Bài 3: Không thực hiện Thông tư 41, “bức tranh” sẽ chuyển màu xám
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại nước ngoài trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông có thể cho biết, tại sao lại lựa chọn tỷ lệ an toàn vốn là 8%?
Tôi đã hỏi rất nhiều chuyên gia tài chính thế giới, tại sao con số tỷ lệ an toàn vốn là 8%, thì phần lớn đều trả lời rằng, con số 8% được mặc định qua lịch sử của hệ thống ngân hàng trên thế giới. Bắt buộc trong 100 đồng tài sản phải có ít nhất là 8 đồng của mình còn 92 đồng là đi vay ở ngoài. Đòn bẩy tài chính 92/8, tỷ lệ đòn bẩy 11,5/1 là vừa. Một ngân hàng có tỷ lệ đòn bẩy lên quá cao như 15/1 hay 20/1, độ rủi ro rất lớn, vì vốn chủ sở hữu là một gối đệm cho sự thiệt hại của ngân hàng nếu xảy ra.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Ví dụ, ngân hàng có 100 đồng tài sản cho vay ra, bình thường thiệt hại 1 đồng thì còn 99 đồng, nếu thiệt hại 1 đồng có 8 đồng chủ sở hữu vẫn an toàn nhưng ngân hàng 100 đồng cho vay ra nợ xấu lỗ 10 đồng trong khi vốn chủ sở hữu có 8 đồng, vốn chủ sở hữu âm, nghĩa là phá sản kỹ thuật. Bên cạnh việc vốn chủ sở hữu là gối đệm chịu sự thiệt hại, thì vốn chủ sở hữu là đòn bẩy để kinh doanh: có vốn chủ sở hữu dồi dào, ngân hàng dễ dàng huy động vốn để kinh doanh.
Hoạt động tín dụng cũng dựa vào vốn chủ sở hữu: một món vay cho một khách hàng không thể vượt quá 15% vốn chủ sở hữu và cho vay tất cả các bên liên quan của khách hàng này không thể vượt quá 25% vốn chủ sở hữu. Cuối cùng, vốn chủ sở hữu là nguồn vốn để tậu các tài sản cố định và dài hạn như đầu tư vào công nghệ thông tin, hạ tầng cơ sở… Gối đệm càng lớn thì càng có khả năng chống chọi được với thiệt hại, rủi ro và hoạt động kinh doanh càng phát triển. Vốn chủ sở hữu càng thấp càng rủi ro, bởi chỉ cần vài món nợ lớn là có thể mất hết vốn chủ sở hữu và chấm dứt sự tồn tại của ngân hàng.
Chính vì sự quan trọng của vốn chủ sở hữu mà các ngân hàng phải bảo đảm bất cứ lúc nào vốn chủ sở hữu phải được duy trì ở mức độ phù hợp. Với Thông tư 41/2016/TT-NHNN thì tỷ lệ này tối thiểu là 8% sau khi các tài sản được tính toán với hệ số rủi ro. Các hiệp ước Basel 1, 2, 3 và sắp tới là 4 đều xoay quanh việc bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn phù hợp.
Lợi ích của việc tăng vốn điều lệ khá rõ ràng, nhưng giải pháp để triển khai có vẻ như đang vào ngõ cụt?
Bắt đầu từ nhiều năm trước, các ngân hàng đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, chính sách tín dụng, quy trình, quy định… thay đổi nhằm đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của Thông tư 41. Tuy nhiên, không phải không có ngân hàng nước đến chân mới nhảy nên sẽ phải hối hả, ráo riết để xây dựng đáp ứng yêu cầu Thông tư 41. Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là gây vốn để đáp ứng mức tối thiểu 8%, ngay cả một vài ngân hàng lớn nhất của Việt Nam đang có nguy cơ không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu vào đầu năm 2020.
Nếu một ngân hàng tính theo Thông tư 41 không đủ vốn tối thiểu 8%, bắt buộc phải tìm cách giải quyết:
Thứ nhất là tăng lợi nhuận. Sau khi trả cổ tức, lợi nhuận còn lại sẽ cộng vào trong vốn chủ sở hữu. Thứ hai là tăng vốn cấp 1 bằng cách phát hành cổ phiếu ra cho cổ động hiện hữu và cổ đông mới, đồng thời tăng vốn cấp 2 bằng cách phát hành trái phiếu có kỳ hạn ít nhất 5 năm và phát hành nợ thứ cấp. Thứ ba là sáp nhập với ngân hàng khác để vốn chủ sở hữu hợp nhất đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn.
Tuy nhiên, tất cả những nguồn vốn trên đều có điểm hạn chế như kêu gọi từ cổ đông hiện hữu; phát hành cổ phiểu cho cổ đông mới, tăng lợi nhuận để bổ sung vốn chủ sở hữu; phát hành trái phiếu, vay nợ thứ cấp tại thời điểm này đều không dễ dàng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm dẫn dắt thị trường, nhưng không còn hấp dẫn như trước.
Có một cửa ra là nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại vướng quy định pháp lý: một nhà đầu tư không thể nắm giữ quá 20% cổ phần; tất cả các nhà đầu tư nước ngoài không thể sở hữu quá 30% cổ phần của một ngân hàng.
Với các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, theo Quyết định 1058/QĐ-TTG của Thủ tướng ban hành ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, Chính phủ có thể xem xét cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua 100% một ngân hàng trong nước, nhưng đến nay chưa có thương vụ nào diễn ra.
Trừ Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia gần gũi với Việt Nam, thông hiểu văn hóa kinh doanh của Việt Nam và mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam, nhưng phần còn lại của thế giới khá đắn đo khi đầu tư vào ngành ngân hàng, vì ngành này còn non trẻ, xảy ra nhiều sai phạm trong quá khứ…
Nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cho phép họ mua cổ phần với tỷ lệ 51%, để họ có thực quyền kiểm soát đồng vốn họ đầu tư. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền đầu tư nếu họ có thực quyền nắm quyền quản trị để tái cơ cấu và kinh doanh ngân hàng theo kế hoạch của họ.
Nếu chúng ta duy trì tỷ lệ cổ phần tối đa 20% cho cổ đông nước ngoài thì khó có thể kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn tham gia chương trình tái cơ cấu một số ngân hàng.
Theo ông, Thông tư 41 liệu có được triển khai đúng hạn?
Quan điểm của tôi cho rằng sẽ trễ hẹn. Trong 10 ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước thí điểm thực hiện Basel 2, hiện mới có 2 ngân hàng là Vietcombank và VIB được cấp giấy chứng nhận hội đủ điều kiện và cấp giấy chứng nhận áp dụng Thông tư 41 trước hạn.
Một ngân hàng không nằm trong danh mục 10 ngân hàng thí điểm thực hiện Basel 2 là OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chứng nhận và cho phép áp dụng Thông tư 41 trước hạn. Còn các ngân hàng khác, chưa biết là việc thực hiện đến đâu, trong khi đó, ngay cả nhóm những ngân hàng được cho là mẫu mực nhất hệ thống chưa thấy có thông báo. Tôi dự đoán, “cuộc hẹn” tháng 12/2019 sẽ bị trễ hẹn ít nhất với 1/3 số ngân hàng.