Ông Edward Lee.

Ông Edward Lee.

NĐT nước ngoài cần một chính sách tỷ giá có thể dự đoán

(ĐTCK-online) "Về tổng thể, việc phá giá quá nhanh đồng nội tệ sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính và khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại. Bởi chỉ khi các nhà đầu tư có niềm tin rằng, một thị trường ổn định với những dự đoán được về lợi nhuận thì họ mới ra quyết định đầu tư". Đó là quan điểm về tỷ giá của ông Edward Lee, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu chiến lược tỷ giá khu vực châu Á - Ngân hàng Standard Chartered.

Trong thời gian ngắn, tỷ giá của Việt Nam đã điều chỉnh ba lần. Theo ông, việc giảm giá nhanh đồng nội tệ sẽ tác động như thế nào tới tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài?

Việc đồng nội tệ ba lần được điều chỉnh giá so với USD trong năm qua của Ngân hàng Nhà nước  được các nhà phân tích cho rằng, cơ quan này đang hướng tới việc giữ đồng nội tệ trở nên cạnh tranh hơn, từ đó hỗ trợ cho xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đã có lợi thế là một nước có nguồn lực lao động cạnh tranh. Và tất cả hướng tới mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhưng về tổng thể, việc phá giá đồng nội tệ sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính và khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại. Bởi chỉ khi các nhà đầu tư có niềm tin rằng, một thị trường ổn định với những dự đoán được về lợi nhuận, họ mới ra quyết định đầu tư. Tiếp theo mới là khả năng rút tiền về nhanh khi cần sử dụng cho mục đích khác, mặc dù đôi khi thanh khoản là vấn đề khó có câu trả lời cuối cùng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn có rất nhiều điểm tích cực, ví dụ như có thị trường nội địa phát triển tốt, tình hình chính trị - xã hội ổn định, cạnh tranh về nguồn nhân lực...

 

Theo ông, đâu là nguyên nhân tỷ giá thị trường tự do tăng mạnh trong thời gian vừa qua? Tác động của vấn đề này đến kinh tế vĩ mô như thế nào?

Có 3 nguyên nhân, đó là: lạm phát; thâm hụt thương mại và kỳ vọng của người dân vào VND. Tất cả chúng ta đều đang suy nghĩ về kỳ vọng VND sẽ diễn biến thế nào? Và thông thường, sau mỗi lần đồng tiền giảm giá, người dân thường kỳ vọng một cách rất tự nhiên là đồng tiền sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Đây cũng là một trong những lý do nữa để chúng tôi tin rằng, tỷ giá trên thị trường chính thức sẽ tiếp tục giảm ở mức 19.900 VND/USD vào cuối năm 2010 và trên 20.000 VND/USD cuối năm 2011, tức tăng khoảng 6% so với hiện nay. Khả năng này xuất hiện bởi 2 yếu tố: Thứ nhất, xu hướng lạm phát tiếp tục tăng, cùng với giá hàng hóa lương thực toàn cầu đang tăng cũng khiến cho yếu tố này trở nên đáng quan ngại hơn. Thứ hai, tình hình thâm hụt thương mại còn xấu hơn so với cán cân thanh toán.

Đặc biệt, đồng Việt Nam yếu đi sẽ khiến gánh nặng nợ nước ngoài của Việt Nam lớn hơn.

Vậy những ưu tiên của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tỷ giá thời gian tới nên là những vấn đề gì, thưa ông?

Vấn đề quan trọng nhất là minh bạch thông tin. Các cơ quan có trách nhiệm cần chủ động thông tin cho thị trường để các nhà đầu tư yên tâm. Thông thường, thị trường không thích có những thay đổi mà họ không thể đoán định. Nếu chúng ta có thể cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin chắc chắn, thì điều đó sẽ rất tốt cho thị trường. Điều này sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến một yếu tố khác đó là niềm tin. Một chính sách tỷ giá ổn định sẽ xây dựng được niềm tin cho thị trường bằng việc thông tin kịp thời về những kế hoạch, chính sách, hành động… theo đúng những gì đã công bố. Ví dụ, không nên hôm nay tuyên bố sẽ giữ tiền đồng ổn định, nhưng lại hạ giá nó vào ngay ngày hôm sau. Đó là mối quan hệ "cài răng lược".

Chính phủ cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh chính sách tiền tệ dựa trên những nhu cầu của nền kinh tế. Ví dụ, nếu nhìn thấy rõ yếu tố lạm phát sẽ tăng cao trong năm tới do tăng trưởng GDP mạnh hơn và giá lương thực toàn cầu tăng, thì chúng tôi tin là Việt Nam sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, xây dựng được niềm tin thị trường.