“Rừng văn bản dưới luật…”
Đó là cảm nhận của Luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự, khi nói về hệ thống cơ chế quản lý hoạt động của khối DNNN hiện nay. Ngoài các nghị định, quyết định, thông tư điều chỉnh chung, Chính phủ còn ban hành tới 2 - 3 Nghị định để điều chỉnh hoạt động của từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, hiện có một khoảng trống pháp lý đáng ngại là chưa có văn bản pháp lý nào ở tầm văn bản luật điều chỉnh hoạt động của các DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty.
Thực tế trên đòi hỏi, cần có văn bản ở tầm văn bản luật, quy định cụ thể các nguyên tắc quản lý, giám sát hoạt động của khối DNNN, để không tái diễn những “cú sốc” Vinashin, Vinalines... như gần đây.
Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ vừa kết thúc, sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên, Chính phủ đã nhất trí bổ sung một chương về DNNN vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Điều này nhằm làm rõ khái niệm, các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và quản trị đối với DNNN, đảm bảo thống nhất với dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN, về quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước…
Đại diện Tổ Biên tập Luật Doanh nghiệp sửa đổi, ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban phụ trách Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM đang phối hợp với các bộ liên quan, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, để hoàn thiện dự án Luật trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Dự thảo Luật đang được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể vai trò và chức năng của DNNN, nhằm định dạng rõ ràng giới hạn những ngành nghề nào DNNN được phép kinh doanh. Trên cơ sở xác định rõ vai trò, chức năng của DNNN, Dự thảo Luật quy định chi tiết vai trò, chức năng của chủ sở hữu là Quốc hội, Chính phủ… Với tư cách là chủ sở hữu, Quốc hội sẽ xác định, giao cho Chính phủ những chỉ tiêu cụ thể để đánh giá hiệu quả, giám sát hoạt động của khối DNNN. Trên cơ sở các chỉ tiêu được giao này, Chính phủ sẽ giao cho các bộ chủ quản, DNNN phải đạt các chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh gì. Đây là các chỉ tiêu định lượng cụ thể làm căn cứ xác đáng, tin cậy để đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN… Dự thảo còn đang được hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể nghĩa vụ minh bạch thông tin của DNNN, nhằm khắc phục tình trạng DNNN công bố thông tin theo kiểu chiếu lệ, không tuân theo các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế như hiện tại…
Chưa “đủ đô”
“Thực tế việc quản lý DNNN đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, trong khi nhiều DNNN hoạt động kém hiệu quả, năng lực cạnh tranh yếu và hiệu quả kinh doanh chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, cần xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý, giám sát DNNN thống nhất, đồng bộ theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường...”, ông Khoát đề nghị và nhìn nhận, việc Chính phủ thống nhất bổ sung một chương về DNNN trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi là một bước tiến đáng kể trong đổi mới tư duy quản lý, giám sát DNNN theo hướng chặt chẽ và minh bạch hơn. Tuy nhiên, bước tiến này vẫn chưa “đủ đô” nếu xét từ thực tiễn pháp lý, cũng như đòi hỏi quản lý DNNN như hiện nay, bởi hướng bổ sung trên chỉ giải quyết được các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và quản trị đối với DNNN, mà chưa cụ thể hóa bản chất của DNNN xét về đặc thù sở hữu, thành phần kinh tế.
Do vậy, để rạch ròi, đồng bộ hơn trong quản lý, giám sát DNNN, theo ông Khoát, chỉ nên coi việc bổ sung một chương về DNNN trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi là bước quá độ để tiến tới xây dựng Luật Sở hữu nhà nước như thông lệ quốc tế.
Trên thực tế, vì chưa có Luật này mà hiện chưa rõ Nhà nước sở hữu gì, người dân sở hữu những gì. Do việc xác định Nhà nước nắm giữ bao nhiêu DN chưa rõ, nên chế định về DNNN cũng chưa rõ ràng, triệt để. Hiến pháp năm 1992 cũng như Hiến pháp năm 2013 vẫn giữ quan điểm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, câu hỏi đặt ra là, vậy DNNN có nắm vai trò chủ đạo không? Nhà nước thể hiện vai trò ra sao khi DNNN giữ vai trò chủ đạo? Mặt khác, Bộ luật Dân sự, khi quy định về quyền sở hữu, bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt để phân định cái gì là của Nhà nước, Nhà nước được quyền sử dụng những gì, định đoạt những gì…, hiện cũng không rõ ràng.
Vì thế, ông Khoát cho rằng, cần làm rõ vấn đề sở hữu DNNN bằng việc luật hóa toàn bộ các quy định cụ thể về DNNN trong Luật Sở hữu nhà nước, để quy định có hệ thống các đặc thù của DNNN về: chức năng, nhiệm vụ, cách thức đánh giá hiệu quả, mô hình đại diện chủ sở hữu, vấn đề tiền lương, tiền thưởng so với DN dân doanh. Làm được điều này, không chỉ giúp phát huy được tính tự chủ, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của DNNN và người quản lý tại các DN này, mà còn tránh tạo ra các cơ chế khiến DNNN chèn ép DN dân doanh, tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh.