Ông Louis Taylor

Ông Louis Taylor

NĐT nước ngoài sẽ “nhiệt tâm” với tín phiếu

(ĐTCK) Nhân lễ khai trương thị trường giao dịch tín phiếu tại Sở GDCK Hà Nội ngày 24/8 tới, báo ĐTCK đã có cuộc phỏng vấn với ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered.

Standard Chartered là ngân hàng quốc tế hàng đầu với lịch sử phát triển trên 150 năm. Với chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế tại những thị trường mới nổi trên thế giới, Standard Chartered đã tích cực đóng góp vào sự phát triển của ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam. Ngân hàng Standard Chartered là thành viên tham gia các phiên đấu thầu nhiều nhất, và từng được Kho bạc Nhà nước (KBNN) và Bộ Tài chính ghi nhận, biểu dương. 

Sở GDCK Hà Nội (HNX) dự kiến sẽ triển khai hệ thống giao dịch thứ cấp tín phiếu Kho bạc Nhà nước. Động thái này được nhìn nhận sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường trái phiếu. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, thưa ông?

Trước đây, tín phiếu không được giao dịch, khiến tính thanh khoản rất thấp, bất cứ tổ chức nào mua tín phiếu đều phải nắm giữ tới khi đáo hạn. Đây là lý do chính cho việc thị trường có nhu cầu rất thấp với loại hình này, kể cả khi các phiên đấu thầu được tổ chức hàng tuần khá thường xuyên.

Khi tín phiếu được cho phép giao dịch trên thị trường thứ cấp, nó mang lại lợi ích cho cả nhà phát hành (KBNN) và sự phát triển thị trường. Nhu cầu lớn về tín phiếu sẽ giúp Bộ Tài chính huy động vốn dễ dàng hơn khi cần thiết. Kỳ hạn tín phiếu ngắn, mức độ rủi ro thấp và mọi người có thể bán đi khi cần tiền mặt, vậy tại sao ta lại không mua? Một khi tín phiếu được phát hành với số lượng lớn, nó sẽ giúp phát triển thị trường tiền tệ ngắn hạn và là hy vọng cho thị trường trong tương lai. Ngân hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn để giữ tiền mặt khi thặng dư trong ngắn hạn thông qua việc đầu tư vào loại giấy tờ phi rủi ro này hơn là cho vay liên ngân hàng.

 

Việc mở ra kênh giao dịch thứ cấp cho tín phiếu KBNN có góp phần gia tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu?

Thị trường trái phiếu sẽ vẫn chuyển động theo lộ trình của nó, bởi nó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư khác nhau với những khả năng rủi ro khác nhau, vì trái phiếu thường có kỳ hạn dài hơn tín phiếu.

 

Tín phiếu KBNN được đưa vào giao dịch thứ cấp có ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư vào trái phiếu chính phủ (kỳ hạn 3 - 5 năm) hay có kỳ hạn dài hơn không, thưa ông?

Tôi cho rằng sẽ không có ảnh hưởng nhiều lắm. Mỗi nhà đầu tư sẽ có dòng tiền đầu tư của riêng họ với các kỳ hạn khác nhau. Mua trái phiếu và tín phiếu hầu hết với mục đích bảo hiểm rủi ro trong luân chuyển dòng tiền, cho nên thị trường luôn giữ các khoản đầu tư khác nhau cho những loại hình tài sản khác nhau. Bên cạnh đó, KBNN có thể luôn can thiệp để đảm bảo chắc chắn trái phiếu hấp dẫn hơn tín phiếu bằng việc phát hành tín phiếu ở mức lãi suất thấp hơn so với trái phiếu.

 

Ông dự báo thế nào về khả năng thu hút vốn nước ngoài của thị trường trái phiếu khi tín phiếu KBNN được đưa vào giao dịch thứ cấp?

Điều này sẽ mang đến một điểm tích cực cho thị trường đồng Việt Nam theo quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư này bị thua lỗ khá nặng ở Việt Nam suốt năm 2008 - 2009, chủ yếu do tính thanh khoản thấp của trái phiếu và thị trường ngoại hối, điều mà họ phải cân nhắc chủ yếu cho quyết định quay trở lại Việt Nam. Cho phép họ mua tín phiếu sẽ giải quyết gần nửa mối quan ngại đó.

 

Theo ông, Bộ Tài chính, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, HNX cần làm gì để hấp dẫn nhà đầu tư tham gia giao dịch thứ cấp tín phiếu KBNN?

Tôi nghĩ rằng, Bộ Tài chính nên tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu trái phiếu, tín phiếu thường xuyên như họ vẫn đang làm hiện nay và công bố kế hoạch phát hành hàng tháng. Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) có thể phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Sở GDCK Hà Nội để rút ngắn thời gian từ ngày đấu thầu tới ngày giao dịch đầu tiên. Ở rất nhiều nước, trái phiếu và tín phiếu có thể giao dịch ngay trong ngày phát hành. Quá trình chuyển đổi trái phiếu, tín phiếu từ VSD về Ngân hàng Nhà nước và ngược lại cũng nên được rút ngắn.