Thị trường OTC vẫn trong tình trạng “ngủ đông”, bất chấp thị trường niêm yết có xu hướng hồi phục trong thời gian gần đây. Cổ phiếu mất thanh khoản trên diện rộng ngay cả với cổ phiếu bất động sản và tài chính, ngân hàng. Trong khi các NĐT cá nhân khá “mệt mỏi” với cổ phiếu trên thị trường OTC, thì một số NĐT tổ chức, nhất là quỹ đầu tư nước ngoài, lại tích cực “đãi cát tìm vàng”, tìm kiếm cơ hội giải ngân.
Theo nguồn tin của ĐTCK, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) vừa hoàn tất thương vụ mua 5 triệu cổ phiếu (5% vốn điều lệ) của CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco), với giá 16.000 đồng/CP. Ngoài tiềm năng của Bianfishco, HBB mua cổ phiếu với mục tiêu tham gia quản trị, tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính để đưa DN này trở thành DN xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam. Hiện tại, nhà máy của Bianfishco được xếp vào loại lớn và hiện đại nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Không chỉ HBB, nhiều NĐT tổ chức trong và ngoài nước cũng đang nhắm đến những DN có tiềm năng trên thị trường OTC. Quỹ MB Japan Asia Fund (MBEF1) thuộc MBCapital có quy mô vốn 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn góp ban đầu là 200 tỷ đồng. Quỹ đi vào hoạt động từ tháng 6/2010, hiện đang trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư để giải ngân vốn.
Bà Trương Thị Hương Trà, Giám đốc Phát triển kinh doanh MBCapital cho biết, MBEF1 tập trung đầu tư vào các DN có quy mô vừa và nhỏ (SMEs), tiềm năng tăng trưởng cao và được quản lý tốt. Theo đó, các DN có giá trị DN từ 10 đến 20 triệu USD (khoảng 200 tỷ đồng trở lên), chưa niêm yết trên sàn giao dịch, có tình hình tài chính minh bạch và đang có nhu cầu vốn để tăng năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh chính là các cơ hội đầu tư tiềm năng cho Quỹ.
“Trong quá trình giải ngân cho MBEF1, MBCapital đã tiếp xúc với nhiều DN vừa và nhỏ. Thực tế cho thấy, nhiều DN vừa và nhỏ tuy làm ăn khá tốt nhưng vẫn gặp khó khăn, trong cả việc vay vốn ngân hàng cũng như thu hút vốn đầu tư từ các quỹ, do tính minh bạch không cao, đặc biệt là đối với các DN có tính chất gia đình. Hoạt động kinh doanh thực tế của DN tốt, nhưng lợi nhuận trên sổ sách vẫn rất thấp. Để có thể thu hút nguồn vốn đầu tư từ các quỹ và nhà đầu tư, các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là DN tư nhân cần phải làm ăn bài bản và minh bạch hơn”, bà Trà nói. Bà Trà cho biết, hiện Quỹ đang xúc tiến đàm phán đầu tư vào một số DN trên thị trường OTC.
Trao đổi với ĐTCK, bà Đặng Phạm Minh Loan, Giám đốc Đầu tư VinaCapital tiết lộ, hiện tiền mặt của Quỹ dao động từ 20 - 50 triệu USD. Công ty ưu tiên đầu tư vào các DN chưa niêm yết, với tiêu chí có nền tảng và tiềm năng tăng trưởng.
Hồi tháng 7, Quỹ VAF do Mekong Capital quản lý đã đầu tư 9,1 triệu USD để mua lại 2,7 triệu cổ phần, tương đương 6,7% vốn điều lệ CTCP Đầu tư Nam Long và trở thành 1 trong 10 cổ đông lớn của DN này. Lý do để Mekong Capital chọn Nam Long là DN này nhanh chóng đạt được lãi ròng cao nhờ giành được các khu đất nông nghiệp được định giá thấp tại các vị trí tốt, chuyển quyền sử dụng đất cho các khu đất đó thành đất nhà ở, xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho khu đất. Ngoài Nam Long, Mekong Capital còn mua cổ phần tại Trường Quốc tế Việt Úc.
Tuy nhiên, trong năm 2010, Mekong Capital đã thoái vốn tại một số DN trên thị trường OTC như Mai Sơn,
Quỹ VAF khai trương vào tháng 6/2007, chủ yếu mua cổ phiếu tại các công ty trước khi niêm yết. Đối tượng của Quỹ là các công ty tốt, đặc biệt là các DN có cam kết phát triện đội ngũ quản lý và lãnh đạo giỏi.
Quỹ Đông Nam Á (ASEAF) do Công ty Quản lý quỹ Aureos (Aureos Capital) thành lập thì nhắm đến những DN chưa niêm yết có quy mô vừa và nhỏ. Ông Đỗ Doãn Kiên, Trưởng đại diện Aureos Capital tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, nên nhiều DN giàu tiềm năng. ASEAF sẽ giải ngân vào các DN với thời hạn đầu tư từ 5 đến 7 năm. “Hiện chúng tôi đã tiếp cận một số DN và các khoản đầu tư sẽ được thực hiện trong quý I/2011”, ông Kiên nói.
Theo ghi nhận của ĐTCK, nhiều quỹ đầu tư đang tích cực đàm phán để mua cổ phiếu của các DN niêm yết. “Ăn theo” thông tin này, một số cổ phiếu OTC đã có thanh khoản trở lại, nhất là một số cổ phiếu của các DN hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng, lương thực - thực phẩm, có mức độ tăng trưởng cao. Vừa qua, thị trường xuất hiện thông tin VinaCapital đàm phán mua 12 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI), với giá 18.000 đồng/CP. Thông tin này chưa được kiểm chứng, nhưng cổ phiếu IDI đã “rục rịch” có thanh khoản trở lại.