Tuy nhiên sinh viên mới ra trường vẫn rất khó khăn trong tìm việc làm và thách thức thường gặp nhất của doanh nghiệp trong tuyển dụng là ứng viên không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn.
Tuyển dụng và việc làm
Theo Báo cáo, có 44,2% doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa có nhu cầu tuyển dụng trong năm tới. Phân tích nhu cầu tuyển dụng theo quy mô doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn có nhu cầu tuyển dụng cao hơn. Cụ thể, 64,1% doanh nghiệp có quy mô từ 100 đến dưới 1.000 lao động có kế hoạch tuyển dụng trong năm tới và con số này ở các doanh nghiệp quy mô trên 1000 lao động là 66,7%.
Nhu cầu tuyển dụng kế toán, kiểm toán của các doanh nghiệp tập trung vào nhân viên và trưởng nhóm/giám sát. Sinh viên mới ra trường không được quan tâm nhiều, chỉ có 7,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có nhu cầu này. Công việc cần tuyển trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được rải khá đều cho các lĩnh vực. Các doanh nghiệp nhỏ có khuynh hướng tuyển nhiều về kế toán tài chính và kế toán thuế. Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn quan tâm đến kế toán quản trị, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ.
Khá nhiều doanh nghiệp được hỏi cho biết thách thức họ gặp phải là ứng viên không đáp ứng yêu cầu chuyên môn (54,6%). Rất ít doanh nghiệp gặp khó khăn do không đủ ứng viên (7,2%) hoặc cạnh tranh giữa các nhà tuyển dụng (8,7%).
Phân tích nhu cầu tuyển dụng theo quy mô doanh nghiệp |
Bên cạnh sự quan tâm thường trực về sự thay đổi các quy định nghề nghiệp với sự đồng ý của 65,8% người được khảo sát, các lo lắng khác của người làm công tác kế toán, kiểm toán chủ yếu liên quan đến cuộc sống như vấn đề cắt giảm nhân sự (62,3%) và chi phí cho cuộc sống (57,1%). Sau đại dịch, có vẻ làm việc từ xa đã trở thành xu thế được chấp nhận rộng rãi trong nghề nghiệp. Có 57% cá nhân thích và rất thích làm việc từ xa trong khi 33,7% cá nhân xem điều này là bình thường.
Mặc dù chỉ có 9,6% người được hỏi cho biết họ chắc chắn thay đổi công việc trong thời gian tới nhưng có đến 41,7% trả lời sẽ thay đổi khi có điều kiện và 21,6% có nghĩ đến nhưng cho rằng chưa đến thời điểm thích hợp. Chỉ có 16,7% không có ý định và 10,4% chưa có suy nghĩ về vấn đề thay đổi công việc.
“Các lý do không hài lòng với công việc hiện tại khá đa dạng bao gồm khối lượng công việc lớn, yêu cầu trách nhiệm cao, thu nhập thấp và không có khả năng phát triển bản thân... Các lý do giữ chân người làm công tác kế toán, kiểm toán với công việc hiện tại cũng rất phong phú; trong đó nổi bật là cân bằng giữa cuộc sống và công việc, cơ hội học hỏi để phát triển năng lực bản thân và sự đam mê nghề nghiệp”, Báo cáo cho biết.
Giới tính và nghề nghiệp
Mẫu khảo sát hơn 800 cá nhân làm việc trong nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trên phạm vi cả nước cho thấy nữ giới tập trung khá cao ở vị trí nhân viên có kinh nghiệm (43,5%) so với nam giới (30%) nhưng lại chiếm tỷ lệ thấp ở các cấp bậc cao so với nam giới, đặc biệt ở cấp Phó giám đốc/Giám đốc tỷ lệ nữ giới chỉ là 6,3% trong khi nam giới là 15,4%.
Báo cáo cho biết, cảm nhận của hai giới tương đồng về đánh giá các tác động từ môi trường làm việc, nữ giới có tỷ lệ quan tâm cao hơn một chút về sự thay đổi của quy định, việc cắt giảm nhân sự và chi phí cuộc sống tăng lên.
Đánh giá về ảnh hưởng của công nghệ của nữ giới cũng tương đồng với nam giới, mặc dù họ nhấn mạnh hơn đến hiệu suất công việc và sự linh hoạt, thuận tiện hơn trong công việc, trong khi nam giới nhìn thấy nhiều hơn về khả năng gia tăng cơ hội việc làm. Họ cũng không lo lắng nhiều bằng nam giới về thách thức của công nghệ, trái lại có vẻ tự tin hơn đối với việc phải thay đổi thói quen làm việc và áp lực từ các bên liên quan. Nữ giới đánh giá thấp hơn nam giới về khoảng cách giữa yêu cầu thực tế và đào tạo trong nhà trường trên tất cả các phương diện kiến thức chuyên môn, khả năng ứng dụng công nghệ, kỹ năng mềm và kiến thức, kỹ năng bổ sung.
Nhân tố giữ chân người lao động với công việc hiện tại phân tích theo giới tính |
Đáng chú ý, tỷ lệ nữ giới có ý định rời khỏi công việc cao hơn nam giới. Ở mức độ “chắc chắn thay đổi” có đến 11% nữ giới được khảo sát chọn lựa so với 7,2% ở nam giới. Tương tự, mức độ “sẽ thay đổi khi có điều kiện” có 42,2% nữ giới được khảo sát chọn lựa so với 40,6% ở nam giới.
Khi được hỏi về lý do không hài lòng với công việc hiện tại, nữ giới có vẻ ít bị ảnh hưởng hơn so với nam giới về khối lượng công việc, yêu cầu về trách nhiệm cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, phải luôn học tập, cập nhật và ảnh hưởng xấu đến gia đình nhưng lại quan tâm nhiều hơn về thu nhập, khả năng phát triển bản thân và môi trường làm việc.
“Yếu tố hàng đầu giữ chân nữ giới với công việc hiện tại là cân bằng giữa cuộc sống và công việc, trong khi đó ở nam giới là sự đam mê nghề nghiệp”, Báo cáo cho biết.
Thế hệ và nghề nghiệp
Mẫu khảo sát cho thấy, thế hệ Z (dưới 25 tuổi) phần lớn chỉ ở vai trò nhân viên mới ra trường (70,9%). Thế hệ Y (từ 25 đến dưới 40 tuổi) hầu hết vẫn ở cấp bậc nhân viên có kinh nghiệm (46,9%) và trưởng nhóm (19,7%). Thế hệ X (từ 40 đến 60 tuổi) nắm vai trò lãnh đạo chủ chốt trong nghề nghiệp với 47,7% ở cấp lãnh đạo chuyên môn (Phó trưởng phòng/Trưởng phòng) và 23% ở cấp lãnh đạo chiến lược.
Báo cáo cho biết, tác động của môi trường làm việc đến nghề nghiệp có sự khác biệt đáng kể và có xu hướng chuyển tiếp theo tuổi tác. Càng lớn tuổi, các lo lắng liên quan đến quy định nghề nghiệp, cắt giảm nhân sự và chi phí cuộc sống càng giảm xuống nhưng sự quan tâm đến ảnh hưởng của công nghệ thông tin và làm việc từ xa càng tăng lên.
Lý do không hài lòng với công việc hiện tại phân tích theo thế hệ |
Liên quan đến tác động của công nghệ, thế hệ Z đánh giá thấp hơn về mức độ ảnh hưởng cũng như đánh giá thấp hơn các lợi ích mang lại về nâng cao hiệu suất làm việc, tính linh hoạt và thuận tiện trong công việc và đặc biệt là khả năng tăng cơ hội việc làm so với các thế hệ trước.
Ngược lại, thế hệ Z đánh giá cao hơn với hầu hết các thách thức liên quan đến công nghệ như tính phức tạp của công việc, cơ hội việc làm giảm xuống, áp lực từ các bên liên quan. Họ chỉ cảm thấy thoải mái hơn các thế hệ trước đối với việc phải thay đổi thói quen công việc do ảnh hưởng của công nghệ.
"Sau đại dịch và cùng với sự phát triển của công nghệ, làm việc từ xa là một xu hướng được ghi nhận. Tuy nhiên, thế hệ Z không đại diện cho xu hướng này với tỷ lệ thích và rất thích chỉ đạt 46,8%. Trong khi đó, con số này ở thế hệ Y là 56,2% và ở thế hệ X lên đến 62,6%", Báo cáo chia sẻ.
Về khoảng cách giữa yêu cầu công việc thực tế và đào tạo trong nhà trường, theo Báo cáo, mặc dù các thế hệ đều nhìn nhận khoảng cách đáng kể nhưng thế hệ Z đánh giá thấp nhất, thế hệ Y đánh giá cao hơn và thế hệ X đánh giá rất cao.
Thế hệ Z chỉ có 37,9% có ý định rời khỏi công việc hiện tại ở mức độ chắc chắn hoặc khi có điều kiện. Trong khi đó, con số này ở thế hệ Y lên đến 53,7% và ở thế hệ X là 50%. Lý do không hài lòng với công việc được cả ba thế hệ đồng ý là khối lượng công việc lớn và yêu cầu trách nhiệm cao. Thế hệ Z đặc biệt không hài lòng với thu nhập thấp trong khi thế hệ Y rất quan tâm đến vấn đề khả năng phát triển bản thân.
Về lý do giữ chân với công việc hiện tại, thế hệ Z chọn cân bằng giữa cuộc sống và công việc và cơ hội học hỏi để phát triển bản thân trong khi đối với thế hệ X, đó là sự đam mê nghề nghiệp và công việc linh hoạt, có thể làm việc tại nhà. Thế hệ Y có những lựa chọn ở giữa bao gồm sự đam mê nghề nghiệp sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Báo cáo dựa trên thống kê dữ liệu công khai của 128 trường đại học và 7 chi nhánh có đào tạo nhóm ngành Kế toán, Kiểm toán trên cả nước, với kết quả khảo sát của 471 doanh nghiệp và 833 cá nhân làm việc trong lĩnh vực này, được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 08 – 09/2023.