Một trong những điều kiện để được coi là công ty đại chúng là doanh nghiệp phải có vốn điều lệ đã góp tối thiểu 10 tỷ đồng, nhưng Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới, sẽ nâng mức vốn tối thiểu. Ông có đồng ý nâng vốn điều lệ tối thiểu không?
Theo quan điểm của tôi, các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã có vốn điều lệ bình quân 12,6 tỷ đồng, thì việc coi doanh nghiệp có vốn điều lệ 10 tỷ đồng là công ty đại chúng, được phát hành cổ phiếu để huy động vốn là quá dễ dàng.
Doanh nghiệp có vốn nhỏ thường có hiệu quả hoạt động không cao, nếu cho niêm yết cổ phiếu, huy động vốn, sẽ làm giảm chất lượng hàng hóa (cổ phiếu), làm loãng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) và ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định và phát triển của TTCK. Vì vậy, phải nâng mức vốn điều lệ tối thiểu lên, trước mắt là 30 tỷ đồng, sau đó có lộ trình tăng dần.
Một công ty đại chúng có mức vốn 30 tỷ đồng là quá thấp. Tại sao ông không đề nghị nâng vốn tối thiểu lên 50 tỷ đồng hoặc cao hơn nữa?
Theo thống kê, hiện có trên 81% công ty đại chúng có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, 69% có vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng trở lên. Như vậy, nếu nâng vốn tối thiểu lên ngay 30 tỷ đồng, thì có khoảng 19% số công ty đại chúng đang có vốn điều lệ tối thiểu dưới 30 tỷ đồng sẽ phải rời khỏi thị trường. Nếu nâng lên 50 tỷ đồng, thì con số này là 31%, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.
Đặc biệt, một lượng lớn doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường ngay sẽ gây xáo trộn rất lớn đến TTCK và hàng trăm ngàn nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp này. Khi cổ phiếu của doanh nghiệp nào đó không niêm yết trên TTCK chính thức nữa, việc mua đi, bán lại sẽ rất khó khăn, giá cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ “rớt thảm hại”, ảnh hưởng đến rất nhiều nhà đầu tư.
Vì vậy, tôi cho rằng, việc nâng vốn điều lệ tối thiểu của công ty đại chúng lên 30 tỷ đồng là bắt buộc, nhưng phải có thời gian chuyển tiếp. Ví dụ, sau 2-3 năm kể từ khi Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực, các công ty đại chúng phải có vốn điều lệ 30 tỷ đồng và sau 5 - 7 năm, mức vốn điều lệ tối thiểu sẽ nâng lên 50 tỷ đồng hoặc cao hơn. Doanh nghiệp nào không đáp ứng điều kiện này sẽ phải ra khỏi thị trường.
Thưa ông, để đạt mức vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng, 50 tỷ đồng, thậm chí cao hơn, chắc chắn sẽ không quá khó với doanh nghiệp và khi đạt mức vốn tối thiểu, trở thành công ty đại chúng, doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, khi đó chất lượng hàng hóa trên TTCK cũng không nâng lên được?
Phải quy định chặt chẽ điều kiện phát hành chứng khoán của công ty đại chúng.
Cụ thể, để được chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, thì ngoài có vốn điều lệ tối thiểu, doanh nghiệp phải có lãi liên tục 2 năm trước năm chào bán, không có lỗ lũy kế; có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu; có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết phải được chào bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn... Điều kiện về phát hành thêm cổ phiếu, phát hành trái phiếu để huy động vốn cũng phải quy định chặt chẽ hơn.
Trong trường hợp doanh nghiệp “bắt tay” với công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ, công ty kiểm toán, tổ chức xếp hạng tín nhiệm để “đánh bóng” bản cáo bạch, báo cáo tài chính, hoạt động sản xuất - kinh doanh, thì doanh nghiệp, công ty kiểm toán, tổ chức xếp hạng tín nhiệm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thậm chí, họ còn bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự đối với tội danh cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán hoặc tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Tôi cho rằng, mức xử phạt hiện nay đã đủ răn đe tổ chức, cá nhân nào cố ý vi phạm.
Theo Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, công ty đại chúng phải có tối thiểu 10% số cổ phiếu do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Nếu căn cứ theo quy định này, thì hàng loạt tổng công ty cổ phần, ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhiều ngàn tỷ đồng, nhưng Nhà nước nắm giữ 93-98% vốn sẽ phải rời khỏi TTCK?
Số lượng tổng công ty, ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 90% đang niêm yết trên TTCK không nhiều so với tổng số doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên TTCK, nhưng đều là những đơn vị có vốn vô cùng lớn.
Vì vậy, nếu hủy tư cách công ty đại chúng đối với những doanh nghiệp này, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này không được niêm yết cổ phiếu trên TTCK. Điều này sẽ tác động rất lớn đến thị trường và ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp, đặc biệt là phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối với tổng công ty, ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đã niêm yết trên TTCK, nhưng chưa đáp ứng điều kiện về số lượng nhà đầu tư nắm giữ cổ phần tối thiểu, theo tôi vẫn tiếp tục niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp này trên TTCK, đồng thời đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, phát hành thêm cổ phiếu.
Nhưng Nhà nước không mua thêm cổ phiếu mà bán lại quyền mua cho tổ chức, cá nhân để giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống dưới 90% theo lộ trình thoái vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Còn các tổng công ty, ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước khác chưa được coi là công ty đại chúng, thì buộc phải đáp ứng điều kiện mới được coi là công ty đại chúng và niêm yết cổ phiếu trên TTCK.