Năng suất lao động Việt Nam thấp vì làm gia công

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty may Hưng Yên không cho rằng năng suất lao động của Việt Nam thấp.
Gần 80% thiết bị máy móc đang sử dụng nhập khẩu từ thời kỳ 1960-1970, hơn 75% thiết bị đã quá thời hạn khấu hao, nhưng không được thay thế

Gần 80% thiết bị máy móc đang sử dụng nhập khẩu từ thời kỳ 1960-1970, hơn 75% thiết bị đã quá thời hạn khấu hao, nhưng không được thay thế

“Riêng ngành may, năng suất lao động xấp xỉ hoặc tương đương các nước khác, nghĩa là không thua kém nhiều. Vấn đề là năng suất lao động quốc gia được tính trên USD lợi nhuận tạo ra chứ không phải tính trên đơn vị sản phẩm mỗi giờ, nên chỉ số này của Việt Nam bị thấp”, ông Dương lý giải.

Cũng theo ông Dương, không phải ông cố ý nói cho hay. Tại Công ty may Hưng Yên, một số đối tác Nhật Bản,  Hàn Quốc phải tìm hiểu làm cách nào để năng suất bằng may Hưng Yên.

“Năng suất của chúng ta bị đánh giá là thấp vì toàn làm hàng “xương xẩu”, chứ không chọn được mặt hàng có giá trị cao như các doanh nghiệp nước ngoài. Cứ tính đơn giản, doanh nghiệp nước ngoài làm mỗi ngày 40 USD lợi nhuận thì doanh nghiệp Việt làm tối đa chỉ được 25 USD”, ông Dương nói.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến quý II năm 2014, có 47,07% lao động đang làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản;  21,11% trong ngành công nghiệp và xây dựng, nhưng các ngành này chủ yếu là gia công, tạo giá trị gia tăng thấp như dệt may, da giày (chiếm 32% trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Số còn lại chủ yếu làm việc trong khu vựckinh tế hộ và tự làm.

Cũng phải nói thêm, năng suất, chất lượng, hiệu quả của từng ngành, cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phụ thuộc rất lớn vào trình độ công nghệ, nhưng đây lại là một điểm yếu nữa của doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Hương Hiền, Phó trưởng phòng Tiền lương và Quan hệ lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) dẫn chứng, gần 80% thiết bị máy móc đang sử dụng nhập khẩu từ thời kỳ 1960-1970, hơn 75% thiết bị đã quá thời hạn khấu hao, nhưng không được thay thế. Trong số thiết bị máy móc nhập khẩu thì hơn 50% thuộc dạng tân trang.

“Đánh giá chung cho thấy, 52% máy móc thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu, riêng khu vực sản xuất nhỏ, tỷ lệ này lên tới 70% và chỉ khoảng 10% thiết bị máy móc thuộc nhóm hiện đại”, bà Hiền cho biết. 

Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao trong sản xuất cũng được thể hiện qua con số lao động trình độ cao chỉ chiếm 10,2% tổng việc làm cả nước.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (thuộc VCCI) lý giải, do doanh nghiệp Việt Nam có tới 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, không đủ nguồn lực đầu tư máy móc thiết bị thì không thể có nguồn lực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trước khi quyết định sử dụng những máy móc hiện đại. Ngay các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn chủ yếu đầu tư công nghệ và sản xuất những công đoạn đòi hỏi sử dụng nhiều lao động, tận dụng chi phí lao động rẻ của Việt Nam.

Trước thực tế này, bà Hiền lo ngại, nếu Việt Nam không tái cơ cấu chuyển nguồn lực từ những ngành và thành phần kinh tế kém năng suất, sang ngành và thành phần kinh tế có năng suất cao thì năng suất lao động với cách tính như hiện tại vẫn sẽ là nguyên nhân chính kìm hãm năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Tin bài liên quan