Tập trung tăng năng suất lao động
Theo nghiên cứu từ Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 2 nhân tố quan trọng đóng góp cho năng suất và đổi mới, sáng tạo của kinh tế là đầu tư công và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, nếu cải cách tổng thể tất cả doanh nghiệp nhà nước, có thể tăng được 10% sản lượng của nền kinh tế. Nếu tăng năng suất của doanh nghiệp nhà nước lên 2%, thì sẽ tăng được 1,14% GDP, 2,26% sản lượng công nghiệp và 1,15% sản lượng xuất khẩu.
Bình quân giai đoạn 2006-2016, mức đóng góp của năng suất lao động vào tốc độ tăng GDP của toàn nền kinh tế đạt 65,7%. Tuy nhiên, có tới 11/20 ngành kinh tế đạt giá trị tăng trưởng dương không phải do đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động, trong đó có 4/20 ngành suy giảm năng suất lao động bình quân.
“Thực tế này cho thấy, một nửa ngành kinh tế của Việt Nam thời gian qua tăng trưởng không dựa vào tăng năng suất lao động. Nói cách khác, nền kinh tế đang tăng trưởng theo chiều rộng, nên thiếu tính bền vững…”, lãnh đạo NCIF nhấn mạnh.
Nâng cao năng suất lao động cần bắt đầu từ chính cách thức quản lý của doanh nghiệp và trình độ của nhân sự
- Giáo sư John Fitz Gerald
Phát biểu tại một hội thảo khoa học quốc tế mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang trong qua trình chuyển đổi quan trọng với kỳ vọng đột phá về chuyển dịch tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, với nỗ lực cải cách trong nước cùng với quá trình hội nhập.
Theo ông Đông, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới được dự báo sẽ cao hơn giai đoạn trước, nhưng cùng với đó là không ít thách thức, nhất là về năng suất lao động và đổi mới, sáng tạo.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi theo hướng chú trọng các yếu tố tác động đến đổi mới, sáng tạo như chất lượng vốn, nguồn nhân lực, hoạt động cổ phần hóa... Cùng với đó là các chính sách về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh… để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động…”, ông Đông nhấn mạnh.
Cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực
Nghiên cứu của NCIF chỉ ra rằng, trong 15 năm qua, năng suất tổng hợp của Việt Nam gần như không thay đổi, trong khi Trung Quôc tăng 1,6 lần, thậm chí còn bị thụt lùi về xếp hạng năng lực đổi mới, sáng tạo.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích dự báo NCIF cho biết, năng suất lao động của Việt Nam hiện thuộc loại thấp so với khu vực và thế giới. Về đóng góp năng suất tổng hợp, năm 2015 đạt hơn 30%, từ năm 2016 đến nay là trên 40%.
“Doanh nghiệp Việt Nam cần đột phá hơn nữa trong áp dụng công nghệ để tăng năng suất lao động”, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh.
Ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc NCIF cho biết, năng suất lao động phản ánh khả năng cạnh tranh và hiệu quả sử dụng lao động của mỗi quốc gia. Hiện nay, đang có một khoảng cách lớn về năng suất lao động giữa các ngành tại Việt Nam.
“Có nhiều yếu tố tác động đến năng suất lao động, trong đó chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất. Tỷ lệ lao động trẻ tuổi và chưa qua đào tạo là rào cản lớn của tăng năng suất lao động tại Việt Nam hiện nay”, ông Khôi nói.
Một nghiên cứu khác được NCIF và các chuyên gia của Ailen phối hợp thực hiện cho thấy, nguồn nhân lực của Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, khi mới đáp ứng được 20-30% nhu cầu lao động trong giai đoạn 2010-2015.
Cũng theo nghiên cứu này, tỷ lệ thiếu hụt trình độ chuyên môn kỹ thuật chung của cả nền kinh tế trong giai đoạn trên đã tăng từ 28% lên 33%, cùng với đó là tình trạng sử dụng nguồn nhân lực bất hợp lý.
Giáo sư John Fitz Gerald (Đại học Trinity Dublin - Ailen) cho rằng, để nâng cao trình độ và nhận thức của người lao động, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào giáo dục, bởi đây là yếu tố quan trọng tạo ra tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế.
“Nâng cao năng suất lao động cần bắt đầu từ chính cách thức quản lý của doanh nghiệp và trình độ của nhân sự. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức…”, Giáo sư John Fitz Gerald khuyến nghị.