Dự kiến bộ thẻ điểm mới sẽ được Nhóm công tác ASEAN hoàn chỉnh vào cuối tháng 2/2017 để thúc đẩy việc nâng chuẩn đánh giá quản trị công ty trong khu vực

Dự kiến bộ thẻ điểm mới sẽ được Nhóm công tác ASEAN hoàn chỉnh vào cuối tháng 2/2017 để thúc đẩy việc nâng chuẩn đánh giá quản trị công ty trong khu vực

Nâng sức khỏe về quản trị công ty, cần có “thuốc đắng”

(ĐTCK) So với các doanh nghiệp trong ASEAN, thứ hạng về quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam đang rất thấp, nên cần có “thuốc đắng” mới dần khắc phục được tình trạng này. Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về vấn đề này. 
 

Thứ hạng thấp về điểm số quản trị công ty (QTCT) của các doanh nghiệp niêm yết được nhắc tới nhiều trong thời gian qua. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Thứ hạng QTCT của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thấp là trong tương quan với các nước ASEAN, thuộc phạm vi khảo sát và chấm điểm của Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ASEAN CG Scorecard). Nguyên nhân trước tiên là thẻ điểm QTCT ASEAN sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ công bố thông tin. Các báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam khá đầy đủ ở bản tiếng Việt, nhưng phần dịch tiếng Anh lại vắn tắt và hầu hết không có bản tiếng Anh. Thống kê của các chuyên gia ASEAN là dựa vào các tài liệu họ có thể tiếp cận được bằng tiếng Anh.

Ông Vũ Chí Dũng 

Qua kết quả chấm điểm QTCT của các doanh nghiệp, lý do dẫn đến điểm của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam vẫn còn hạn chế chủ yếu do doanh nghiệp chưa thực sự coi việc nâng cao chất lượng QTCT là nhu cầu thiết yếu. Số lượng doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của QTCT vẫn còn hạn chế. Đa số doanh nghiệp chỉ tuân thủ những quy định đơn giản, ví dụ ban hành điều lệ công ty phù hợp với Luật Doanh nghiệp; ban hành Quy chế quản trị, thông qua việc chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc trong đại hội đồng cổ đông; tuân thủ thời gian, trình tự, thủ tục tổ chức đại hội đồng cổ đông…

Có rất ít công ty đáp ứng được việc áp dụng các quy định phức tạp hơn, chẳng hạn về số lượng thành viên HĐQT độc lập, thành lập các tiểu ban để hỗ trợ hoạt động của HĐQT, việc tham gia các khóa đào tạo về QTCT của thành viên HĐQT, đảm bảo tránh xung đột về lợi ích trong giao dịch với các bên liên quan…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chỉ tập trung vào doanh thu, không chú trọng đến QTCT. Chỉ có một số ít doanh nghiệp công bố báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, dẫn đến sự khó khăn trong quá trình chấm điểm cũng như việc tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Cách nào để khắc phục những hạn chế trên, thưa ông?

Đầu tiên là thúc đẩy việc thành lập Viện Quản trị công ty. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, họ đều có một cơ quan chuyên trách và kế hoạch tổng thể, chương trình hành động để nâng cao chất lượng QTCT. Viện Quản trị công ty sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về chương trình nâng cao chất lượng QTCT cho các doanh nghiệp, mà trước hết là công ty niêm yết, công ty đại chúng. Viện kết hợp với Sở GDCK, hiệp hội nhà đầu tư chứng khoán thực hiện đánh giá toàn diện về tình hình QTCT của công ty niêm yết và công bố các kết quả đánh giá, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các nước để thực hiện nhiều hoạt động khác.

Thứ hai là thành lập Hội đồng tư vấn Quản trị công ty cấp quốc gia. Đây sẽ là hội đồng xây dựng các nguyên tắc và kiến nghị về các thông lệ QTCT tốt nhất cho Việt Nam. Hội đồng này không chỉ tư vấn cải thiện tình hình QTCT, tạo các diễn đàn trao đổi về kỹ thuật và về chính sách thúc đẩy QTCT tốt, mà trên hết là thực thi bộ thông lệ về QTCT, xây dựng các bộ hướng dẫn về QTCT và quản trị rủi ro dành cho các thành viên HĐQT và đưa ra các báo cáo chung, khách quan về thực trạng QTCT tại Việt Nam.

Thứ ba, cần thực hiện đánh giá toàn diện về QTCT đối với toàn bộ các công ty niêm yết và công bố kết quả những đánh giá đó để nhà đầu tư nhìn nhận, xem xét và đưa vào tiêu chí đầu tư. Áp lực từ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, chính là nhân tố thúc đẩy công ty niêm yết phải thay đổi để đáp ứng các yêu cầu thu hút vốn đầu tư. Để tạo ra động lực này, cần thực hiện việc đánh giá QTCT. Đánh giá cần được thực hiện hàng năm do Viện Quản trị công ty chủ trì phối hợp với Sở GDCK, cơ quan liên quan và có giải thưởng vinh danh những công ty có chất lượng QTCT tốt, tạo hiệu ứng truyền thông.

Thứ tư, khung pháp lý nên có những chế tài đủ sức răn đe đối với các vi phạm quy định về QTCT để dần dần hình thành nên ý thức tuân thủ của doanh nghiệp, trong bối cảnh nhận thức về QTCT của công ty niêm yết chưa cao.

Thứ năm, Sở GDCK cần thực hiện giám sát chặt chẽ hơn tình hình thực hiện các quy định về QTCT của công ty niêm yết, có biện pháp nhắc nhở, xử lý phù hợp để dần dần nâng cao nhận thức về QTCT.

Thứ sáu, cần tập trung vào nâng cao nhận thức về trách nhiệm và đạo đức của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là các thành viên HĐQT về vấn đề QTCT thông qua các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ, đưa ra quy định bắt buộc về thời gian phải được đào tạo về QTCT trong 1 năm, nâng cao chất lượng của các khóa đào tạo. Chỉ khi HĐQT hiểu rõ và thực hiện đúng chức trách của mình một cách trung thực, thì các tiêu chí khác về QTCT mới được thực thi tốt, khi đó quyền lợi của cổ đông và các bên liên quan được bảo đảm.

Thứ bảy, nâng cao khung pháp lý về công bố thông tin, trong đó khuyến khích công bố các thông tin phi tài chính, thông tin về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Sở GDCK cần thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động công bố thông tin của công ty niêm yết và có hướng dẫn, xử lý phù hợp theo quy định.

UBCK đang làm gì để nâng cao chất lượng QTCT, thưa ông?

UBCK đang xây dựng Nghị định hướng dẫn về QTCT và dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó chú trọng hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý về QTCT theo hướng phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế: đảm bảo thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, khắc phục các hạn chế về khung pháp lý theo đánh giá của chuyên gia quốc tế về QTCT.

Tạo khung pháp lý cho hoạt động QTCT, đảm bảo tính đồng bộ của việc ban hành quy phạm pháp luật, phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014, phù hợp với pháp luật ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đảm bảo không xung đột với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Làm rõ các quy định, luật lệ về QTCT như một số quyền và nghĩa vụ của cổ đông, quy chế nội bộ về QTCT, thành viên HĐQT, họp đại hội đồng cổ đông, ban kiểm soát, nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin, đào tạo về QTCT...

UBCK cũng đang xây dựng và ban hành các hướng dẫn chi tiết về QTCT để hỗ trợ thực hành QTCT tốt trong các lĩnh vực liên quan đến quy trình lựa chọn và bổ nhiệm kiểm toán, các vấn đề liên quan, thông lệ và quy trình báo cáo QTCT.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các chương trình tuyên truyền, phổ cập kiến thức về QTCT cho thành viên thị trường và nhà đầu tư, đồng thời phối hợp các tổ chức quốc tế nhằm tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, đào tạo để nâng cao nhận thức về QTCT cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Với tư cách là thành viên của Diễn đàn các Thị trường Vốn ASEAN, tham gia triển khai chương trình sáng kiến Thẻ điểm QTCT ASEAN (ACGS), UBCK luôn tích cực tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến và trình bày về thực trạng QTCT tại Việt Nam với Nhóm công tác ACGS nhằm cập nhật, bổ sung, hoàn thiện phương pháp luận của ACGS. Việc này nhằm tạo thuận lợi cho triển khai chương trình tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết chưa thống nhất theo chuẩn chương trình Thẻ điểm QTCT ASEAN. UBCK dự kiến sẽ phối hợp với IFC xây dựng Mẫu báo cáo ASEAN CG Scorecard để hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam trong quá trình xây dựng báo cáo, cũng như nội dung thông tin công bố, làm tăng tính minh bạch cho thị trường.

Thẻ điểm QTCT ASEAN trong thời gian tới liệu có gì đổi mới?

Do có sự thay đổi trong Bộ nguyên tắc QTCT của OECD năm 2015, nên năm 2016 Tổ chấm điểm QTCT ASEAN không chấm điểm. ASEAN đang trong quá trình hoàn thiện bộ thẻ điểm QTCT ASEAN theo các nguyên tắc sửa đổi của OECD, có tham khảo ý kiến tham gia của thành viên thị trường các nước và các tổ chức quốc tế.

Dự kiến bộ thẻ điểm sẽ được Nhóm công tác về QTCT của ASEAN hoàn chỉnh vào cuối tháng 2/2017 để trình lên Hội nghị của các Cơ quan quản lý các Thị trường vốn ASEAN (ACMF) thông qua vào tháng 3/2017 và công bố công khai vào tháng 4/2017.

Việc công bố thông tin kết quả đánh giá sẽ tiếp tục duy trì cách thức công bố xếp hạng như trước đây (Top 50 công ty đại chúng ASEAN xếp theo thứ tự bảng chữ cái; Top 5 công ty đại chúng ASEAN xếp theo thứ tự bảng chữ cái và top 3 công ty đại chúng cho mỗi quốc gia). Mỗi nước được tự lựa chọn cách thức công bố kết quả báo cáo của nước mình theo thứ tự bảng chữ cái, theo hạng hoặc theo nhóm ngành.

Theo đại diện UBCK, các công ty Việt Nam với hệ thống QTCT tốt ở vị thế tốt hơn trong việc thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài, gia tăng lợi nhuận, có thể thuê và giữ được đội ngũ lao động có chất lượng. Việc áp dụng các thông lệ QTCT tốt sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập được vào thị trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh và mang tính chọn lọc cao. Tầm quan trọng của việc áp dụng QTCT cho các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện qua các khía cạnh như: QTCT tốt giúp thúc đẩy hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn; giảm chi phí vốn và tăng giá trị tài sản; nâng cao uy tín của doanh nghiệp trong con mắt  nhà đầu tư…

Tin bài liên quan