CEO Nano Morante.

CEO Nano Morante.

Nano Morante, đồng sáng lập, CEO PlasticPeople: Trao cho rác thải một vòng đời mới

0:00 / 0:00
0:00
Nano Morante và đội ngũ PlasticPeople - công ty chuyên sản xuất đồ nội thất từ rác thải nhựa - đã trao cho rác thải một vòng đời mới, cung cấp giải pháp tái chế bền vững cho môi trường.

Từ rác thải thành đồ nội thất, vật liệu xây dựng

“Nhựa và con người là vấn đề, nhưng nhựa và con người cũng là giải pháp. Đó là lý do chúng tôi đặt tên Công ty là PlasticPeople”, CEO Nano Morante chia sẻ về ý nghĩa tên Công ty do anh và đồng sáng lập Nesto Catalan đã lựa chọn.

Nano Morante (đến từ Argentina) và Nesto Catalan (người Tây Ban Nha) đã cùng nhau gây dựng PlasticPeople từ tháng 9/2019.

Trước khi thành lập Plastic People, Nano Morante là một nhà làm phim tài liệu, đầu bếp; còn Nestor Catalan làm trong ngành quảng cáo. Họ gặp nhau ở Việt Nam và cùng đi đến ý tưởng xây dựng một công ty sản xuất đồ nội thất từ rác thải nhựa, với mục tiêu cung cấp giải pháp tái chế bền vững cho môi trường, từ đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.

“Thời điểm ấy, nhiều người nói chúng tôi ‘điên’. Nhưng tôi tin rằng, ‘người điên’ sẽ thay đổi thế giới”, Nano Morante nhớ lại.

Sau hơn 4 năm thành lập, PlasticPeople đã tái chế được 800 tấn rác nhựa với tỷ lệ tái chế đạt 100%. Năm 2022, Plastic People lọt vào top 5 nhà đổi mới xuất sắc nhất của chương trình “Thử thách tái chế rác thải nhựa Đông Nam Á”.

Với số vốn chỉ 150 triệu đồng, đội ngũ sáng lập bắt đầu triển khai dự án bằng 2 chiếc máy nung và ép nhựa để nhờ trong khuôn viên của một trường quốc tế. Họ thu gom rác thải, sau đó phân loại, nghiền nát, phối trộn với nhau và đưa vào máy ép, tạo thành những tấm ván nhỏ xinh cỡ lòng bàn tay. Từ đây, những miếng lót cốc, chậu hoa, hộp đựng thìa, dĩa nhiều màu sắc… làm hoàn toàn từ nhựa tái chế đã ra đời.

Dần dần, PlasticPeople không chỉ xử lý những chất liệu thông dụng, mà còn thử sức mình ở những chất liệu “khó nhằn” hơn như vỏ bánh kẹo, hộp xốp, ống hút, cho đến bao bì dư thừa từ các nhà máy. Công ty tuyển thêm nhân sự, mở nhà xưởng riêng tại TP.HCM, mở rộng danh mục sản phẩm ra các nhóm đồ nội thất, vật liệu xây dựng có kích thước lớn như vách tường, mặt bàn.

Về giá bán, Nano Morante cho biết, nếu so sánh với vật liệu giá rẻ, tất nhiên sản phẩm của PlasticPeople đắt hơn. Nhưng so với vật liệu cao cấp, thì sản phẩm của họ lại rẻ hơn 10 - 15 lần, do không có hóa chất như keo dính, màu nhân tạo…, nhưng vẫn đảm bảo được tính chống thấm. Quan trọng hơn, PlasticPeople hầu như không có hàng tồn. “Tất cả là nhờ xu hướng bền vững đang phổ biến trên toàn cầu”, Nano Morante nói.

Bên cạnh nguồn rác thải từ các khu tập kết, nhà máy, doanh nghiệp, văn phòng, PlasticPeople còn có nguồn thu gom từ các hộ gia đình. Bằng cách thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về rác thải nhựa trong cộng đồng, PlasticPeople đã hướng dẫn cách phân loại rác và kêu gọi mọi người trở thành một phần của giải pháp mà start-up cung cấp. Hiện tại, thường xuyên có khoảng 400 gia đình tình nguyện gửi rác thải đã được phân loại đến PlasticPeople.

Mỗi khó khăn là một bài học

Thời điểm mới thành lập, hoạt động của PlasticPeople khá thuận lợi. Nhưng ngay sau đó, đại dịch Covid-19 ập tới. Nano Morante cùng các cộng sự tưởng như đã gục ngã nếu không có sự trợ giúp của một nhà đầu tư cá nhân để đi tiếp. Sang đến năm 2021, tình hình vẫn không mấy cải thiện, đơn hàng và doanh thu ít ỏi, đội ngũ PlasticPeople phải nỗ lực để cầm cự.

Nhớ lại giai đoạn khó khăn, Nano Morante nói rằng, Covid-19 đã dạy cho start-up bài học về khả năng thích ứng. Khó khăn cũng là lúc các nhà sáng lập nhận ra, họ không hề đơn độc. Thời điểm sát Tết Nguyên đán năm 2021, Nano rất lo lắng khi start-up không đủ tiền để thưởng cho nhân viên và rất có thể họ sẽ bỏ đi. Nhưng trái lại, đội ngũ nhân sự của Plastic People vẫn quyết định ở lại, cùng Công ty vượt qua thời kỳ khó khăn.

“Mọi người không chỉ làm việc với vai trò là nhân viên, mà còn là những người bạn, là gia đình thứ hai của tôi. Chúng tôi không bao giờ đơn độc. PlasticPeople được như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, bằng cách này hay cách khác”, vị CEO 43 tuổi bày tỏ.

Cuối tháng 9 vừa qua, PlasticPeople lại đứng trước thử thách khi toàn bộ khu nhà xưởng rộng 750 m2 tại TP. Thủ Đức chìm trong biển lửa. Thiết bị, máy móc, sản phẩm... gần như bị cháy rụi hoàn toàn, nhà xưởng chỉ còn lại những bức tường cháy đen.

“Chỉ trong 1 đêm, chúng tôi đã mất toàn bộ khoản đầu tư 4 năm qua và phải tạm dừng mọi hoạt động sản xuất”, Nano Morante kể. Song, thay vì khóc lóc, buồn bã, Nano Morante và đội ngũ của mình đã đứng dậy, tiếp tục tiến về phía trước. Họ đang gấp rút xây dựng lại nhà xưởng và nhận được sự ủng hộ từ nhiều tổ chức, cá nhân về cả tiền bạc lẫn hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ.

Với Plastic People, “recycling” không dừng lại ở nghĩa “tái chế”, mà còn là cho rác thải và cả con người một cơ hội sống thứ hai, thậm chí thứ ba. Nano Morante nhìn nhận biến cố lần này như một cơ hội đem tới sự sống mới cho doanh nghiệp, giúp PlasticPeople càng thêm bền vững và mạnh mẽ hơn.

“Thứ mất đi chỉ là tiền, còn cộng đồng và thương hiệu thì sẽ tồn tại. Plastic People sẽ xây lại từ đầu”, nhà đồng sáng lập tự tin khẳng định.

Tin bài liên quan