Tại sao là 13%?
Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, từ một thị trường giao dịch khá trầm lắng với thanh khoản thấp, đến nay, thị trường chứng khoán phái sinh đang cho thấy khả năng tăng trưởng mạnh mẽ với dòng tiền đầu tư tăng theo cấp số nhân.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, khối lượng giao dịch phái sinh đạt 4.187.579 hợp đồng trong quý II/2018, tương ứng giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hơn 417.784 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý I, nâng tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch phái sinh 6 tháng đầu năm lên 5.537.761 hợp đồng và khối lượng giao dịch bình quân 6 tháng đạt 45.767 hợp đồng/phiên, gấp 4,18 lần so với năm 2017.
Không chỉ tăng về quy mô giao dịch mà số lượng tài khoản giao dịch phái sinh cũng liên tục được mở với trung bình 150 tài khoản mở mới/ngày. Diễn biến này đã chứng tỏ sự quan tâm lớn của nhà đầu tư đối với chứng khoán phái sinh.
Khi mở cửa thị trường phái sinh, cơ quan quản lý đã có sự cân nhắc giữa các yếu tố rủi ro thị trường và tạo lực hấp dẫn dòng vốn đầu tư vào sản phẩm mới để quy định tỷ lệ ký quỹ 10%. Tuy nhiên, đến nay, dòng tiền tham gia thị trường phái sinh đã tăng trưởng rất nhanh, trong bối cảnh thị trường chung đang trong chu kỳ điều chỉnh, nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước tạo ảnh hưởng khiến chỉ số có những phiên biến động mạnh, buộc nhà quản lý phải tính toán lại tỷ lệ ký quỹ để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), tỷ lệ dao động của chỉ số VN30 đang tăng dần về gần các biên an toàn ước tính, nên việc đề xuất điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ lên 13% là phù hợp với bối cảnh hiện tại, nhằm phòng ngừa rủi ro mất khả năng thanh toán của nhà đầu tư.
Với quy định mới, không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi, tại sao lại là tỷ lệ 13% mà không phải con số nào khác? Thực tế, để đưa ra con số này, cơ quan quản lý đã có sự tính toán tương đối phù hợp dựa vào quy mô giao dịch của thị trường.
Theo VSD, mức đề xuất 13% nằm trong biên độ tính toán theo phương pháp luận đã công bố là phù hợp với tình hình biến động thị trường hiện nay và nằm trong biên độ tính toán dao động từ 11,2% đến 14,5%.
Mức tăng này cũng không quá cao để gây áp lực nộp bổ sung ký quỹ cho các nhà đầu tư khi chính thức đưa vào áp dụng, đồng thời tránh ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường.
Đồng quan điểm, giới phân tích cũng cho rằng, tỷ lệ 13% là phù hợp và sẽ không tác động nhiều đến thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cho rằng, tỷ lệ 13% là khá phù hợp và nhà đầu tư chỉ giảm bớt một chút tỷ lệ ký quỹ (margin) nhưng sẽ không mất đi tính hấp dẫn của sản phẩm phái sinh.
Với quy định mới, nhà đầu tư có thể phải tính toán lại các định hướng đầu tư ngắn và dài hạn để phân bổ nguồn vốn hợp lý, nhưng đây cũng là bước đi giúp dòng tiền giảm bớt sự tập trung quá mức ở thị trường phái sinh.
Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chiến lược thị trường Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), đây là quyết định đúng lúc và hợp lý. Nâng tỷ lệ ký quỹ từ 10% lên 13% sẽ tạo ảnh hưởng tích cực cho thị trường cơ sở và phái sinh.
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước một mặt phát ra tín hiệu mong muốn thị trường phái sinh tiếp tục phát triển qua việc can thiệp không quá lớn và ảnh hưởng không nhiều đến nhà đầu tư đang tham gia thị trường này, mặt khác thể hiện việc đang dõi theo sát sao và sẵn sàng điều chỉnh nếu có sự phát triển không đồng đều giữa các sản phẩm trên thị trường.
Điều này tạo tâm lý an tâm hơn cho nhà đầu tư tham gia thị trường cơ sở, đặc biệt là những nhà đầu tư lo ngại phái sinh có thể bóp méo thị trường cơ sở.
Phái sinh sẽ không giảm sức hút
Do độ co giãn lớn, những sản phẩm phái sinh có tỷ lệ margin cao sẽ dễ dẫn đến rủi ro mất khả năng thanh toán nếu có những biến động ngoài tầm kiểm soát.
Đây là lý do mà một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc có nhiều quy định khắt khe và thậm chí đòi hỏi người tham gia sản phẩm phái sinh phải có kinh nghiệm vài năm.
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phát triển những sản phẩm phái sinh, nên ngoài việc đưa ra những chính sách hấp dẫn dòng vốn đầu tư ban đầu thì trong dài hạn, cần có sự điều chỉnh kịp thời để gia tăng độ an toàn và phát triển bền vững của thị trường.
Hiện tại, câu hỏi ban đầu được đặt ra là việc nâng tỷ lệ ký quỹ có khiến thị trường chứng khoán phái sinh bớt đi sức hấp dẫn hay không? Là một nhà đầu tư tham gia cả thị trường cơ sở và phái sinh, anh Nguyễn Bình cho rằng, việc nâng tỷ lệ ký quỹ sẽ phần nào ảnh hưởng đến chiến lược giao dịch của nhà đầu tư và ít nhiều tác động đến giao dịch, giá trị giao dịch, nhưng sức hấp dẫn của các hoạt động giao dịch hợp đồng tương lai vẫn rất lớn.
Trong giai đoạn hiện nay, việc thị trường phái sinh có tác động đến thị trường chứng khoán cơ sở là có thực, bởi nhiều yếu tố đang thuận lợi cho thị trường này. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân nội chiếm tỷ trọng lớn, có khẩu vị ưa chuộng đầu cơ.
Việc sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, cộng với trading T+0 càng làm cho thị trường phái sinh trở nên hấp dẫn. Vì thế, việc nâng tỷ lệ ký quỹ là điều nên làm, bởi vừa làm lành mạnh cho cả 2 thị trường, vừa tạo ra sự an toàn cho nhà đầu tư, cũng như đưa phái sinh về đúng với vai trò hedging (phòng vệ).
Cũng theo nhà đầu tư này, nếu đem so sánh với thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường chứng khoán tại các nước phát triển thì tỷ lệ này còn thấp, thậm chí tỷ lệ ký quỹ sau này còn phải nâng cao hơn để thị trường làm đúng chức năng phòng ngừa rủi ro.
Thực tế, ở mỗi thị trường, tùy thuộc vào định hướng phát triển và các yếu tố riêng mà cơ quan quản lý quy định tỷ lệ ký quỹ khác nhau.
Theo HSC, tỷ lệ đòn bẩy hiện tại đối với sản phẩm hợp đồng tương lai ở Việt Nam là cao so với các sản phẩm hiện có trên thị trường, tuy nhiên là không cao nếu so sánh với tính đòn bẩy cho hợp đồng tương lai chỉ số được triển khai ở các thị trường khác như Mỹ, Nhật, hoặc ngay cả các thị trường trong khu vực như Hong Kong, Thái Lan…
Yếu tố ký quỹ chỉ là một phần trong những yếu tố cấu thành nên sự hấp dẫn của thị trường phái sinh. Vì thế, trong điều kiện thuận lợi thì thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.