Chậm cải thiện năng suất lao động
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ trước đến nay thường được thúc đẩy bởi ba yếu tố: gia tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và thâm dụng nguồn lao động giá rẻ. Tuy nhiên, trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ, công nghệ phát triển vượt bậc, cách tăng trưởng như trên của Việt Nam không còn là một lợi thế. Thậm chí, lao động giá rẻ, năng suất lao động thấp có thể trở thành yếu điểm của Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu thời gian tới.
“Việc tăng năng suất lao động trong lĩnh vực sản xuất đang diễn ra khá chậm, kìm hãm khả năng Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế tổng thể năm 2018”, ông Colin Blackwell, Trưởng nhóm công tác nguồn nhân lực, VBF đã chỉ ra.
Đây cũng là một thực tế đang diễn ra trong nội tại doanh nghiệp Việt. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, nhìn tổng thể, năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện đáng kể so với trước đây, nhưng trong mối tương quan với các nền kinh tế khác trên thế giới, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đang thụt lùi.
CEO HSBC phân tích, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, không có điều kiện đầu tư vào công nghệ, phụ thuộc lớn vào sức người. Điều này dẫn tới hệ quả là không thể tạo ra năng suất ổn định.
“Đây là vấn đề chúng ta cần phải lưu ý và chú trọng thay đổi, bởi nó khiến nền kinh tế Việt Nam không thể đi nhanh”, ông Hải nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, năng suất lao động thấp khiến nền kinh tế Việt Nam khó tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời cản trở việc theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore.
Ông Ousmane Dione khuyến nghị, Việt Nam phải quan tâm đến nâng cao năng suất lao động nhiều hơn nữa thông qua việc tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, tăng cường các thể chế hiện đại, hiệu quả và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Tăng năng suất cách nào?
Tăng năng suất lao động đang ngày càng đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo báo cáo về năng suất lao động tại VDF, yếu tố này đã đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP năm 2017, cao hơn nhiều so với mức 66,3% giai đoạn 1990 - 2000 và 61,9% giai đoạn 2000 - 2012. Con số này cho thấy, không tăng nhanh năng suất lao động, Việt Nam không thể nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP.
Vậy cần những giải pháp nào để tăng năng suất lao động hiệu quả? Trả lời câu hỏi này của Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hải cho rằng, cái gốc của bài toán là vấn đề giáo dục, phải thay đổi cách dạy, cách tiếp cận vấn đề. Cụ thể, cách dạy học hiện nay không giúp cho con người có thể cạnh tranh với máy móc trong tương lai. Do đó, cách tiếp cận trong giáo dục phải hướng tới sự sáng tạo, xây dựng môi trường tranh luận tích cực hơn để hỗ trợ hoạt động tiếp thu kiến thức.
“Còn giải pháp ngắn hạn, tôi nghĩ cần phải có định hướng chung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng trên thị trường toàn cầu. Khi tham gia vào chuỗi cung ứng, doanh nghiệp gặp áp lực lớn hơn, nhưng đây chính là lực đẩy để doanh nghiệp thay đổi cả về công nghệ, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm… Nếu mãi quanh quẩn trong sân nhà, việc cải thiện năng suất lao động sẽ rất khó”, ông Hải kiến nghị.
Bên cạnh đó, các đối tác nước ngoài đã có nhiều đóng góp để Việt Nam có thể cải thiện năng suất lao động, qua đó tăng chất lượng tăng trưởng. Theo ông Colin Blackwell, có hai yếu tố góp phần khắc phục vấn đề năng suất lao động tại Việt Nam. Đó là tăng tính tích cực tại nơi làm việc, nâng cao trách nhiệm xã hội và tăng phúc lợi cho người lao động, tạo động lực làm việc. Cùng với đó, cần hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho người lao động, đối xử bình đẳng, công minh giữa lao động nam và nữ… Cải thiện được các yếu tố này sẽ góp phần mở rộng việc làm, tăng năng suất lao động và tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đổi mới, sáng tạo là yếu tố không thể thiếu để các doanh nghiệp bứt phá. Sáng tạo và công nghệ sẽ giúp giải phóng năng suất, đưa doanh nghiệp tiến lên mạnh mẽ và bền vững. GS. Rajah Rasiah, Đại học Malaya (Malaysia) cho rằng, Việt Nam cũng cần khuyến khích đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu từ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao, bằng cách tăng cường nguồn vốn con người và tăng chi tiêu cho đầu tư và phát triển.
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực công
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Trong thời gian tới, tăng năng suất lao động nội ngành là một trọng tâm quan trọng của Việt Nam, đặc biệt đối với các ngành có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, du lịch. Theo đó, phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến chế tạo là hướng đi cần được khuyến khích và có chính sách đồng bộ để thúc đẩy.
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng không kém là nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, nguồn lực công hiện đang còn nhiều dư địa để cải thiện. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn hàng năm chiếm khoảng 40% tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn của khu vực doanh nghiệp trên cả nước, sử dụng khoảng 70% đất đai và 70% vốn đầu tư từ nguồn ODA, nhưng đóng góp rất hạn chế vào tăng năng suất. Do đó, cần thúc đẩy tái cơ cấu khu vực này, giải phóng nguồn lực để sử dụng hiệu quả hơn, đồng thời hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp, tăng cường năng lực công nghệ, thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, động lực tăng năng suất từ phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tăng dần và còn rất nhiều tiềm năng. Chưa kể, cần khai thác tốt hơn động lực từ khu vực FDI trong việc nâng cao năng suất và gia tăng mức độ nội địa hàng hóa xuất khẩu để nâng cấp vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chú trọng đầu tư vào giáo dục
Bà Cáit Moran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ireland tại Việt Nam
Việt Nam đang nỗ lực cải thiện năng suất lao động, hướng đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững để toàn xã hội đều được hưởng lợi từ tăng trưởng. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề năng suất lao động là rất quan trọng.
Một trong những giải pháp cải thiện năng suất là huy động và tận dụng mọi nguồn lực để phát triển, trong đó có nguồn vốn ODA. Theo tôi, nếu có thể gỡ bỏ những rào cản, giảm tính quan liêu trong quản lý những khoản viện trợ và cho vay, thì đây sẽ là một bước đi hữu hiệu để tận dụng những nguồn lực hiện có, cũng như tìm kiếm các nguồn tài trợ mới.
Việt Nam có thể học hỏi các kinh nghiệm từ Ireland trong vấn đề thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động. Chẳng hạn, chú trọng đầu tư vào giáo dục và đào tạo, có mối liên kết chặt chẽ giữa hệ thống giáo dục và nền công nghiệp nhằm đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp phục vụ cho các ngành công nghiệp. Đồng thời, tạo kết nối giữa các trường đại học với khu vực tư nhân trên cơ sở hợp tác chặt chẽ, đôi bên cùng có lợi.
Bên cạnh đó, cần xây dựng một môi trường pháp lý hiệu quả, minh bạch, có tính giải trình, đưa ra các quy định tạo sân chơi cho doanh nghiệp trong nước, cũng như nhà đầu tư nước ngoài.
Cần công nhận vai trò của xã hội dân sự, trong đó nổi trội là khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là đối tác phát triển chiến lược. Bởi khu vực tư nhân sở hữu nguồn lực riêng, có khả năng thực hiện các mô hình thí điểm mà sau này chính phủ có thể nhân rộng, đồng thời nắm giữ vai trò quan sát, điều chỉnh các chính sách phát triển của
chính phủ.
Tạo cơ hội công bằng cho người lao động
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện Action Aid tại Việt Nam, đại diện các tổ chức phi chính phủ quốc tế
Chính phủ cần xem xét lại chiến lược phát triển công nghiệp và các chính sách liên quan để đảm bảo các chính sách này chắc chắn tạo công ăn việc làm và cơ hội kinh tế công bằng cho người lao động. Trước mắt, Việt Nam có thể xem xét cân nhắc điều chỉnh mức lương tối thiểu sao cho phù hợp với chi phí sinh hoạt, đồng thời có các chương trình như tạo điều kiện để người lao động, đặc biệt là lao động nữ tham gia các khóa đào tạo kỹ thuật, kỹ năng nghề, từ đó giúp họ tìm được công việc với mức lương cao hơn tại những ngành nghề đang phát triển.
Việt Nam cũng cần tăng cường hệ thống thanh kiểm tra lao động, nhằm đảm bảo bên sử dụng lao động tại các ngành công nghiệp tuân thủ quy định về điều kiện làm việc, chế độ làm thêm giờ, tránh tình trạng phân biệt đối xử.