Nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh

0:00 / 0:00
0:00
Rất nhiều điểm du lịch tại Việt Nam được du khách trong và ngoài nước biết đến và trở nên nổi tiếng hơn nhờ các bộ phim điện ảnh “ăn khách”. Điện ảnh và du lịch gắn kết phát triển sẽ mang lại hiệu quả đặc biệt, góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam.
Sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra mắt, Phú Yên đã trở thành sự lựa chọn của nhiều du khách. Trong ảnh: Du khách tới thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Ghềnh Đá Đĩa - điểm du lịch nổi tiếng tại Phú Yên.

Sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra mắt, Phú Yên đã trở thành sự lựa chọn của nhiều du khách. Trong ảnh: Du khách tới thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Ghềnh Đá Đĩa - điểm du lịch nổi tiếng tại Phú Yên.

Du lịch tỏa sáng nhờ phim “ăn khách”

“A tourist’s guide to love” (Bí kíp tình yêu của một du khách) - bộ phim đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép sau đại dịch Covid-19 chiếu trên Netflix vào tháng 5/2023 - đã gây sốt tại Việt Nam và nhiều quốc gia, tạo ra một làn sóng mới cho hoạt động quảng bá du lịch sau đại dịch.

Cùng với những thước phim sống động, bộ phim còn tái hiện vẻ đẹp của hàng loạt danh thắng tại Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), Đà Nẵng và Hà Giang. Bộ phim đã lọt vào top 10 ở 78 thị trường tại châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương chỉ sau một thời gian ngắn. Nhiều du khách bày tỏ, sau khi xem bộ phim này, họ muốn được đến Việt Nam.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bộ phim đã mang đến giá trị lớn và rất có ý nghĩa trong việc quảng bá du lịch Việt Nam, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, khi mà xu hướng du lịch của khách quốc tế đã thay đổi.

Trước đó, nhiều địa danh Việt Nam cũng đã được du khách để mắt tới thông qua những bộ phim điện ảnh đình đám. Điển hình như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, ra mắt năm 2015, đạt doanh thu 80 tỷ đồng, lập kỷ lục doanh thu phòng vé tại Việt Nam vào thời điểm phát hành. Sau đó, vùng đất Phú Yên, nơi được chọn làm bối cảnh chính trong phim, đã trở thành sự lựa chọn của nhiều du khách, lượng khách du lịch đến Phú Yên tăng mạnh.

Bộ phim “Chuyện của Pao” với hình ảnh núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng, con người nồng hậu, ấm áp tại Hà Giang - vùng đất địa đầu Tổ quốc - cũng đã giúp Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Bản Sủng Là, huyện Đồng Văn trở thành điểm tham quan không thể thiếu của du khách trong hành trình đến với Hà Giang.

Việt Nam có vô vàn cảnh đẹp, không ít di tích lịch sử hấp dẫn, di sản văn hóa đặc sắc ở khắp các vùng miền, có thể làm bối cảnh cho nhiều bộ phim. Kinh nghiệm của nhiều nước cũng cho thấy, du lịch và điện ảnh “bắt tay” cùng phát triển sẽ mang lại lợi ích kép rất hữu hiệu.

Việc quảng bá một địa danh thông qua điện ảnh luôn đem lại hiệu quả nhất định. Từ cách đây hàng thập kỷ, nhiều bộ phim nước ngoài đã được quay tại Việt Nam, gây sửng sốt với khán giả trên thế giới bởi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được thể hiện tuyệt đẹp trên phim.

Các địa điểm quay phim của nhiều tác phẩm điện ảnh sau khi kết thúc đã trở thành những điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Việc phát triển du lịch thông qua các sản phẩm điện ảnh có hiệu quả tốt, minh chứng cho sự đóng góp quan trọng của điện ảnh trong việc quảng bá đất nước, con người Việt Nam cũng như sự phát triển của du lịch Việt Nam.

“Các hoạt động điện ảnh đã tác động tích cực đến nhiều điểm du lịch. Không chỉ riêng Việt Nam, mà cả thế giới đều chứng kiến những bộ phim thành công đã góp phần giúp địa điểm quay phim tỏa sáng, trở thành những điểm đến hấp dẫn”, ông Hà Văn Siêu đánh giá.

Tạo cơ chế, thu hút vốn đầu tư

K-Pop, thời trang Hàn Quốc, du lịch Hàn Quốc... trở thành trào lưu thịnh hành, có sức lan tỏa trên toàn thế giới một phần nhờ xuất phát điểm từ điện ảnh, họ hướng tới việc đưa điện ảnh ra nước ngoài để tạo sức mạnh mềm quảng bá thương hiệu nội địa. Đây là hướng đi mà rất nhiều nước đều áp dụng.

Tại Việt Nam, điện ảnh được coi là cầu nối gắn bó chặt chẽ với hội nhập quốc tế, một hình thức nghệ thuật đạt được nhiều kết quả đáng tự hào khi hội nhập. Điện ảnh cũng là ngành đi đầu trong phát triển, cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây là ngành duy nhất đạt vượt mức kế hoạch đặt ra, vượt mốc doanh thu 4.000 tỷ đồng trước đại dịch Covid-19.

Quảng bá du lịch thông qua điện ảnh mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên, với Việt Nam, đây vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ, việc khai thác vẫn đang ở những bước đầu. Do đó, đòi hỏi cần sớm có những chính sách, đầu tư phù hợp để nâng cao hiệu quả phát triển thương hiệu du lịch qua các tác phẩm điện ảnh, góp phần tích cực thu hút thêm du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Tại Diễn đàn Du lịch - Điện ảnh Việt Nam năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa của sự kết hợp giữa hai lĩnh vực này nhằm quảng bá trực tiếp cho các nhãn hiệu hàng hóa, khách sạn, sản phẩm của du lịch gắn với điện ảnh. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhãn hàng sẽ trực tiếp làm việc, kiến nghị các chính sách để phát triển thương hiệu du lịch thông qua điện ảnh.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, mỗi kỳ tổ chức Giải thưởng Cánh diều ở Nha Trang là một lần hình ảnh thiên nhiên, con người của địa phương được truyền thông, quảng bá rộng rãi ở trong nước, quốc tế. Nha Trang sẽ là nơi hội tụ đông đảo nghệ sĩ tên tuổi trong các lĩnh vực nghệ thuật, tạo sức ảnh hưởng hỗ trợ địa phương đẩy mạnh quảng bá du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định tầm quan trọng của điện ảnh trong quảng bá hình ảnh đất nước, lợi ích mà ngành công nghiệp điện ảnh mang lại và bước đầu có chính sách, đầu tư phù hợp để thực hiện chiến lược phát triển điện ảnh quốc gia. Việc gắn kết giữa điện ảnh và du lịch sẽ là bước tạo đà khởi động nhằm tiến tới tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần phát triển điện ảnh và du lịch quốc gia trong tương lai.

Muốn thực hiện được các mục tiêu này, không chỉ cần sự hỗ trợ của Nhà nước, mà còn cần tăng cường huy động các nguồn vốn theo phương thức xã hội hóa. Quan trọng hơn, ngành du lịch và điện ảnh phải xây dựng được những kho dữ liệu về các địa điểm, danh lam, thắng cảnh, dịch vụ lưu trú... có thể dùng làm bối cảnh quay của phim. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần đưa ra những quy trình đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam ghi hình.

Tin bài liên quan