép áp dụng trong trường hợp rất đặc biệt mà thôi.

Về nguyên tắc, hình phạt đặc biệt nghiêm khắc này chỉ áp dụng trong trường hợp Nhà nước phải loại bỏ hoàn toàn người phạm tội ra khỏi xã hội vì lợi ích chung của cộng đồng. Câu chuyện là phải đánh giá được thỏa đáng trường hợp nào Nhà nước phải, mà tôi muốn nhấn mạnh là “phải” chứ không phải là “nên”, tức không còn cách nào khác, loại bỏ người phạm tội đó ra khỏi xã hội.

Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Bộ luật Hình sự đã rút từ 44 (năm 1985) xuống còn 22 trường hợp “rất đặc biệt” mà người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt tử hình.

"Nên bỏ án tử hình với tội tham ô” ảnh 1

Theo ông Quyết, với một số tội danh có liên quan đến kinh tế, Nhà nước không nhất thiết phải loại bỏ người phạm tội ra khỏi xã hội

22 trường hợp này được chia thành 6 nhóm: Nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia như tội phản bội tổ quốc, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội gián điệp; nhóm tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe như tội giết người, tội hiếp dâm trẻ em; nhóm tội xâm phạm đến sở hữu như tội cướp tài sản; nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế như tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; nhóm tội phạm về ma túy như tội sản xuất trái phép chất ma túy, tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; nhóm tội phạm về chức vụ như tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ.

Việc sửa đổi theo hướng giảm những tội có hình phạt tử hình thể hiện sự thay đổi trong nhìn nhận của các cơ quan lập pháp về mức độ, tính chất nguy hiểm của các hành vi phạm tội. Việc sửa đổi giảm bớt tội có hình phạt tử hình cũng hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới, thể hiện sự coi trọng quyền được sống của con người hơn.

Mặc dù đã co gọn các trường hợp được coi là “rất đặc biệt” như vậy, tôi vẫn cho rằng cần tiếp tục co gọn hơn nữa. Cần phải có sự phân biệt, nhìn nhận rõ ràng hơn về lúc nào thì thực sự “phải” loại bỏ tính mạng, tước đi quyền thiêng liêng nhất của một con người và lúc nào thì “phải” dành cho người phạm tội một cơ hội được sống, cải tạo và rồi có thể trở về với cuộc sống bình thường của mình, cống hiến và đóng góp lại cho xã hội.

 

Vậy theo ông, trong 22 trường hợp nói trên, trường hợp nào không nên dùng án tử hình?

Tôi cho rằng đối với một số tội danh có liên quan đến kinh tế, Nhà nước không nhất thiết phải loại bỏ người phạm tội ra khỏi xã hội.

Nói đến tội danh liên quan đến kinh tế, tôi không chỉ muốn đề cập đến các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế như tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, mà đến cả các tội phạm về chức vụ như tội tham ô, tội nhận hối lộ.

Nhiều tội danh khác cũng không nhất thiết phải sử dụng hình phạt tử hình. Chẳng hạn như tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam quy định tại Điều 85 Bộ luật Hình sự, tước đi quyền được sống của người phá hoại tài sản có đáng không.

 

Vấn đề nên hay không nên bỏ đi hình phạt tử hình đối với các tội phạm kinh tế, đặc biệt là tội tham ô, nhận hối lội như Luật sư đề cập vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Xin ông chia sẻ tại sao lại nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội này?

Có lẽ tôi đang đi ngược lại dư luận khi nói ra quan điểm không ủng hộ việc áp dụng hình phạt tử hình đối với những cá nhân phạm tội tham ô, nhận hối lộ. Tôi hiểu mọi người đang rất phẫn nộ với tệ nạn tham ô, tham nhũng và Đảng và Nhà nước ta cũng đã và đang nghĩ trăm phương ngàn kế để xử lý quốc nạn này.

Tuy vậy, tôi vẫn cho rằng, không nên áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội này.

Trước hết cần phải khẳng định rằng không phải cứ tử hình mới tạo đủ sức răn đe.

Nhiều nghiên cứu và khảo sát ở nhiều nước trên thế giới thực hiện bởi Liên Hợp quốc và các nhà nghiên cứu nổi tiếng như Thorsten Sellin đã cho thấy, không có bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa hình phạt từ hình và giảm tỷ lệ phạm tội.

Khoa học tâm lý tội phạm học cũng đã chỉ ra rằng người phạm tội không tin rằng mình sẽ bị truy tố khi thực hiện hành vi phạm tội và họ cũng chẳng tỏ ra sợ sệt khi chưa có súng dí vào đầu tử hình.

Ở Việt Nam cũng vậy, Bộ luật Hình sự đã quy định tử hình rồi đấy và trên thực tế cũng đã kết án tử hình nhiều người rồi, nhưng tệ nạn tham nhũng có giảm đi đâu. Phản ánh của doanh nghiệp cho thấy tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí còn công khai. Thế mới có chuyện nhiều người bị bắt quả tang nhận hối lộ, nhiều quan chức bị ghi âm công khai yêu cầu hối lộ.

 

Vậy theo ông, làm cách nào để giảm được vấn nạn tham ô, tham nhũng hiện nay?

Tôi cho rằng chúng ta cần phải xem xét gốc của vấn đề tham nhũng là gì.

Theo tôi đó là do cơ chế hiện tại của chúng ta. Pháp luật không chặt chẽ, thực thi thì không nghiêm, tạo ra nhiều kẽ hở cho người có chức vụ quyền hạn tham ô tham nhũng. Vấn đề cần làm không phải là đi tử hình người lợi dụng hiểu biết và lợi dụng cơ chế để tham ô tham nhũng mà phải làm tốt cái khâu hoàn thiện thể chế, cơ chế đó.

Yếu tố chủ thể và động cơ phạm tội cũng là một lý do mà tôi không ủng hộ quy định hình phạt tử hình đối với các tội này. Chủ thể của tội tham ô, nhận hối lộ thường là những người có hiểu biết, có trình độ, có lý trí rõ ràng. Họ vì một động cơ tiền bạc mà phạm tội chứ không phải vì động cơ đê hèn mất hẳn nhân tính như giết người hay hiếp dâm trẻ em.

Cho dù tham ô đến hàng trăm tỷ đồng đi nữa thì họ cũng vẫn còn là con người và chúng ta không nên tước đoạt đi quyền được sống của họ. Nên tạo cơ hội cho họ để họ cải tạo tốt, thay đổi nhận thức để trở thành người có ích cho xã hội, đóng góp và công hiến trở lại. Đây cũng là cơ hội để nhà nước có thể thu hồi lại các khoản đã bị người phạm tội tham ô.

Các tội phạm kinh tế khác hẳn với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe như giết người hay hiếp dâm trẻ em. Phạm tội giết người hay hiếp dâm trẻ em thể hiện sự nguy hiểm đặc biệt, người phạm tội mất nhân tính rồi.

Cuối cùng, cần phải thẳng thắn nhìn vào lực lượng thực thi pháp luật hiện nay. Các vụ án kinh tế thường rất phức tạp, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có những trình độ nhất định, phải có hiểu biết sâu về lĩnh vực kinh tế xảy ra tội phạm. Đội ngũ cán bộ các ngành tư pháp hiện nay tôi e sẽ dẫn đến khả năng kết án sai. Tù sai thì còn có thể khắc phục được chứ tử hình sai thì không còn cách cứu vãn rồi.

>> Tử hình với tội phạm kinh tế, khi nào?

>>Cựu tổng giám đốc ALC II bị cáo buộc tư lợi 84 tỷ đồng

>>Truy tố các cựu lãnh đạo ALC II

>>Đại án ALC II: Nhiều ông lớn khó thoát

>> Xét xử thêm một "đại án" tham nhũng

>> Sẽ xử lưu động tội nặng tín dụng đen

>> “Đại án” Vifon: người tố cáo bị truy cứu