Cuộc cách mạng này không chỉ mang về cho Ấn Độ hàng tỷ USD, mà còn biến đất nước này thành văn phòng trung tâm của thế giới. Nghỉ hưu từ năm 2006, nhưng ông vẫn là Chủ tịch danh dự của tập đoàn này.
Đầu thập niên 1980, nhận thấy xu thế ngành công nghiệp phần mềm sẽ bùng nổ ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong khi Ấn Độ lại có một đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin đông đảo, Narayana Murthy luôn trăn trở với câu hỏi : “Tại sao không thành lập một công ty phát triển phần mềm phù hợp với các công ty phương Tây?”. Câu hỏi đó đã thôi thúc ông và các cộng sự thành lập ra Infosys năm 1981 và bắt đầu cho một cuộc cách mạng đưa Ấn Độ trở thành cường quốc xuất khẩu phần mềm.
Sớm nhìn ra cơ hội
Narayana Murthy và 6 cộng sự khởi nghiệp kinh doanh với số vốn khoảng 250.000 USD. Nhưng vốn ít chưa phải thách thức duy nhất, nhóm của ông đã vấp phải rất nhiều khó khăn do rào cản từ chính sách quản lý của Chính phủ Ấn Độ.
Thời điểm đó, để nhập khẩu một chiếc máy tính trị giá 300.000 USD, ông đã phải mất tới ba năm để hoàn thành các thủ tục và để đổi ngoại tệ ra nước ngoài một ngày, ông phải mất tới 15 ngày xin giấy phép từ Ngân hàng Trung ương Ấn Độ. Còn để lắp đặt điện thoại, nhóm của Murthy phải chờ đợi hai, ba năm. Hoàn cảnh lúc đó hoàn toàn bất lợi và vì thế, suốt 9 năm đầu, Infosys phát triển rất chậm chạp.
Năm 1990, Infosys có lợi nhuận gần nửa triệu USD và một nhà công nghiệp Ấn Độ đã đề nghị mua lại Công ty với giá 1 triệu USD. Các đồng nghiệp của Murthy rất hào hứng với lời đề nghị này, nhưng Murthy thì không.
Ông và các cộng sự đã có một cuộc tranh luận căng thẳng kéo dài bốn giờ đồng hồ. Murthy kiên quyết: “Chúng ta đã trải qua một chặng đường 9 năm dài khó khăn và tôi tin chúng ta sẽ thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm. Tôi không muốn bán Công ty, nếu các anh muốn bán thì tôi sẽ mua lại cổ phần của các anh”.
Để chứng minh cho quan điểm này, ông bắt đầu trình bày về những thay đổi đang diễn ra ở Ấn Độ khi Chính phủ nước này bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế. “Sớm hay muộn gì, những tắc nghẽn này sẽ được khơi thông, nên tôi không muốn từ bỏ Công ty”, Murthy nói.
Cuối cùng quan điểm của ông cũng nhận được sự đồng thuận của mọi người. Từ vốn đầu tư ban đầu 25.000 USD, hiện Infosys có giá trị thị trường 36 tỷ USD và các đồng sự đều phải công nhận ông là một thiên tài.
Thời gian đầu, không có những khoản vay từ ngân hàng và một trụ sở làm việc đàng hoàng, Infosys rất khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự giỏi. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng mỗi người trong nhóm ông đều là một nhà thiết kế hoặc lập trình viên tài ba. Họ quyết định đến một trung tâm đào tạo chuyên nghiệp và yêu cầu sinh viên thực hiện một đề bài trên máy tính. Sau đó, nhóm của ông giải đề bài ngay trước mặt họ. Hành động này tạo nên sự khác biệt của Infosys với các nhà tuyển dụng khác.
“Khi các sinh viên thấy bảy người chúng tôi giải quyết các bài toán một cách nhanh chóng, họ đã nghĩ rằng chúng tôi là những người tài giỏi và vì thế họ có hứng thú với công ty của chúng tôi”, Murthy kể lại.
Vị CEO luôn đến văn phòng lúc 6 giờ 20 sáng
Murthy luôn tâm niệm, để có thể thu hút người tài, Công ty phải tạo được môi trường thuận lợi cho việc mở mang tri thức, một chế độ đãi ngộ hấp dẫn, được tự do đề xuất, tranh luận và phản biện. Với ông, nếu doanh nghiệp tạo ra môi trường để những người trẻ không ngần ngại nói lên ý kiến của mình, họ sẽ tiếp tục cống hiến ý tưởng. Ông nói: “Có thể lần trước ý tưởng của họ bị bác bỏ vì nó chưa đủ tốt, nhưng lần sau họ vẫn có thể chắc chắn rằng nó sẽ có cơ hội thành công”.
Ông cũng nhận thấy rằng, người lãnh đạo phải là người làm gương cho nhân viên, từ những việc nhỏ nhặt nhất. Chẳng hạn, nếu ông yêu cầu họ đi làm sớm mà bản thân ông đến trễ thì chắc chắn họ sẽ không còn tin vào những điều ông nói. Vậy là, ông thường đến văn phòng vào lúc 6 giờ 20 phút sáng, để rồi sau đó các nhân viên của ông sau đó đều tự động đến sớm như vậy. Điều mà ông thường tâm sự với nhân viên là: để có được thành quả, cần phải siêng năng và có quyết tâm thực hiện.
Tư duy kinh doanh mang tính toàn cầu
Không thể phủ nhận thực tế, cuộc cải cách kinh tế năm 1991 đã giúp thay đổi các công ty như Infosys, vì việc đi công tác, mở văn phòng ở nước ngoài dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Infosys phát triển theo chiều hướng tốt từ năm 1992 trở đi. Nhưng để trở thành một đế chế phần mềm lớn mạnh như hiện nay, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 30% thì phải nhờ tư duy kinh doanh mang tính toàn của những người lãnh đạo Infosys.
Murthy nhớ lại, năm 1981, khi tiếp xúc với khách hàng ở Mỹ, họ đã mời ông và cộng sự uống trà và đối đãi rất tử tế, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Đối tác Mỹ nói rằng: “Đừng gọi cho chúng tôi, nếu có nhu cầu thì chúng tôi sẽ gọi công ty ông”. Nhóm của ông trở về và tự nhủ: “Infosys phải cải tiến cách thức phát triển phần mềm để có thể thu hút khách hàng ngoài nước”.
Đó là lúc ông cùng các cộng sự đưa ra khái niệm “mô hình cung cấp dịch vụ toàn cầu”. Về cơ bản, mô hình này chia nhỏ một dự án phát triển phần mềm với quy mô lớn thành hai dạng khác nhau. Dạng thứ nhất có tính tương tác cao, phải được thực hiện ngay tại cơ sở của khách hàng hoặc là ở nơi rất gần với khách hàng. Dạng thứ hai có tính tương tác thấp hơn nên có thể thực hiện từ xa. Trong vòng hai đến ba tháng đầu tiên, trong giai đoạn khách hàng cần cung cấp những dịch vụ bảo hành nhanh chóng và kịp thời, Công ty sẽ cử nhân viên của mình làm việc tại văn phòng của khách hàng để có thể khắc phục được những sự cố bất ngờ.
Đối với một dự án, khoảng 20-30% công việc sẽ được thực hiện tại văn phòng của khách hàng và phần còn lại được triển khai từ xa. Khách hàng sẽ có được các phần mềm chất lượng cao đúng thời hạn và trong phạm vi ngân sách cho phép.
Cuối những năm 1990, chỉ có khoảng 45 - 50% các dự án phần mềm được thực hiện đúng tiến độ và đúng ngân sách, phần còn lại thường bị bỏ dở giữa chừng. Hiện nay, Infosys đã có thể cung cấp các dự án với tỷ lệ thành công lên đến 95% đúng tiến độ và đạt chỉ tiêu về ngân sách.
Để củng cố lòng tin của khách hàng, Infosys đặt ra mục tiêu niêm yết công ty trên sàn chứng khoán Mỹ. Ngày 11/3/1999, mã chứng khoán của Infosys đã được niêm yết trên sàn NASDAQ. Ông nói: “Đó là một bước tiến vĩ đại của Infosys và ngành công nghiệp phần mềm Ấn Độ”.
“Kinh doanh phải có đạo đức”
Với Murthy, khách hàng là đối tượng duy nhất có thể mang lại lợi nhuận. Vì thế, trước mỗi bữa ăn, ông đều cầu nguyện cho khách hàng của mình. Theo ông, Infosys luôn phải đặt ra mục tiêu giành được lòng tin của khách hàng.
Với các nhà đầu tư, những người góp vốn cho Công ty, Murthy cho rằng, điều họ muốn là doanh nghiệp phải chủ động ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra và ở Infosys, có hai nguyên tắc: Một là, cần nói ngay những điều mà cảm thấy nghi ngờ; Hai là “Tin tốt thì có thể báo cáo từ từ, nhưng tin xấu thì phải báo cáo ngay lập tức”.
Murthy nhớ lại những ngày nhóm ông lên kế hoạch thành lập Infosys, bảy người sáng lập đã họp mặt tại căn hộ nhỏ bé của ông ở Mumbai để thảo luận về tôn chỉ, mục đích hoạt động của Công ty. Người đặt mục tiêu phát triển Công ty thành nhà sản xuất phần mềm có doanh thu lớn nhất Ấn Độ. Người khác lại đặt mục tiêu trở thành công ty có lợi nhuận lớn nhất Ấn Độ.
Còn ông nói: “Tại sao chúng ta lại không phát triển công ty để cho cả xã hội phải kính trọng, không chỉ trong lĩnh vực phần mềm mà còn trong các lĩnh vực khác. Muốn làm được điều đó thì doanh nghiệp không bao giờ lừa dối khách hàng, tuân thủ những quy tắc quản trị một cách nghiêm chỉnh, không vi phạm luật pháp, đối xử tốt với nhân viên. Nếu doanh nghiệp làm được những việc này thì lợi nhuận sẽ tự tìm đến”.
Narayana Murthy là thành viên sáng lập, Chủ tịch danh dự Công ty TNHH Infosys, doanh nhân đạt Giải thưởng EY Entrepreneur Of The Year (EOY) Ấn Độ 2002, doanh nhân đạt Giải thưởng EY Entrepreneur Of The Year (EOY) thế giới năm 2003 Ngành nghề kinh doanh: tư vấn kinh doanh; cung cấp các giải pháp, dịch vụ công nghệ và thuê ngoài bao gồm thuế ngoài ứng dụng, cơ sở hạ tầng, quy trình kinh doanh, dịch vụ khách hàng, kế toán tài chính, nhân sự và thu mua v.v |
Bốn bài học tạo nên sự thành công của Infosys Thứ nhất, một nhà quản lý doanh nghiệp thành công phải hiểu được giá trị mà công ty mang đến cho thị trường và cần thể hiện và truyền tài những giá trị này bằng ngôn ngữ đơn giản nhưng rõ ràng nhất. Thứ hai, ý tưởng phải được thị trường chấp nhận. Thứ ba, doanh nghiệp cần tuyển dụng những nhân viên có chung mục tiêu và có tính cam kết với giá trị của tổ chức. Thứ tư, nhà quản lý cần phải tập hợp không chỉ những con người có những điểm chung mà còn cần có những kỹ năng, chuyên môn và kinh nghiệm khác nhau. Narayana Murthy |