Cách làm này nhằm góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, phản ánh được các giao dịch của nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, VAS vẫn còn những hạn chế và tồn đọng.
Những hạn chế của VAS
Gần đây, đã có một số nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định mức độ hòa hợp giữa VAS với IAS. Kết quả của một nghiên cứu chỉ ra rằng, mức độ hòa hợp của VAS với IAS/IFRS liên quan đến 10 chuẩn mực được chọn chỉ đạt mức bình quân là 68%.
Theo đó, các chuẩn mực về ghi nhận doanh thu và chi phí có mức độ hòa hợp cao hơn các chuẩn mực về ghi nhận tài sản và mức độ hòa hợp về nguyên tắc đo lường (81,2%) cao hơn nhiều so với mức độ hài hòa về nguyên tắc khai báo thông tin (57%).
Bà Lương Thị Ánh Tuyết
Nguyên nhân là bởi liên tục từ năm 2005 đến nay, IAS/IFRS đã ban hành nhiều chuẩn mực kế toán mới, nhưng do không kịp cập nhật và bổ sung những thay đổi này, nên VAS đã trở nên lạc hậu.
Dưới sức ép cải cách thể chế cũng như yêu cầu của nền kinh tế, VAS ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế. Một số nội dung chưa theo kịp với các thay đổi giao dịch của nền kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp, tổ chức tài chính và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, đồng thời xuất hiện ngày càng nhiều loại công cụ tài chính phức tạp.
Đặc biệt, sự khác biệt lớn nhất giữa VAS và IAS/IFRS chính là vấn đề báo cáo tài chính được ghi nhận theo “giá gốc” và theo “giá trị hợp lý”.
Theo IFRS, báo cáo tài chính cần được đánh giá lại theo giá trị hợp lý và giá trị có thể thu hồi. Còn VAS thì vẫn ghi nhận theo giá gốc, làm cho giá trị tài sản và nợ phải trả không được phản ánh theo đúng diễn tiến thực tế của thị trường.
VAS cũng chưa có chuẩn mực về tổn thất tài sản, nên doanh nghiệp hiện nay thường dựa vào Thông tư 228/2009/TT-BTC (một thông tư hướng dẫn về trích lập dự phòng tài sản cho mục đích tính thuế) để trích lập dự phòng cho tài sản.
Và bởi chưa có chuẩn mực kế toán về tổn thất tài sản nên một số trường hợp đã hiểu nhầm VAS 18 – Các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng được dùng để đánh giá dự phòng và tổn thất cho tài sản.
Thực tế tại Việt Nam, một số doanh nghiệp sở hữu quyền sử dụng đất thì giá trị của quyền sử dụng đất này được ghi nhận theo giá gốc tại thời điểm nhận được quyền sử dụng đất. Qua thời gian, giá trị thị trường của miếng đất đã tăng lên so với trước đây. Điều bất cập là VAS lại không cho phép doanh nghiệp ghi tăng giá trị miếng đất này theo giá thị trường.
Thực trạng này dẫn đến việc báo cáo tài chính không phản ánh đúng giá trị tài sản của doanh nghiệp, khiến nhà đầu tư không thể đánh giá đúng tiềm năng của doanh nghiệp để đưa ra quyết định chính xác.
Trong bối cảnh đó, có thể nói, việc các doanh nghiệp trong nước chủ động lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS, bên cạnh báo cáo tài chính theo VAS được pháp luật quy định, không chỉ tạo ra sự minh bạch, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình bằng cách thu hẹp lỗ hổng thông tin giữa nội bộ và bên ngoài công ty, mà còn có đóng góp giá trị to lớn đối với tính bền vững của nền kinh tế.
Thông qua áp dụng IFRS, các doanh nghiệp sẽ có thể được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế như tiếp cận nguồn vốn, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững.
Định hướng nâng tầm VAS
Ở cấp độ vĩ mô, rõ ràng, việc đẩy mạnh phát triển hệ thống chuẩn mực VAS theo định hướng IAS/IFRS chắc chắn là một giải pháp không thể thiếu, nhằm đảm bảo doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam được tiếp cận với nguyên tắc kế toán quốc tế. Sau đây là một số giải pháp mang tính định hướng để giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập về kế toán nói riêng.
Đầu tiên, nguyên tắc “giá trị hợp lý” cần được nghiên cứu, xây dựng cơ sở lý luận, điều kiện và phương pháp vận dụng nghiêm túc trong các chuẩn mực VAS tương lai. Bởi lẽ, trong hệ thống IAS/IFRS, “giá trị hợp lý” được sử dụng ngày càng nhiều khi đo lường và ghi nhận các yếu tố của báo cáo tài chính.
Hiện tại, Chuẩn mực VAS1 của Việt Nam mới chỉ đưa ra nguyên tắc “giá gốc” làm cơ sở đo lường chủ yếu. Cách làm này tuy có thể đạt được độ “tin cậy”, nhưng làm giảm tính “liên quan” của thông tin cung cấp bởi báo cáo tài chính. Mặc dù Luật Kế toán năm 2015 đã đưa ra khái niệm giá trị hợp lý, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về cách vận dụng nguyên tắc này.
Kế đến, cần tiếp tục nghiên cứu một số chuẩn mực kế toán quốc tế để ban hành những nội dung chủ yếu của một số chuẩn mực mà Việt Nam chưa có.
Ví dụ Chuẩn mực 32 (Công cụ tài chính), Chuẩn mực 36 (Tổn thất tài sản), Chuẩn mực 41 (Nông nghiệp) hay Chuẩn mực 39 (Đánh giá và ghi nhận thông tin tài chính) mới đây đã được thay thế bằng chuẩn mực IFRS 9 (Công cụ tài chính), vốn đều là những chuẩn mực khó và chưa phổ biến ở Việt Nam.
Ngoài ra, cần tăng cường vị thế các hiệp hội nghề nghiệp Việt Nam như Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) cũng như các công ty kiểm toán trong việc hiến kế cho Bộ Tài chính soạn thảo chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán theo thẩm quyền phù hợp.
Bộ Tài chính cần hoạch định một lộ trình chiến lược cho việc áp dụng IFRS ở Việt Nam sao cho phù hợp với tình hình kinh tế và kinh doanh ở Việt Nam.
Lời khuyên cho doanh nghiệp Việt
Nếu chọn lập báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS, các doanh nghiệp, đặc biệt là công ty niêm yết, sẽ cho phép các nhà đầu tư dễ dàng so sánh các chỉ tiêu hoạt động của công ty với các chứng khoán niêm yết khác trên các thị trường khu vực và quốc tế. Tất nhiên, đây không phải là một công việc đơn giản.
Việc áp dụng IFRS được xem là phức tạp ngay cả đối với những nền kinh tế đã hội đủ các yếu tố nền tảng của kinh tế thị trường, bởi phương pháp hạch toán các giao dịch theo IFRS dựa trên bản chất của giao dịch.
Do đó, báo cáo tài chính theo chuẩn này yêu cầu phải có sự xét đoán và đánh giá mang tính phân tích của cấp quản lý, dựa trên những ý kiến từ nhân viên kế toán của mình.
Chắc chắn, việc áp dụng IAS/IFRS sẽ gặp phải một số thử thách nhất định. Đầu tiên, cơ chế, chính sách cho việc áp dụng IFRS ở Việt Nam hiện vẫn chưa hoàn thiện.
Một số kỹ thuật đặc biệt của IFRS chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện như: ghi nhận tổn thất tài sản, kế toán các công cụ phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro, ghi nhận giá trị hợp lý của một số tài sản tài chính, bất động sản đầu tư hoặc tài sản sinh học… đều chưa được hướng dẫn.
Kế đến, hệ thống kết nối thông tin trong nội bộ và phần mềm kế toán của đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ mạnh, để có thể cập nhật các thông tin tài chính kịp thời và đầy đủ. Ngoài ra, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được nhân sự có trình độ cao, để có thể hiểu và áp dụng IFRS ngay lập tức.
Vì thế, để chuẩn bị tốt cho quá trình áp dụng IFRS, doanh nghiệp cần bắt đầu thiết lập hệ thống và quy trình để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán áp dụng. Hãy chủ động cập nhật tình hình áp dụng IFRS ở Việt Nam để nắm được xu thế, từ đó, xây dựng kế hoạch để áp dụng chuẩn mực này vào doanh nghiệp.
Kế hoạch sẽ bao gồm việc nâng cao nhận thức, đào tạo nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ theo lộ trình phù hợp, để từng bước tiến tới áp dụng hoàn toàn chuẩn mực kế toán quốc tế.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên chuẩn bị một một khoản ngân sách hợp lý cho việc áp dụng IFRS và duy trì tính tuân thủ đối với IFRS. Chi phí này bao gồm: chi phí đào tạo nhân viên, xây dựng hệ thống thông tin kế toán, thuê chuyên gia tư vấn, thuê chuyên gia về định giá…
Trước mắt, đối với những doanh nghiệp vẫn chủ yếu lập báo cáo tài chính theo VAS, cần bắt đầu thực hiện công bố thông tin cho các cổ đông, nhà đầu tư triển vọng về bức tranh của công ty thông qua báo cáo tài chính có tính so sánh giữa VAS và IFRS, dựa trên các hướng dẫn của cơ quan quản lý và các chuẩn mực kế toán, kiểm toán. Hy vọng, IFRS sẽ được các doanh nghiệp Việt, nhất là công ty niêm yết, bắt đầu áp dụng phổ biến vào thực tiễn.