Nâng tiêu chuẩn lên sàn và mở lối cho Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR)

Nâng tiêu chuẩn lên sàn và mở lối cho Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR)

(ĐTCK) Trước than phiền của nhà đầu tư, chuyên gia về hiện trạng hàng hóa trên thị trường chứng khoán vàng thau lẫn lộn, chất lượng hạn chế, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này sẽ được đề xuất tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu trong ít ngày tới.

Chất lượng hàng hóa nhiều hạn chế

Không khó để nhận thấy, những năm gần đây, lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán trong nước tăng khá nhanh. Theo Bộ Tài chính, nếu như năm 2006, thị trường chứng khoán chỉ có khoảng 200 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa khoảng 221.156 tỷ đồng (chiếm khoảng 22,7% GDP), thì đến cuối năm 2018 đã có 1.553 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn HOSE, HNX và UPCoM, với giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng 3.961.000 tỷ đồng (tương đương 71,6% GDP năm 2018).

Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng nhanh về lượng, sự đa dạng về chủng loại hàng hóa, cũng như chất lượng hàng hóa còn nhiều điều đáng suy ngẫm. Quá nửa trong tổng số 1.553 doanh nghiệp trên sàn là đăng ký giao dịch trên UPCoM, với tình trạng thông tin kém minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM), với hàng loạt lãnh đạo công ty này dính án tù do phạm tội thao túng chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức… là một ví dụ điển hình.

“Trên thị trường, có những điều tiếng về một số doanh nghiệp tăng vốn ảo, làm đẹp báo cáo tài chính trước khi đưa cổ phiếu lên sàn, cơ quan quản lý phần nhiều căn cứ trên hồ sơ để xem xét chấp thuận hay không cho doanh nghiệp lên sàn, nên nhà đầu tư có lý do để quan ngại về chất lượng hàng hóa trên sàn. Sau gần hai thập kỷ phát triển, hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn đơn điệu, quanh đi quẩn lại chỉ là cổ phiếu, với các hình thức giao dịch sơ khai, thiếu tính linh hoạt (chưa được bán chứng khoán chờ về, chưa được giao dịch trong ngày...”, một nhà đầu tư ở Hà Nội than phiền.

Liên quan đến chất lượng minh bạch thông tin doanh nghiệp, theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nếu như trong năm 2017, cơ quan này ban hành 214 quyết định xử phạt thì con số này trong năm 2018 là 397 trường hợp. Số lượng vi phạm về báo cáo và công bố thông tin luôn chiếm trên 50% tổng số vi phạm bị xử phạt. Các lỗi vi phạm phổ biến về minh bạch thông tin gồm: công bố thông tin, báo cáo không đúng hạn; công bố thông tin không chính xác; không công bố thông tin... Việc công bố báo cáo tài chính còn chậm, số liệu sai sót. Một số doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa chủ động công khai các thông tin về tình hình hoạt động, tình hình sử dụng vốn, quản trị công ty. Cơ cấu và tư cách thành viên hội đồng quản trị chưa đáp ứng quy định 1/3 thành viên hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập áp dụng cho công ty niêm yết... 

Ðề xuất “làm mới” hàng hóa

Ðể “làm mới” hàng hóa cho thị trường, các giải pháp mà nhà quản lý đưa ra theo hai hướng: Vừa nâng cao chất lượng hàng hóa, vừa triển khai các sản phẩm mới nhằm thay đổi hiện trạng hàng kém chiếm đa số hiện nay.

Ở khía cạnh nâng cao chất lượng hàng hóa, một trong những điều kiện cơ quan soạn thảo dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đưa ra là nâng các tiêu chuẩn về công ty đại chúng. Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về bản dự thảo Luật Chứng khoán mới nhất được tổ chức cuối tuần qua, ông Lê Công Ðiền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sau nhiều vòng thảo luận, bản dự thảo chuẩn bị trình ra Quốc hội cho ý kiến đã điều chỉnh nội dung về công ty đại chúng. Theo đó, công ty đại chúng là công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ, thay vì có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ như các bản dự thảo trước...

Trả lời câu hỏi về cơ sở để đưa ra đề xuất nâng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, chứ không phải một con số khác, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, quy mô vốn điều lệ 10 tỷ đồng trở lên tại thời điểm ban hành Luật Chứng khoán 2006 là phù hợp, nhưng tương đối thấp so với các doanh nghiệp hiện nay.

Thực tế cho thấy, các công ty đại chúng có quy mô vốn quá nhỏ sẽ khó khăn trong việc trang trải các nghĩa vụ của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán như nghĩa vụ nộp phí quản lý công ty đại chúng; nghĩa vụ đăng ký chứng khoán, đăng ký niêm yết/giao dịch trên thị trường chứng khoán; chi phí cho nghĩa vụ công bố thông tin (lập website và thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin qua website, thiết lập hệ thống và thực hiện công bố thông tin qua hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…); nghĩa vụ quản trị công ty; chi phí kiểm toán bắt buộc theo quy định của Luật Chứng khoán…

“Mức vốn 30 tỷ đồng được Ban soạn thảo đưa ra, ngoài tương đương với các thị trường trong khu vực ASEAN, còn vì hiện có trên 80% doanh nghiệp trên hai sở đạt mức vốn này. Thêm vào đó, điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng khi niêm yết trên HNX cũng là 30 tỷ đồng…”, bà Phương cho hay.

Về hướng đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự thảo Luật Chứng khoán có một số sửa đổi để mở đường cho phát hành Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Xét về mặt kỹ thuật, chỉ còn vướng duy nhất là quyền biểu quyết của những nhà đầu tư nắm giữ NVDR sẽ thuộc về ai (Thái Lan hủy quyền biểu quyết này). Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với cơ quan soạn thảo dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi để có hướng tháo gỡ trong thời gian tới.

“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nghiên cứu thêm một số hướng để tháo gỡ vướng mắc cho triển khai NVDR. Trong đó có hướng điều chỉnh một số quy định về mặt kỹ thuật đối với sản phẩm chứng quyền có đảm bảo là có thể thay thế được NVDR…”, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh cho hay.     

TTCK phải đảm đương tốt hơn vai trò cung ứng vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp

Ðại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã được niêm yết trên TTCK. Chúng ta đã gắn hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Từ đó, tạo ra nhiều mặt hàng mới cho thị trường. Ðiều này giúp cho vốn hóa của thị trường cổ phiếu những năm gần đây tăng lên nhiều và đã tăng đạt trên 71% GDP.

Sự phát triển khá tích cực của TTCK thời gian qua đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho thị trường tiền tệ trong cung ứng vốn cho các doanh nghiệp. Ðây là kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển TTCK thành kênh cung ứng vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp, việc sửa đổi Luật Chứng khoán tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội là cần thiết theo hướng nâng tầm để đáp ứng các yêu cầu phát triển thị trường trong bối cảnh mới.

Chưa bổ sung nghiệp vụ ngân hàng đầu tư vào dự thảo Luật

Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK 

Có ý kiến đề xuất nên bổ sung nghiệp vụ ngân hàng đầu tư vào dự án Luật Chứng khoán, để rộng đường cho công ty chứng khoán cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Thực ra, nội dung này đã được tính đến khi sửa Luật Chứng khoán vào năm 2010, nhưng đã không được đưa ra vì nếu bổ sung vào luật thì phải cấp phép hoạt động cho một thực thể là ngân hàng đầu tư. Ðiều này là trái với Luật Các tổ chức tín dụng. Ðây cũng là thông lệ, bởi ở các nước, đã là pháp nhân không hoạt động trong lĩnh vực vực ngân hàng thì không được sử dụng từ ngân hàng trong hoạt động cấp phép, nó không tương thích với pháp luật ngân hàng.

Mặt khác, qua tham khảo pháp luật chứng khoán của các nước, hầu như đều không có khái niệm ngân hàng đầu tư. Chỉ riêng ở Malaysia có quy định về nội dung này trong pháp luật chứng khoán. Do đó, để tương thích với pháp luật ngân hàng, tránh sự nhầm lẫn, gây hiểu lầm, đồng thời với định hướng phát triển công ty chứng khoán theo mô hình đa doanh, đa nhiệm vụ, nên dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lần này không bổ sung khái niệm ngân hàng đầu tư.

Tin bài liên quan