Nâng tầm thị trường chứng khoán Việt: Những điểm cần hoàn thiện

Nâng tầm thị trường chứng khoán Việt: Những điểm cần hoàn thiện

(ĐTCK) Nếu như nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) thúc đẩy sản xuất, thì vốn đầu tư gián tiếp (FII) lại có tác động kích thích thị trường tài chính, thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng quy mô và tăng tính minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn mới; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp...

Việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đã, đang và sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán, giúp cho thị trường tài chính hoạt động hiệu quả hơn, xác lập giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết một cách chuyên nghiệp, giảm thiểu ảnh hưởng của nhân tố “phi thị trường” và góp phần giải quyết một cách cơ bản các mối quan hệ kinh tế (vốn, công nghệ, quản lý…).

Nhà đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn khi tham gia giám sát hoạt động quản trị công ty và thực hiện công bố thông tin tại thị trường Việt Nam.

Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) hiện cung cấp dịch vụ lưu ký chứng khoán cho hơn 50% tổ chức đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Chúng tôi thường xuyên nhận được phản hồi của nhà đầu tư nước ngoài về các chính sách, khuôn khổ pháp lý cũng như hoạt động vận hành trên thị trường.

Phản hồi của nhà đầu tư nước ngoài là khách hàng cho thấy bước tiến bộ rõ rệt của TTCK Việt Nam kể từ khi thành lập đến nay cũng như những cải thiện mà nhà đầu tư mong muốn trong tương lai.

Về công bố thông tin

Các quy định về công bố thông tin ngày càng được cụ thể hóa và được cung cấp không chỉ bởi các tổ chức niêm yết, nhà đầu tư và tổ chức trung gian, mà còn cả các tổ chức quản lý và vận hành thị trường như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD). Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp phải những khó khăn nhất định để hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin theo nhóm.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) 

Đối với việc chỉ định đại diện công bố thông tin của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan, hiện nhà đầu tư cũng không rõ khi có một quỹ mới hoặc quỹ cũ thôi tham gia vào thị trường thì việc thông báo bổ sung vào hoặc loại bỏ quỹ ra khỏi nhóm tới các cơ quan quản lý được thực hiện như thế nào? Liệu các nhà đầu tư trong nhóm có phải ký đi ký lại giấy chỉ định/ủy quyền cho đại diện công bố thông tin mỗi khi có sự thay đổi của thành viên trong nhóm hay không?

Trên thực tế, việc ký các giấy chỉ định/ủy quyền này rất tốn thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Các thủ tục này cần được tối giản hóa. Bên cạnh đó, việc báo cáo, công bố thông tin của nhóm tới các cơ quan quản lý cũng qua các phương thức khác biệt nhau, cụ thể, việc gửi báo cáo tới UBCK sắp tới sẽ qua cổng giao tiếp điện tử với xác thực bằng chữ ký số, còn gửi báo cáo tới các sở giao dịch chứng khoán, VSD vẫn thực hiện bằng bản giấy.

Như vậy, với cùng một nội dung thông tin công bố, báo cáo, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải mất thời gian xử lý theo 2 phương thức hoàn toàn khác nhau. Đó là chưa kể, các thủ tục, hồ sơ đăng ký công bố thông tin qua cổng giao tiếp điện tử có khả năng tạo thêm gánh nặng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sử dụng đồng thời nhiều công ty quản lý quỹ khác nhau (Multiple Investment Manager funds- MIM funds) thì khó khăn là việc tuân thủ yêu cầu công bố thông tin theo các nhóm khác nhau.

Nâng tầm thị trường chứng khoán Việt: Những điểm cần hoàn thiện ảnh 2

Chẳng hạn, một quỹ MIM có thể sẽ phải chỉ định 2 đại diện công bố thông tin theo nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan khi (i) có các quỹ MIM của cùng một quỹ mẹ và (ii) quỹ MIM và các quỹ khác của cùng một công ty quản lý quỹ đều tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Trong trường hợp này, thông tin sở hữu của quỹ MIM bị trùng lặp trong 2 nhóm nhà đầu tư khác nhau cùng thực hiện công bố thông tin và chi phí trả cho đại diện công bố thông tin của quỹ MIM cũng tăng lên gấp đôi so với các nhà đầu tư khác. 

Về quản trị doanh nghiệp

Ở Việt Nam, các chuẩn mực thực hành về quản trị doanh nghiệp ngày càng được phổ biến và việc Chính phủ sắp ban hành Nghị định hướng dẫn về quản trị doanh nghiệp trong khuôn khổ của Luật Chứng khoán cho thấy nhận thức của các cơ quan quản lý về tầm quan trọng của vấn đề này.

Quản trị doanh nghiệp là vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm, nhất là khi khoảng cách địa lý cũng như khác biệt ngôn ngữ là rào cản đầu tư lớn so với các nhà đầu tư trong nước.

Bên cạnh các hoạt động đầu tư chứng khoán, các tổ chức đầu tư nước ngoài luôn mong muốn được tham gia đầy đủ vào đại hội đồng cổ đông của công ty phát hành. Sự hiện diện này của các tổ chức đầu tư nước ngoài trong các cuộc họp đại hội đồng cổ đông đã tạo một sức ép tích cực nhất định lên công ty phát hành, thôi thúc công ty phải hoàn thiện và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp của mình. 

... về vấn đề liên quan đến tính minh bạch

Chúng tôi hiểu rằng, TTCK Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chuyển mình để hướng tới các chuẩn mực quốc tế, trong đó các vấn đề về công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

Liên quan đến tính minh bạch trên thị trường nợ, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề như sau:

- Những thay đổi trong khuôn khổ pháp lý cho trái phiếu công ty/ngân hàng dẫn tới việc thu hẹp hệ thống nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngân hàng trong nước, cả về quy mô cũng như chất lượng đặt lệnh.

Cùng với sự có mặt ít ỏi của các công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm, công ty quản lý tài sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước đang thoái lui đà phát triển và trở nên gần tương đồng với thị trường cho vay truyền thống khi các nhà đầu tư đòi hỏi phải có tài sản thế chấp cho trái phiếu phát hành và rút ngắn thời hạn đầu tư, làm mất đi những lợi ích vốn có khi huy động trên thị trường vốn.

Nâng tầm thị trường chứng khoán Việt: Những điểm cần hoàn thiện ảnh 3

Sự lãnh đạm của nhà đầu tư trong nước cùng động lực ngày càng suy giảm của nhà đầu tư nước ngoài sau trải nghiệm về tính bất ổn của đồng Việt Nam đã tạo nên sự thờ ơ chung với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước. 

- Minh bạch thực sự là một vấn đề đối với doanh nghiệp nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Việt Nam chưa có tổ chức định mức tín nhiệm để đưa ra đánh giá về năng lực trả nợ và lãi của doanh nghiệp phát hành.

Dựa vào mức xếp hạng, nhà đầu tư có thể quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp hoặc mức chênh lệch lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp đó so với trái phiếu chính phủ.

- Việc thanh toán trái phiếu doanh nghiệp thường được thực hiện thông qua các đại lý khác nhau do phần lớn trái phiếu doanh nghiệp chưa được niêm yết. Do đó, nhà đầu tư thường mất rất nhiều thời gian để thanh toán và điều này cũng làm giảm tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp.

- Như đã nói trên, do phần lớn trái phiếu doanh nghiệp chưa được niêm yết và được phát hành riêng lẻ nên có rất ít thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp và sự minh bạch của thị trường này.

Liên quan đến tính minh bạch trên thị trường cổ phiếu, chúng tôi nhận thấy nhà đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn khi tham gia giám sát hoạt động quản trị công ty và thực hiện công bố thông tin tại thị trường Việt Nam.

Chẳng hạn, các tổ chức đầu tư nước ngoài đang gặp phải những khó khăn nhất định trong công tác chuẩn bị và tham dự các cuộc họp đại hội đồng cổ đông tại Việt Nam, một trong các khía cạnh của công tác quản trị doanh nghiệp, cụ thể:

- Phần lớn các tổ chức đầu tư nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam để tham dự các cuộc họp đại hội đồng cổ đông của các công ty phát hành. Do đó, họ sẽ ủy quyền cho ngân hàng lưu ký cử đại diện đi tham dự và bỏ phiếu. Tuy nhiên, do không có mẫu chuẩn thư ủy quyền dự họp trong thị trường Việt Nam, công ty phát hành và nhà đầu tư sẽ phải mất rất nhiều thời gian thảo luận trước khi đi đến thống nhất chấp nhận thư ủy quyền dự họp mà nhà đầu tư cung cấp.

Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư không có đủ thời gian để chuẩn bị thư ủy quyền (hợp pháp hóa lãnh sự và công chứng) trước cuộc họp theo đúng yêu cầu của công ty phát hành. 

Nâng tầm thị trường chứng khoán Việt: Những điểm cần hoàn thiện ảnh 4

- Nhà đầu tư nước ngoài thường nhận được các thông tin về dự thảo nghị quyết đại hội chỉ vài ngày trước ngày cuộc họp diễn ra. Trong một số trường hợp, nội dung biểu quyết được thay đổi hoặc bổ sung ngay tại đại hội. Do đó, nhà đầu tư không biết hoặc có rất ít thời gian để cân nhắc bỏ phiếu và gửi chỉ thị bầu cử cho đại diện dự họp tại Việt Nam.

Trường hợp bầu cử thành viên hội đồng quản trị/ban kiểm soát trong đại hội đồng cổ đông, danh sách và lý lịch của các ứng cử viên đôi khi  không được cung cấp trong tài liệu họp gửi đến các nhà đầu tư. Vì những lý do này, các tổ chức đầu tư nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia bỏ phiếu tại đại hội cổ đông.

- Việc tiếp cận thông tin cuộc họp trở nên rất khó khăn với các tổ chức đầu tư nước ngoài, khi các thông tin trong tài liệu họp và trên website của công ty phát hành đều là tiếng Việt. Nhiều công ty có cung cấp thông tin bằng tiếng Anh nhưng còn chưa cập nhật đầy đủ.

Hoặc như đối với các quy định mới cho phép nới lỏng hơn giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) chẳng hạn, việc thông tin công bố của các công ty không được thể hiện bằng tiếng Anh hay chưa có một nguồn thông tin tập trung tin cậy về FOL của các doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp trên UPCoM để nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận. 

Một số kiến nghị đề xuất 

 Đối với thị trường nợ:

- Các vấn đề về chuẩn mực định giá của thị trường trái phiếu và phát triển cơ sở nhà đầu tư chuyên nghiệp cần được giải quyết để cải thiện chất lượng giao dịch và xây dựng lòng tin.

- Cho phép đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường nợ để giải quyết các nhu cầu tài trợ vốn đặc biệt, ví dụ chứng khoán hóa hoặc các sản phẩm cơ cấu. Các sản phẩm này sẽ giúp cải thiện việc định giá trên thị trường và giải quyết các vấn đề về rủi ro tín dụng mà nhà đầu tư quan ngại đối với các tài sản hoặc doanh nghiệp trong nước.

- Thành lập tổ chức định mức tín nhiệm tin cậy.

- Khuyến khích tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp niêm yết trái phiếu trên sở giao dịch chứng khoán để tăng tính thanh khoản và minh bạch cho trái phiếu.

- Thành lập một trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp để nhà đầu tư có thể tham khảo khi họ cần thông tin.

Đối với thị trường cổ phiếu:

- Tối giản hóa các thủ tục công bố thông tin theo nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan.

- Nâng cao chuẩn mực trong quản trị doanh nghiệp và tạo điều kiện để các nhà đầu tư tổ chức tham gia họp đại hội cổ đông của doanh nghiệp phát hành.

Yêu cầu tổ chức phát hành nghiêm túc thực hiện việc công bố danh sách ứng viên và lý lịch tham khảo của từng ứng viên cho hội đồng quản trị/ban kiểm soát trước thời hạn quy định để nhà đầu tư có đủ thời gian và cơ sở tham khảo cân nhắc quyết định bỏ phiếu.

- Quy định thống nhất một mẫu chuẩn thư ủy quyền dự họp đại hội cổ đông cho các công ty niêm yết/công ty đại chúng.

- Ngoài việc khuyến khích các công ty đại chúng cung cấp thông tin bằng tiếng Anh cho nhà đầu tư (trên trang web, các tài liệu họp đại hội cổ đông) nên có quy định yêu cầu các công ty đại chúng quy mô vốn lớn phải cung cấp thông tin cho nhà đầu tư bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó bản tiếng Anh chỉ có giá trị tham khảo.

- Có cơ chế giám sát  doanh nghiệp đại chúng thực hiện công bố dự thảo nghị quyết cuộc họp đại hội cổ đông theo đúng thời hạn quy định của pháp luật (ít nhất 10 ngày trước ngày họp để đảm bảo quyền bình đẳng giữa cổ đông trong nước và cổ đông nước ngoài.

- Yêu cầu tổ chức phát hành nghiêm túc thực hiện việc công bố danh sách ứng viên và lý lịch tham khảo của từng ứng viên cho hội đồng quản trị/ban kiểm soát trước thời hạn quy định (ít nhất 10 ngày trước ngày họp đại hội cổ đông) để nhà đầu tư có đủ thời gian và cơ sở tham khảo cân nhắc quyết định bỏ phiếu.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp niêm yết sử dụng hệ thống bỏ phiếu điện tử của VSD để thực hiện quyền biểu quyết của cổ đông. Hệ thống này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền cổ đông của mình cũng như hỗ trợ cơ quan quản lý giám sát các doanh nghiệp tuân thủ các quy định liên quan tới công bố thông tin trước đại hội cổ đông.

- Cơ quan quản lý như UBCK hay các sở giao dịch chứng khoán, VSD có thể đứng ra cung cấp nguồn dữ liệu tập trung và cập nhật về FOL của doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp niêm yết trên website của mình nhằm hỗ trợ cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Tin bài liên quan